14/12/2023 20:23 GMT+7

Không để thiếu hàng hóa Tết ở TP.HCM

Để đảm bảo hàng hóa và ổn định giá cả vào dịp Tết Nguyên đán 2024, TP.HCM đã tổ chức chương trình “bình ổn thị trường”, có 45 doanh nghiệp tham gia với số vốn 22.000 tỉ đồng.

Người dân đi mua sắm hàng hóa ở chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), ghi nhận ngày 12-12 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người dân đi mua sắm hàng hóa ở chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), ghi nhận ngày 12-12 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Những nội dung quan trọng về việc bình ổn thị trường hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán 2024 được ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội ở TP chiều 14-12.

Cụ thể, để chuẩn bị nguồn hàng hóa và giá cả ổn định cho dịp Tết Nguyên đán 2024, có 45 doanh nghiệp tham gia cung cấp, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm quan trọng. Đây là các doanh nghiệp lớn, uy tín.

Các doanh nghiệp này đã chuẩn bị vốn hơn 22.000 tỉ đồng để phục vụ cho hai tháng Tết Nguyên đán. Trong đó, hơn 8.500 tỉ đồng để chuẩn bị hàng bình ổn thị trường (mặt hàng này chiếm 25-43%).

Trung bình mỗi tháng dự kiến cung cấp 7.000 tấn gạo, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng hàng hóa, tổ chức bán hàng lưu động nếu có thiếu hàng cục bộ… và quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 trong mọi tình huống.

Về vấn đề giá gạo tăng, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và mời gọi thêm các doanh nghiệp gạo khác tham gia. Từ đó, tăng nguồn gạo để bình ổn thị trường.

"Thị trường gạo tại TP.HCM từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu", ông Phương nhận định.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương TP.HCM, dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về 3 chợ đầu mối sẽ tăng khoảng 80% so với ngày thường (lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày). Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho dịp Tết, Sở Công Thương phối hợp cùng các địa phương, ban quản lý các chợ theo dõi sát sao lượng hàng hóa xuất nhập, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đúng quy định và có niêm yết giá.

Một số mặt hàng có thể biến động như rau củ quả do ảnh hưởng của thời tiết và vụ mùa. Tuy nhiên, thời gian qua Sở Công Thương TP đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng để cung cấp rau củ quả đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

"Đặc biệt, trong 1 tháng trước và sau Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã cam kết giữ ổn định giá và sẽ giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết với các mặt hàng quan trọng", ông Phương chia sẻ.

Chủ tịch HĐND TP.HCM: Đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùngChủ tịch HĐND TP.HCM: Đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng

Phát biểu bế mạc kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM khóa X, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đảm bảo bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên