11/08/2022 05:31 GMT+7

Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép

SƠN LÂM - TIẾN TRÌNH - CHÍ CÔNG
SƠN LÂM - TIẾN TRÌNH - CHÍ CÔNG

TTO - Từ vùng biển phía bắc xuống phía nam đảo Phú Quốc (TP Phú Quốc, Kiên Giang), hàng loạt công trình trái phép "mọc" nhan nhản. Những khu vực biển này đều nằm trong ranh giới khu bảo tồn biển do Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép - Ảnh 1.

Bất chấp dư luận, hoạt động xây dựng trái phép vẫn diễn ra tại hòn Mây Rút Ngoài (phường An Thới, TP Phú Quốc) - Ảnh: T.TRÌNH

Hôm 9-8, chúng tôi trở lại Phú Quốc. Một anh bạn người địa phương chờ sẵn cơm trưa trên nhà hàng nổi tên Cây Sao (ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, Phú Quốc).

Không như các nhà hàng nổi dựng lên trên những phao, bè ở nhiều vùng biển khác của Việt Nam, từ đường dẫn bằng gỗ dài hơn hai trăm mét nối từ bờ ra đến khuôn viên chính của nhà hàng rộng hơn 300m đều được dựng trên những trụ bêtông cắm kiên cố xuống đáy nước.

Sát bên nhà hàng này là một dãy bungalow (khu lưu trú nghỉ dưỡng), với nhiều phòng liền kề nhau nằm trên biển, cũng được xây dựng lên từ các trụ kiên cố. Nhìn ra xung quanh, còn hai dãy bungalow khác cách chỗ chúng tôi khoảng 300m cũng vươn dài ra giữa biển.

"Đây là nơi trước kia dugong (còn có tên gọi là cá cúi hay bò biển), rùa biển xuất hiện rất nhiều. Hiện tại, chỗ chúng ta đang ngồi là khu bảo tồn biển. Nhưng người ta xây hàng loạt bungalow thế này thì bảo tồn gì nữa", anh bạn người địa phương nói.

Ào ạt làm cầu cảng trái phép vùng nam đảo

Ở khu vực bảo tồn biển phía nam đảo, thuộc địa bàn phường An Thới (TP Phú Quốc), việc xây dựng trái phép các công trình trên mặt biển vẫn ngang nhiên diễn ra.

Từ cảng An Thới, anh bạn người địa phương cùng chúng tôi đi tàu ra biển và dừng lại bên hông Hòn Rỏi - nơi có một chiếc sà lan bảng hiệu "NGOC HIEN SEA" đang đậu.

Xung quanh đó là các dây phao nối vào một máy bơm cát tạo thành một vùng biển như riêng biệt không cho các tàu khác đi vào. "Đây là chỗ biển bị bơm cát xuống để làm khu đi bộ dưới đáy biển mà dư luận lùm xùm gần đây", người bạn đi cùng nói. Phải dùng flycam bay lên để quay phim từ trên cao xuống, chúng tôi mới có thể thấy được hai khối vuông vức màu trắng chìm dưới làn nước xanh ngay phía dưới chiếc sà lan.

NGOC HIEN SEA là sà lan của Công ty TNHH Ngọc Trai Ngọc Hiền Phú Quốc (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc). Hai khối vuông vức màu trắng chìm dưới biển do công ty này dùng cát bơm vào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Phi Thủy - chủ Công ty TNHH Ngọc Trai Ngọc Hiền Phú Quốc - thừa nhận đã cho đổ cát xuống khu vực biển kề Hòn Rỏi (phường An Thới), tự ý cải tạo mặt biển mà không xin phép. Theo ông Thủy, vì muốn làm khu đi bộ dưới biển phục vụ du khách nên ông đã đặt các khung bơm cát xuống san bằng một diện tích gần 2.000m2.

Tàu đưa chúng tôi đến đảo Mây Rút Ngoài. Tại đây, một công trình cầu đi bộ đang được xây dựng bao một vòng mũi đảo. Máy trộn bêtông vẫn xình xịch, hàng chục công nhân bận rộn công việc xây dựng. Nhìn từ trên cao, công trình đi bộ vòng quanh mũi đảo dài khoảng hơn 500m này nằm hoàn toàn trên mặt biển, có cọc bêtông cắm xuống đáy biển. Gần đó, một cầu cảng khoảng hơn 100m vừa được xây dựng chạy từ bờ đảo Hòn Mây Rút vươn ra biển.

"Hòn Mây Rút Ngoài có rạn san hô bao quanh rất lớn. Xây dựng kiểu này thì san hô quanh đảo chắc chắn bị ảnh hưởng", anh bạn lái thuyền cho biết.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc: Tràn lan công trình trái phép - Ảnh 2.

Bungalow tại khu bảo tồn biển thuộc ấp Bãi Sao, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc - Ảnh: S.LÂM

"Vườn quốc gia không đủ thẩm quyền xử lý"

Ông Nguyễn Văn Tiệp, giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, thừa nhận có nhiều công trình trái phép tồn tại trong các khu vực bảo tồn biển.

"Chúng tôi lập biên bản và có công văn gửi đến công an, chính quyền địa phương đề nghị xử lý vì vườn quốc gia không đủ thẩm quyền xử lý", ông Tiệp nói.

Theo ông Tiệp, những bungalow trái phép mà Tuổi Trẻ ghi nhận ở khu bảo tồn biển phía đông đảo do "lợi dụng tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 kéo dài".

Những công trình trái phép mà vườn quốc gia đã lập biên bản còn nhiều hơn những gì phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận. Cụ thể, xã Hàm Ninh có 7 vị trí lấn chiếm bãi bồi ven biển và phân khu dịch vụ hành chính thuộc khu bảo tồn biển. Trong đó, ấp Bãi Bổn có 4 trường hợp, ấp Cây Sao có 3 trường hợp. Các sai phạm chủ yếu là làm kè, đổ đất đá và bơm cát xung quanh vào diện tích lấn chiếm, sau đó trồng các loại cây ăn quả (chủ yếu là dừa).

Diện tích lấn chiếm từ vài trăm mét đến vài hecta. Đặc biệt, khu vực tại ấp Cây Sao tồn tại hơn 6 cơ sở xây công trình bungalow trên biển, mỗi cơ sở xây dựng từ 6 đến 10 bungalow. "Tất cả đều hoạt động tự phát, xây dựng trái phép", ông Tiệp nói.

Trong khi đó, về hai công trình đổ cát xuống biển ở kề bên Hòn Rỏi và công trình xây cầu đi bộ quanh đảo Mây Rút Ngoài ở phía nam đảo, ông Tiệp cũng cho biết từ tháng 6 vừa qua, vườn quốc gia đã có văn bản gửi Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Kiên Giang và UBND phường An Thới đề nghị phối hợp, xử lý.

Theo ông Tiệp, ngoài việc không có thẩm quyền xử phạt, hiện nay công tác quản lý khu bảo tồn nói chung từ rừng xuống biển của Vườn quốc gia Phú Quốc đều gặp rất nhiều khó khăn. "Như phạm vi ranh giới các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển Phú Quốc hiện nay chỉ được thể hiện trên bản đồ. Ngoài thực địa chưa được lắp đặt phao, cọc đánh dấu ranh giới nên rất khó xác định vị trí khu bảo tồn trên thực địa để biết họ có vi phạm vào phần vườn quản lý hay không", ông Tiệp ví dụ.

Bên cạnh đó, ông Tiệp cho biết hiện khu bảo tồn biển tại Phú Quốc có diện tích đến hơn 40.000ha, nhưng nhân lực của vườn lại rất mỏng. 

"Chúng tôi thường xuyên lên kế hoạch với biên phòng, địa phương phối hợp rà soát. Nhưng nhìn chung các khu vực bảo tồn nằm xen kẽ với tập quán sinh sống lâu đời của người dân, rất khó để giám sát thường xuyên việc làm của họ. Cũng như không thể ngăn cách hoàn toàn khu bảo tồn để bảo vệ. 

Hơn nữa, từ khi việc bảo tồn biển nhập vào nhiệm vụ của vườn quốc gia từ cuối năm 2019, đã có nhiều công trình trái phép trong các khu vực này tồn tại từ trước mà chưa thể xử lý. Vì như đã nói, chúng tôi đâu có đủ thẩm quyền xử lý, chỉ có lập biên bản và kiến nghị xử lý thôi", ông Tiệp nói thêm.

Chủ tịch TP UBND Phú Quốc nói gì?

Cong trinh cau di bo 4(Read-Only)

Toàn cảnh công trình cầu đi bộ đang xây dựng tại hòn Mây Rút Ngoài - Ảnh: S.L.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang), thừa nhận có một số hành vi vi phạm, xâm phạm đến khu bảo tồn biển xuất phát từ tập quán từ rất lâu, người dân Phú Quốc trồng thủy sản ở các lồng bè trên biển, cất nhà cửa ở các đảo phía nam đảo.

"Cũng có những trường hợp vi phạm xảy ra trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị tập trung chống dịch nên thiếu kiểm tra, kiểm soát, để các trường hợp lén lút xây dựng trái phép...", ông Hưng nói.

Cũng theo lãnh đạo UBND TP Phú Quốc, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Vườn quốc gia Phú Quốc tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm các khu vực bảo tồn biển.

"Chúng tôi đã chỉ đạo lập biên bản vi phạm. Đã và sẽ xử phạt, buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, trả lại hiện trạng cũ. Nếu có trường hợp không chấp hành, chúng tôi sẽ chỉ đạo cưỡng chế và đã có kế hoạch và sẽ xử lý dứt điểm trong năm nay", ông Hưng cho biết.

Phú Quốc vào top 25 hòn đảo tuyệt nhất thế giới năm 2022 nhờ bãi cát trắng, đồ ăn ngon Phú Quốc vào top 25 hòn đảo tuyệt nhất thế giới năm 2022 nhờ bãi cát trắng, đồ ăn ngon

TTO - Mới đây tạp chí Travel + Leisure đã vinh danh 25 hòn đảo tuyệt nhất thế giới năm 2022. Phú Quốc xếp thứ 14 trong danh sách này.

SƠN LÂM - TIẾN TRÌNH - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên