03/11/2023 13:03 GMT+7

Không để cả nghìn dự án lãng phí thêm nữa

Hàng nghìn dự án trong đầu tư xây dựng, đầu tư công đang tồn tại những hạn chế, thất thoát, lãng phí được Chính phủ rà soát, phân loại để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương là một trong những dự án đầu tư công bị điểm tên trong danh mục lãng phí, triển khai kéo dài. Trong ảnh: khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương là một trong những dự án đầu tư công bị điểm tên trong danh mục lãng phí, triển khai kéo dài. Trong ảnh: khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của các dự án nhằm khơi thông và phát huy các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước?

Những dự án kéo dài 20 năm

Tại báo cáo của Chính phủ thực hiện nghị quyết 74/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ ra hàng nghìn dự án đầu tư xây dựng, đầu tư công còn tồn tại những bất cập, gây lãng phí, thất thoát cho Nhà nước.

Từ đó Chính phủ đang phân loại để xây dựng kế hoạch, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực và các tồn tại hạn chế trong thực hiện các dự án này.

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 là dự án được nhắc đến trong số 13 dự án trọng điểm lĩnh vực điện, than, dầu khí bị chậm tiến độ, kéo dài khiến Thủ tướng phải quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Nhờ vậy, mới đây dự án từng bước tháo gỡ được những vướng mắc, triển khai một loạt các bước thỏa thuận, ký kết các văn bản quan trọng - tạo tiền đề để các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần, sau gần 20 năm các bên nhiều lần đàm phán.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Thập - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết dự án Lô B - Ô Môn dù đã "tốn nhiều công sức của nhiều cấp ngành" nhưng vẫn bị đình trệ và bế tắc.

Việc chưa đạt được sự đồng thuận của chủ đầu tư từ khâu thượng nguồn, trung và hạ nguồn, cho đến các vướng mắc trong thay đổi chính sách về bảo lãnh Chính phủ cũng như cơ chế giá điện và việc thực hiện bao tiêu... đã khiến các nhà đầu tư rót vốn lo ngại và đánh mất đi nhiều cơ hội để thực hiện.

"Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành và Chính phủ tháo gỡ trực tiếp các vướng mắc trong cơ chế bao tiêu khí đến bao tiêu điện thì rất khó triển khai. Vì vậy, việc triển khai ký kết các văn bản quan trọng vừa qua rất có ý nghĩa, tránh để dự án tiếp tục kéo dài, lãng phí nguồn lực rất lớn", ông Thập phân tích.

Tương tự, dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có quy mô 1.500 giường với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, đã được khởi công từ năm 2014 nhưng tới nay sau gần 10 năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, dự án trên gồm nhiều hạng mục, trong đó tới nay đã cơ bản hoàn thành một số gói thầu, hoàn thành xây dựng tòa nhà cao 19 tầng. Tuy nhiên việc mua sắm trang thiết bị y tế đang gặp khó khăn, chưa thực hiện xong. Trong khi đó, một số tiêu chuẩn định mức về mua sắm cho lĩnh vực y tế vẫn chưa rõ nên khó trong thực hiện...

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, chiếm nhiều nhất trong số các dự án thất thoát, lãng phí phải kể đến những dự án đầu tư công và dự án, công trình đã không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Như đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, cơ quan chức năng đã chấm dứt hai dự án tại Phú Quốc (Kiên Giang). Cụ thể gồm dự án Bệnh viện sinh thái 500 giường và dự án Trung tâm hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật của Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu có hai dự án chậm triển khai, gặp vướng mắc để đất đai hoang hóa gồm dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam Bộ.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị và Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đối với dự án này để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó là dự án cảng quốc tế Sao Biển. Riêng Đồng Nai có một dự án khu công nghiệp tại Long Thành...

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Chế tài mạnh: thu hồi dự án kém hiệu quả

Bàn về giải pháp khắc phục những hạn chế trong các dự án như trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ báo cáo giám sát của Quốc hội đã điểm mặt, nêu tên rất nhiều dự án chậm tiến độ, lãng phí trong sử dụng đất.

Các dự án đã được quy hoạch nhưng trong tình trạng "treo" không triển khai hoặc triển khai rồi "trùm mền". Điều này không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền của dân, mà còn lãng phí cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của người dân, địa phương và cả nước.

"Người dân trong khu vực dự án đó không làm gì được, không phát triển kinh tế được hoặc chỉ làm, sống tạm bợ, chắp vá để chờ dự án. Đó là sự lãng phí rất lớn tiền bạc, chi phí của Nhà nước, xã hội và người dân...", ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, trách nhiệm lớn nhất khi để xảy ra tình trạng trên là của chính quyền địa phương - nơi lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn nhà thầu cho tới giám sát đầu tư công trong triển khai dự án...

Bên cạnh đó cũng xem dự án đó có thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào quản lý để giao xử lý một cách rạch ròi. "Nếu dự án đó không còn cần thiết thì phải thu hồi và tiếp tục thực hiện bán đấu giá hay khoán, cho thuê... để các đối tượng cần thiết sử dụng tạo ra của cải vật chất, Nhà nước có nguồn thu", ông Hòa nói thêm.

Cùng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng thực trạng lãng phí từ các dự án do việc triển khai chậm trễ, kéo dài đang rất đáng lo ngại. Nguyên nhân là có một bộ phận không nhỏ các dự án được triển khai xây dựng nhưng việc đánh giá báo cáo nghiên cứu khả thi, đến khảo sát và triển khai dự án là "có vấn đề".

Đặc biệt, có những hạn chế trong đánh giá năng lực chủ đầu tư, nên khi triển khai đều gặp vướng mắc. Chưa kể là những bất cập trong thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách hiện nay còn chồng chéo, có cách hiểu khác nhau, khiến cho việc triển khai bị chậm trễ.

Do đó, ông Hạ cũng cho rằng nếu không ngăn chặn tình trạng này, nhiều dự án chậm trễ sẽ mất đi cơ hội, làm lãng phí nguồn lực của đất nước.

Vì vậy, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, các rào cản vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cần phải có chế tài đủ mạnh với các dự án chậm trễ, kéo dài gây lãng phí, như việc thu hồi dự án, xác định rõ trách nhiệm các bên làm dự án kém hiệu quả.

Nói về mặt giải pháp, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết nghị quyết 74 của Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức giám sát việc xử lý đối với các dự án này. Đồng thời, hằng năm có báo cáo với Quốc hội.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Lâm nói nghị quyết 74 của Quốc hội đã đưa ra các yêu cầu, giải pháp cụ thể nên Chính phủ, các địa phương cần quyết liệt, nghiêm túc thực hiện. Ông chỉ rõ cần rà soát lại các dự án và từ mỗi nguyên nhân gây chậm trễ tại các dự án sẽ có giải pháp để khắc phục.

Trong đó, đối với các dự án chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí cần rà soát, phân loại và xây dựng kế hoạch lộ trình để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc của các dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng của quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện.

Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quy mô 1.500 giường tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một khởi công đã gần 10 năm nhưng chưa thể đi vào hoạt động - Ảnh: B.S.

Dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quy mô 1.500 giường tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một khởi công đã gần 10 năm nhưng chưa thể đi vào hoạt động - Ảnh: B.S.

Địa phương cần chủ động hơn

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định pháp luật, nhưng nếu vì cái chung, quyết tâm thì vẫn tìm ra cách làm.

Đó là ý kiến của ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế đối với các dự án chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí.

Ông Minh nêu, tiêu biểu như dự án vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn bốn tỉnh thành Đông Nam Bộ. Riêng tại Bình Dương tổng mức đầu tư khoảng 19.280 tỉ đồng, trong đó vốn giải phóng mặt bằng trên 13.500 tỉ đồng. Vừa qua, để giải ngân dự án vành đai 3, nếu cứ chờ như cách làm thông thường là làm từng thủ tục thì rất khó để kịp tiến độ khởi công dự án.

Với ý nghĩa cấp thiết của dự án kết nối vùng này, các thủ tục từ giải phóng mặt bằng, phê duyệt kỹ thuật, mời thầu... được thực hiện song song nên tiến độ được đẩy nhanh hơn. Cùng chung thành công với dự án này, kết quả đến cuối tháng 10-2023, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương đạt hơn 91% kế hoạch Thủ tướng giao.

Một vấn đề khác làm chậm tiến độ nhiều dự án đầu tư công là việc di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó có đường dây điện. Theo quy định, việc di dời đường dây điện nếu muốn ngành điện thực hiện thì phải có trình tự, thủ tục để phê duyệt như một dự án đầu tư mới, thậm chí phải chờ để bố trí nguồn vốn của ngành.

Trong khi đó không thể hạch toán khoản đầu tư này vào dự án đường giao thông nên nhiều nơi dù dự án cấp bách, đền bù giải phóng mặt bằng của người dân xong vẫn không thể thi công vì vướng đường điện.

Tiêu biểu như dự án mở rộng quốc lộ 13 nối TP.HCM - Bình Dương, phần chi phí để di dời đường điện chỉ khoảng 100 tỉ đồng, không đáng kể so với tổng mức đầu tư mở rộng đường gần 1.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đường dây điện vẫn đang là một vướng mắc lớn của dự án quốc lộ 13 tại Bình Dương.

Để tháo gỡ, ông Võ Văn Minh thông tin đang đề xuất phương án ứng ngân sách tỉnh di dời đường điện dự án quốc lộ 13 cho kịp đòi hỏi tiến độ dự án kết nối vùng. Và ngành điện có thể hoàn trả sau khi có ý kiến chính thức của cơ quan trung ương.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Trí - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - cho rằng để ngăn chặn tình trạng dự án treo, dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí, tỉnh Khánh Hòa xác định các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực cho phát triển để tránh lãng phí nguồn lực đất nước.

Phân loại và theo dõi từng dự án gặp vướng mắc để đốc thúc triển khai, tìm ra nguyên nhân để các cấp ngành cùng tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, vấn đề quan trọng là cần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, của địa phương, đơn vị, chủ đầu tư, nâng cao tính chủ động tháo gỡ vướng mắc dự án.

TP.HCM: Phải giải ngân đầu tư công 68.000 tỉ đồng, mới chỉ đạt 1/3TP.HCM: Phải giải ngân đầu tư công 68.000 tỉ đồng, mới chỉ đạt 1/3

Năm 2023, 18/22 quận huyện tại TP.HCM cam kết giải ngân từ 95% trở lên. 4 địa phương còn lại gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức cam kết giải ngân 80-95%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên