11/07/2019 17:02 GMT+7

Khởi tố vụ án hai đối tượng nguy hiểm vượt ngục ở Bình Thuận

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hai đối tượng nguy hiểm vượt ngục ở Bình Thuận, để điều tra về tội 'thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn'.

Khởi tố vụ án hai đối tượng nguy hiểm vượt ngục ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Nguyễn Viết Huy, 33 tuổi, tự Huy "nấm độc", lúc bị bắt tại Tiền Giang - Ảnh công an cung cấp

Liên quan vụ 2 đối tượng bỏ trốn khỏi nhà tạm giữ Công an Bình Thuận, chiều 11-7, một lãnh đạo Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác nhận đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về tội "thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn".

Trước đó, rạng sáng 30-6, hai đối tượng Nguyễn Viết Huy (33 tuổi, tự Huy "nấm độc", ngụ TP Phan Thiết) và Nguyễn Văn Nưng (37 tuổi, ngụ huyện Tuy Phong) đã cưa song sắt lỗ thông gió tại buồng số 5, nhà tạm giữ Công an Bình Thuận rồi bỏ trốn.

Rạng sáng 5-7, lực lượng cảnh sát đã bắt được Huy "nấm độc" tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang.

Đến rạng sáng 10-7, lực lượng cảnh sát tiếp tục bắt Nguyễn Văn Nưng khi đang lẩn trốn tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Huy "nấm độc" bị Công an tỉnh Bình Thuận tạm giam từ ngày 6-5 về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Nguyễn Văn Nưng bị bắt giam từ ngày 10-12-2017 về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Khởi tố vụ án hai đối tượng nguy hiểm vượt ngục ở Bình Thuận - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Nưng lúc bị bắt tại Lâm Đồng - Ảnh công an cung cấp

Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết chưa khởi tố bị can trong vụ thiếu trách nhiệm này.

Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn được quy định tại điều 376 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

"1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;

b) Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 2 năm đến 7 năm:

a) Làm vụ án bị đình chỉ;

b) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng;

c) Để từ 2 người đến 5 người bỏ trốn;

d) Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Để 6 người trở lên bỏ trốn;

c) Để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm".

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên