10/04/2023 14:00 GMT+7

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt

Nhìn thấy bịch bánh tráng gắn mác "made in Thailand" trên kệ hàng siêu thị tại Mỹ, Lê Duy Toàn nổi "tự ái" bởi anh được sinh ra giữa lòng làng nghề truyền thống vang danh - bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM).

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 1.

Lê Duy Toàn - CEO Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Duy Anh - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Lê Duy Toàn (nay 34 tuổi) quyết định về nước, định vị lại giá trị cho chiếc bánh tráng Việt, cũng là cái "nôi" nuôi anh lớn. Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh ra đời từ đó.

Duy Anh Foods ra đời vì bịch bánh tráng "made in Thailand"

Ở làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, hầu hết người dân nơi đây đã bỏ nghề. Cũng hiếm có bạn trẻ nào nối nghiệp được cái nghề khổ cực, thức khuya dậy sớm, phơi nắng dầm mưa mà lời lãi chẳng bao nhiêu này. Ngay cả Toàn, việc đi du học năm nào cũng là cách để anh chạy trốn khỏi cái khổ của nghề này. Nhưng có vẻ bánh tráng và Toàn có duyên nợ.

Năm 2006, Toàn trở thành du học sinh ngành quản trị kinh doanh (Trường ĐH California State, Hoa Kỳ). Trong một lần đi siêu thị ở Mỹ, anh ngạc nhiên khi phát hiện những bịch bánh tráng "made in Thailand" được bày bán.

"Không hiểu sao lúc nhìn thấy gói bánh tráng gắn mác Thái Lan, mình cảm thấy rất khó chịu. Cả một làng nghề truyền thống lớn, lâu đời như vậy mà phải đợi người Thái" - Toàn nghẹn giọng.

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 2.

Bún ngũ cốc của Duy Anh Foods là sản phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải Sial Innovation tại Hội chợ quốc tế ngành thực phẩm Sial Paris 2022 - Ảnh: C.T.

Sau bốn năm du học, Toàn tốt nghiệp và có cơ hội ở lại Mỹ làm việc cho một tập đoàn lớn. Tuy nhiên anh lập tức bay về Việt Nam, nuôi quyết tâm xuất khẩu bánh tráng Việt. "Trời ơi điên hả con. Bố mẹ nuôi ăn học ngần ấy năm trời, tốn bao tiền sao không đi làm công ty này kia lương cao mà lại làm cái nghề này?" - Toàn thuật lại lời trách móc của người thân khi biết quyết định của anh.

Bánh tráng Việt xuất ngoại từ cơ sở khởi nghiệp

Quyết là làm, anh dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp, vay mượn người thân (khoảng 500 triệu đồng) để bắt tay vào xây nhà xưởng, mua máy móc, thuê nhân công…

Bằng tất cả sự kỳ vọng, tâm huyết của chàng trai trẻ, mẻ bánh đầu tiên ra lò nhưng… thực sự vẫn chưa ngon. Chưa kể việc tất cả đều được làm thủ công bằng tay, năng suất thấp, thẩm mỹ và chất lượng lại không cao. Thay đổi một vài chỗ, những mẻ bánh tiếp theo cũng dần cải thiện hơn.

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 3.

Duy Anh Foods đã có ba năm đạt giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao (2020, 2022 và 2023). Ảnh chụp Lê Duy Toàn lên nhận chứng nhận giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 - Ảnh: NVCC

Mang theo bao hy vọng, anh gửi sản phẩm đến Nhật Bản chào hàng nhưng lập tức bị khách từ chối. Mẻ tiếp theo, anh đóng gói rồi gửi máy bay sang Mỹ. Nhưng kết quả cũng như lần đầu. Thậm chí các đơn vị phân phối trong nước cũng "lắc đầu" với bánh tráng của Duy Anh Food.

Không lâu sau đó, một đoàn khách du lịch Nhật đến tham quan di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, được giới thiệu về làng bánh tráng truyền thống của vùng mà mô hình Toàn đang xây dựng là thí điểm. Khi trở về, Toàn tặng mỗi du khách một gói bánh tráng làm quà. Bẵng đi vài tuần, một trong số du khách khi ấy đã liên hệ lại với anh và đặt vấn đề hợp tác, nhập khẩu bánh tráng sang Nhật.

Nhưng mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề, bởi trong 8 tháng tiếp theo, 12 mẫu bánh tất cả mà Toàn gửi sang đều không đạt được các yêu cầu của phía đối tác. Đến mẫu thứ 13, họ đồng ý.

Qua tìm hiểu, Toàn nhận ra mỗi thị trường ưa chuộng một sản phẩm có hình dáng, kích cỡ, độ dày/mỏng khác nhau. Người tiêu dùng ở châu Âu có sở thích khác với người tiêu dùng ở các nước châu Á. Người Mỹ lại có yêu cầu riêng, thị trường Thái Lan cũng khác biệt...

Từ bánh tráng, Toàn mở rộng sang sản xuất bún khô, phở khô… Các sản phẩm truyền thống Việt Nam từ hạt gạo trắng, gạo lứt, mè hay thậm chí là thanh long, dưa hấu, cải bó xôi, củ dền, bí đỏ… cũng được Toàn phối sản xuất rồi xuất khẩu.

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 4.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bìa phải) tham quan gian hàng của Duy Anh Foods tại một hội chợ thương mại trong nước

Thị trường 58 nước

Chỉ sau hơn một năm đi vào sản xuất (2012), một sự cố không may đã xảy ra khi khu nhà xưởng của Duy Anh Foods bị cháy rụi, chỉ còn lại tấm vách trơ trọi.

Toàn rất mạnh mẽ. Dù toàn bộ vốn liếng, công sức gầy dựng bao lâu đã cháy rụi nhưng ngay lập tức, bằng vay mượn ngược xuôi, một nhà xưởng hiện đại, an toàn rộng hơn 15.000m2 lập tức được dựng lên. Mọi thứ đều khang trang, sạch sẽ và chuẩn chỉnh quy trình.

Không như những lần đầu đầy khó khăn, thị trường xuất khẩu của Duy Anh Foods hiện đã lên tới con số 58 quốc gia. Tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Âu và những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ… với sản lượng trung bình 30-40 tấn sản phẩm các loại.

Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 5.

Bún dưa hấu - sản phẩm Việt duy nhất đoạt giải Innovation ở Hội chợ triển lãm quốc tế về thương mại thực phẩm & đồ uống Thaifex 2022 diễn ra tại Thái Lan

Để đạt được điều đó, các sản phẩm bánh tráng, bún, phở và mì của Duy Anh Foods đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đạt chứng nhận Kosher (đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn uống theo đạo luật của người Do Thái), ISO 2000, Organic...

Trước tác động lớn của dịch COVID-19, Duy Anh Foods đã nỗ lực "trình làng" sản phẩm bún khoai lang tím và đặc biệt là việc bổ sung thêm bún khô ngũ cốc với 5 loại hạt (đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành và mè đen). Hội chợ triển lãm quốc tế về thương mại thực phẩm & đồ uống Thaifex 2022 từng chọn bún dưa hấu của Duy Anh để trưng bày cùng với 13 sản phẩm sáng tạo nổi bật của các nước tham dự hội chợ. Đây là sản phẩm nông nghiệp sáng tạo duy nhất của Việt Nam góp mặt tại đây.

Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award

Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.

Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...

Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.

MINH HUỲNH
Khởi nghiệp vì tự ái thay bánh tráng Việt - Ảnh 7.
Start-up kỳ cựu Hoàng Tuấn Anh: Start-up kỳ cựu Hoàng Tuấn Anh: 'Thất bại lại thêm kinh nghiệm vận hành, quản lý rủi ro'

Nổi tiếng với phát minh "ATM gạo" giúp người nghèo, Hoàng Tuấn Anh cho biết những lần trầy trật càng giúp anh có nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên