07/11/2018 11:58 GMT+7

Không thể chấp nhận tình trạng lấy biển làm của riêng

QUỐC CƯỜNG
QUỐC CƯỜNG

TTO - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra tình trạng nhiều nơi vẫn phân lô, “khoán trắng” bãi biển cho doanh nghiệp du lịch tự do khai thác mà chưa tính đến quyền lợi, cuộc sống của người dân địa phương khiến người dân rất bất bình, bức xúc.

Không thể chấp nhận tình trạng lấy biển làm của riêng - Ảnh 1.

Cảnh bít đường ra biển ở Phú Yên. -Ảnh: D.THANH

Mới đây nhất là việc người dân ở Phú Yên bị dự án du lịch bít lối phải bắc thang, leo tường mới ra biển được.

Khi kinh tế phát triển, giao lưu hội nhập kinh tế, văn hóa - xã hội với thế giới thì du khách bắt đầu đổ xô đến các bãi biển đẹp để du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng. 

Chính điều này đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho các địa phương có bãi biển đẹp, làm thay da đổi thịt từng ngày ở những nơi này.

Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương khai thác hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương, doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, vẫn còn một số địa phương chưa kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch, kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, người dân bức xúc nhất là tình trạng "khoán trắng" cho doanh nghiệp du lịch,  khai thác các bãi biển mà không tính đến quyền lợi người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và mưu sinh của họ.

Thông thường, sau khi được giao đất là các doanh nghiệp tiến hành xây tường, rào chắn toàn bộ phần đất được chính quyền cho thuê để kinh doanh. Do đó, du khách, người dân địa phương muốn tắm biển thì phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp thuê mặt bằng này. Ngược lại, nếu không sử dụng dịch vụ, nghỉ dưỡng tại đây thì không có chổ để tắm biển, vui chơi! Nhiều nơi còn doanh nghiệp thu phí hoặc phải "xin phép" người dân mới được tắm, vui chơi trên các bãi biển mà họ quản lý!

Nghiêm trọng hơn là tình trạng bít lối, chặn đường xuống biến khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn để mưu sinh. Nhiều nơi, ngay cả người dân địa phương ra biển để đánh bắt cá cũng không có lối đi do bị các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng chặn lối, nên họ buộc phải đi vòng khá xa mới có lối ra biển. Nhiều nơi do khó khăn trong việc ra biển, bảo quản tài sản như tàu thuyền, ngư lưới cụ... mà nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề đi biển, chuyển sang làm nghề khác.

Bãi biển là tài sản chung của công cộng, thuộc sở hữu toàn dân, nên dù có giao cho các doanh nghiệp quản lý, sử dụng thì phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp chỉ thuê mặt bằng, kinh doanh dịch vụ trên bờ, còn bãi biển thì không được thuê, người dân có quyền tắm biển, vui chơi nghỉ dưỡng trên đó và phải đảm bảo lối ra biển hợp lý.

Không thể chấp nhận tình trạng lấy biển làm của riêng. Các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng tùy tiện phân lô "bán" bãi biển ở một số địa phương. Đồng thời, có thể quy định cứng là không quá 100m phải có một lối đi ra biển để người dân đánh bắt thủy sản, vui chơi, giải trí. Điều này không những bảo vệ quyền lợi cho mọi người mà còn đảm bảo đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân ở các địa phương có các bãi biển đẹp.

QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên