04/12/2020 10:05 GMT+7

Không để COVID-19 đánh gục

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Sau 25 năm liên tục tăng trưởng, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 11 tháng qua giảm đến 10,5%, kim ngạch xuất khẩu giày dép cũng giảm gần 10%. Trong khi đó, doanh thu từ ngành du lịch giảm gần 60% từ đầu năm đến nay.

Những con số thống kê cho thấy nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì COVID-19, kỳ vọng gỡ gạc vào đợt cuối năm thì dịch quay lại khiến các doanh nghiệp thêm chới với.

Sau gần một năm kinh doanh èo uột, giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ẩm thực, giải trí cho biết công ty đã lên kế hoạch để "lấy lại những gì đã mất" của năm 2020 khi dồn tổng lực cho đợt cao điểm tiêu dùng cuối năm. 

Thậm chí doanh nghiệp này còn thuê ca sĩ, công ty tổ chức sự kiện, tung khuyến mãi... để kéo khách hàng, nhưng rồi dịch bệnh quay lại trong cộng đồng sau 88 ngày vắng bóng khiến công ty như ngồi trên đống lửa. 

Nguồn lực để cầm cự trong suốt một năm đã vơi, trong khi người lao động mong dịp cuối năm kiếm được "chút đỉnh" về quê ăn tết. Do đó, vị giám đốc này cho biết dù TP chưa yêu cầu giãn cách xã hội, các cửa hàng vẫn mở cửa nhưng dịch vẫn tác động đến tâm lý người dân, doanh số lập tức rớt thê thảm.

Tương tự, giám đốc một công ty dệt may lớn ở TP.HCM cũng kể rằng chưa bao giờ các doanh nghiệp dệt may lại đứng trước một tình cảnh gian khó như hiện nay, khi mọi năm đã chốt đơn hàng của năm 2021 thì bây giờ đơn hàng của năm mới "đều chưa có thông tin rõ ràng", khiến hàng ngàn lao động của doanh nghiệp thấp thỏm công ăn việc làm.

Khó khăn chung của nền kinh tế đã dẫn đến những khó khăn cho từng người lao động, từng hộ gia đình khi thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam phải dừng hoạt động trong thời gian qua đã tăng lên. 

Riêng tại TP Đà Nẵng, sau đợt tái bùng phát dịch bệnh, người dân ở TP này đã phải gánh chịu những hậu quả nặng về kinh tế khi WB cho biết có đến 67% hộ gia đình thu nhập giảm bởi COVID-19. 

Ngay cả trường hợp dù kiểm soát được dịch trong cộng đồng, các tổ chức thương mại vẫn dự báo hệ lụy của COVID-19 còn độ trễ và tiếp tục tác động mạnh hơn nữa đến các doanh nghiệp trong năm sau.

Do đó, điều người dân kỳ vọng là sớm kiểm soát được dịch bệnh để cứu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sớm thoát cảnh "nước sôi lửa bỏng". Mặt khác, doanh nghiệp cũng không thể vì áp lực tồn tại, nặng gánh lợi nhuận mà đánh đổi, lơ là phòng dịch bởi hệ lụy của dịch không tác động riêng một cá nhân hay doanh nghiệp nào.

Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch COVID-19, những cá nhân sai phạm sẽ bị pháp luật xử lý, đồng thời doanh nghiệp cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã quản lý lỏng lẻo, để nhân viên của mình gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng. 

Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả xã hội siết lại công tác phòng dịch. Dứt khoát không để tái diễn vi phạm quy định cách ly dẫn đến hệ quả nặng nề cho xã hội. Rất nhiều doanh nghiệp ngay lập tức bật chế độ "thời chiến", tái lập các biện pháp phòng dịch cứng rắn và chủ động giãn cách ngay từ nhà ăn đến nhà xưởng.

Chúng ta đã có kinh nghiệm kiểm soát tốt dịch bệnh nên không thể để COVID-19 đánh gục, kể cả "sức khỏe" của nền kinh tế lẫn tính mạng của người dân.

Đừng khoan vào sức dân giữa đại dịch Đừng khoan vào sức dân giữa đại dịch

TTO - Nhiều quy định tại nghị định 126/2020 sẽ có hiệu lực từ 5-12. Cần tránh những vụ việc như Chi cục Thuế Hà Đông vừa làm. Tốt nhất những chính sách bất hợp lý cần sớm được sửa đổi.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên