27/02/2024 10:51 GMT+7

Kích cầu mua căn hộ

Nhằm thu hút người dân quay lại thị trường địa ốc, đặc biệt thị trường căn hộ, nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay tung ra những chương trình kích cầu như giảm chiết khấu, tăng thời gian ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất cho người mua.

Dự án bất động sản đang được xây dựng ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án bất động sản đang được xây dựng ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất nhưng vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, đang giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng hết sức dè dặt khi rót tiền vào lĩnh vực địa ốc vào thời điểm này khi thị trường vẫn đang trầm lắng.

Lãi vay cố định, bớt lo túi tiền

Nhằm thu hút khách mua nhà, Tập đoàn Vinhomes vừa tung ra gói lãi suất cố định cho người mua nhà lên đến 15 năm. Theo đó, trong hai năm đầu tiên kể từ khi ngân hàng giải ngân, lãi suất mà khách hàng trả tối đa 6 - 7%/năm.

Kể từ năm thứ ba trở đi cho đến hết thời gian trả góp, chủ đầu tư sẽ đảm bảo lãi suất khách hàng và nhà đầu tư chỉ phải chi trả tối đa là 8 - 9,5%/năm.

Trong trường hợp lãi suất cho vay của ngân hàng thấp hơn hoặc bằng lãi suất đảm bảo, khách hàng chỉ phải chi trả theo lãi suất thực tế.

Ngược lại, nếu lãi suất của ngân hàng cao hơn lãi suất vay đảm bảo, khách hàng trả theo trần lãi suất đã cam kết, phần chênh lệch còn lại sẽ được chủ đầu tư chi trả cho phía ngân hàng. Với gói hỗ trợ này, sau khi đóng 30% giá trị căn hộ, người mua sẽ được nhận nhà.

Số tiền còn lại 70% giá trị căn nhà sẽ được vay ngân hàng với thời gian trả góp lên đến 15 năm. Thực tế, với giá căn hộ tại dự án, nếu trả trước 30% người mua sẽ trả 800 - 900 triệu đồng với căn hộ chung cư một phòng ngủ.

Do không phải trả tiền gốc trong hai năm, mỗi tháng người mua sẽ trả khoảng 10 triệu đồng tiền lãi với mức lãi suất 7% trong hai năm đó.

Hoặc với nhà thấp tầng, người mua sẽ trả từ 1,8 tỉ đồng để sở hữu một căn nhà tại dự án của chủ đầu tư này. Sau hai năm, người mua sẽ tránh được nỗi lo lãi suất thả nổi khi có những thời điểm lãi suất cho vay lĩnh vực địa ốc lên đến 14 - 15% thì phía chủ đầu tư sẽ chịu phần lãi suất chênh lệch.

Công ty Nam Long cũng tung ra chương trình khách hàng thanh toán 40% chia nhỏ thành bảy đợt đến khi nhận nhà. Ngân hàng cho vay 65% giá trị sản phẩm, giải ngân ngay trong đợt thanh toán thứ bảy giúp giảm áp lực tài chính cho người mua.

Chủ đầu tư cũng hỗ trợ lãi suất vay 6%/năm trong hai năm liên tục, ân hạn nợ gốc hai năm. Khách hàng chỉ trả lãi suất chênh lệch theo thực tế trong hai năm đó, giúp người mua nhà tạm thời bớt đi gánh nặng lãi suất thả nổi trong ngắn hạn.

Trước đó, Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc (thành viên Khang Điền) cũng tung ra chương trình ân hạn nợ gốc và ưu đãi lãi suất 0% trong 24 tháng. Người mua chỉ cần vốn ban đầu từ 20% giá trị căn hộ, ngân hàng sẽ cho vay tới 35 năm.

Còn nếu có sẵn nguồn vốn hoặc thu nhập ổn định, người mua sẽ thanh toán nhanh để được nhận quà tương đương 10% giá bán sau thuế.

Khách xem một dự án thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Khách xem một dự án thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cần nhiều "cánh én" khai thông sức mua

Với gói tài trợ lãi suất lên đến 15 năm đang được áp dụng, nhiều người mua nhà cho rằng chính sách này sẽ giúp người dân bớt đi nỗi ám ảnh lãi suất ngân hàng khi có những thời điểm lãi suất thả nổi cao chót vót.

Nếu thực hiện đúng cam kết, khách hàng sẽ được hưởng lợi, bởi trong mọi trường hợp, khách hàng đều được chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ để trả với lãi suất thấp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết các chủ đầu tư có tiềm lực sẽ sẵn sàng đem đến những chương trình chưa có tiền lệ để kích cầu thị trường với mục đích chính là tăng thanh khoản, thu hồi dòng tiền.

Trong đó, với lợi thế là doanh nghiệp có thị phần lớn, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận hoặc đàm phán với ngân hàng để có được những chính sách vay vốn cũng như chính sách hỗ trợ khách hàng tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.

"Vấn đề quan trọng là các chính sách này có giúp tăng được sức mua, giúp doanh nghiệp bán được hết giỏ hàng hay không lại phụ thuộc thêm vào mức giá các căn hộ, vị trí và nhu cầu, khả năng sinh lời với sản phẩm đó của người mua nữa", vị này nói.

Trong khi đó, dù khẳng định việc doanh nghiệp tài trợ lãi suất cố định thời gian dài, lên đến 15 năm là một chính sách tốt cho người mua nhà nhưng ông Đoàn Thanh Ngọc - tổng giám đốc Công ty PropertyX - cho rằng "một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân" bởi vì ít chủ đầu tư có thể tung ra được những chính sách như thế mà điều quan trọng là cần kích cầu niềm tin chung cho thị trường.

Theo ông Ngọc, thực tế đang có quá ít dự án mới để đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân đang rất lớn, trong khi những dự án đang tung ra thị trường có giá tương đối cao so với phần đông khách hàng có nhu cầu mua để ở.

"Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá cao, từ vấn đề pháp lý kéo dài, chi phí tài chính... khi bản thân các chủ đầu tư cũng phải cộng tất cả các chi phí vào giá bán, kể cả lãi suất đi vay ngân hàng vào giá bán", ông Ngọc nói.

Giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng cho rằng kể cả khi doanh nghiệp và ngân hàng áp dụng chương trình lãi suất cố định trong hai năm, người mua nhà vẫn lo ngại lãi suất thả nổi sau khi hết chương trình.

"Tuy nhiên, để kích thích sức mua của thị trường, không đơn thuần chỉ là vấn đề lãi suất mà cần sự ổn định của tình hình kinh tế, thu nhập người dân, niềm tin người tiêu dùng và đi lên của thị trường địa ốc", vị này nói.

Đẩy mạnh gỡ vướng pháp lý các dự án

Ông Võ Hồng Thắng - giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án của DKRA Group - cho rằng để khơi thông thị trường bất động sản, vấn đề mấu chốt vẫn là tháo gỡ nhanh pháp lý cho các dự án bất động sản.

Trong đó, cần sớm tính tiền sử dụng đất cho các dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai, thúc đẩy nhanh việc cấp sổ hồng, xử lý sớm cho các dự án đã có kết luận thanh tra kiểm tra, có nguồn gốc đất công hoặc có một phần đất công...

"Khi dự án gỡ được pháp lý, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới, sẽ tung ra các sản phẩm, bán được hàng, giải quyết được vấn đề trái phiếu, nợ nần và giúp người mua nhà tin tưởng, quay trở lại với lĩnh vực bất động sản, vay mua địa ốc", ông Thắng nhận định.

Phải chung tay gỡ khó cho thị trường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - khẳng định các khảo sát của hiệp hội đều cho thấy nhu cầu mua nhà ở của người dân hiện nay rất lớn.

Tuy nhiên, thị trường địa ốc Việt Nam đang thiếu các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, phù hợp với khả năng tài chính, sức chi trả của người dân.

Do vậy, theo ông Đính, cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc gỡ vướng pháp lý cho các dự án đang gặp vướng, giúp tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là các dự án đã triển khai, sắp xong.

Trong đó, với các dự án sắp hoàn thiện nhưng chỉ còn vướng một số vấn đề như định giá đất cần sớm có chính sách tháo gỡ. Nếu không tính được giá đất, doanh nghiệp cũng không thể tính ra các chi phí để đưa ra giá bán, đem nguồn cung ra thị trường.

Các chủ đầu tư cũng phải tái cấu trúc các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của người dân.

"Ngoài ra cần khẩn trương triển khai, thúc đẩy chính sách 1 triệu nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà cho cả thị trường", ông Đính nói.

Giữa cơn khát nhà, TP.HCM có thêm 2.000 căn hộ từ nhà đầu tư MalaysiaGiữa cơn khát nhà, TP.HCM có thêm 2.000 căn hộ từ nhà đầu tư Malaysia

Gamuda Land sẽ đầu tư 6 tòa tháp cao 37-39 tầng, cung cấp gần 2.000 căn hộ tại phường An Phú, TP Thủ Đức, góp phần tăng nguồn cung căn hộ tại TP.HCM giữa cơn khát nhà ở.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên