01/08/2019 19:47 GMT+7

Khoảnh khắc cuối cùng bên bà ngoại

NGUYỄN MINH HƯƠNG
NGUYỄN MINH HƯƠNG

TTO - Mỗi lần gọi điện, tôi chẳng bao giờ xin chuyển máy nói chuyện với bà. Bởi tôi nghĩ sẽ còn lần khác. Vâng! Tôi đã vô tâm, để rồi vĩnh viễn không còn được gọi "bà ơi"!

Khoảnh khắc cuối cùng bên bà ngoại - Ảnh 1.

Nhớ lời bà ngoại, tôi tự nhủ mình phải sống sao để mai sau không nuối tiếc, ân hận điều gì. Rằng tôi thật sự sống có ý nghĩa cho mình, cho người, chứ không chỉ tồn tại qua ngày.

Nguyễn Minh Hương

Hôm ấy, bà ngoại tôi vừa từ Bệnh viện Bình Dân về ngày đầu tiên. Bệnh chuyển biến rất xấu, bác sĩ bảo cho bà về để chuẩn bị hậu sự!

Cố truyền hơi ấm cho bà

Gia đình tôi từ khi biết tin bà ngoại bị ung thư tụy, ai cũng u sầu, tất tả ngược xuôi để săn sóc bà, nhưng tuyệt nhiên không ai nói với bà về căn bệnh này, có lẽ vì không muốn bà lo. Bầu không khí mỗi ngày một nặng nề. Tôi lúc ấy chỉ là một học sinh nhưng cảm nhận được mọi người đang phải đối mặt điều gì.

Tôi hiểu căn bệnh hiểm này đã hành hạ bà ra sao. Tôi cũng có những nghĩ suy, lo lắng, nhưng không thể tâm sự nhiều với cha mẹ đang quá nhiều việc phải nặng lòng. Tôi chỉ biết thương bà và giấu vào những trang nhật ký của riêng mình.

Đầu giờ chiều một ngày, ba bảo tôi chuẩn bị lên thăm bà, bệnh bà như thế khó có thể kéo dài được bao lâu nữa. Trên đường đi, tôi suy nghĩ miên man, lòng nặng trĩu nỗi buồn, thời gian trôi dường như nặng nề hơn. Tôi cứ có cảm giác mỗi phút qua đi, mình sẽ phải nghe điều không muốn nghe, sợ rằng điện thoại của ba bất chợt reo, sợ rằng khi tôi lên đã quá trễ. Tôi thật sự sợ nhưng không biết có thể làm gì, chỉ mong mình sẽ được thấy ngôi nhà của bác tôi còn yên ả, nơi mà sau mấy tháng nằm viện, nay bà được trở về.

Vừa đến nhà bác, tôi đã thấy rất nhiều người đến thăm bà, tôi vội chào rồi vào phòng bà ngoại ngay. Lúc ấy, mọi thứ xung quanh tôi như không tồn tại, tôi chỉ có thể nghĩ về bà. Người mà tôi từng ở bên suốt thời ấu thơ, người từng chăm lo tôi như cha mẹ, người chưa bao giờ quát mắng tôi mà chỉ dịu dàng dạy dỗ.

Khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc tôi thấy bà trên giường bệnh, như muốn bóp nghẹt tim tôi, như làm chân tôi khuỵu xuống. Xung quanh giường bệnh biết bao dây nhợ, rồi bình truyền nước biển, thuốc men. Bà nằm đó, thở khó nhọc, tóc bạc đi nhiều, giờ chỉ còn lưa thưa vài cọng do hóa chất, làn da vàng vọt của người bệnh cùng thân hình da bọc xương.

Người bà tôi từng biết có mái tóc đen xoăn rất hợp với gương mặt hiền hậu, có nụ cười phúc hậu luôn nở trên môi. Căn bệnh đã khiến bà ra như thế, nó đã cướp đi những gì đẹp nhất thuộc về bà.

Tôi phải dồn nén tất cả cảm xúc vào lòng, thật khó để làm điều đó, nhưng tôi vẫn cố gắng để mọi người và nhất là bà không vì tôi mà thêm buồn. Tôi ngồi sát bà, nhẹ nhàng nắm bàn tay gầy guộc để cố truyền hơi ấm của mình cho người bà yêu thương. Bà cũng nắm lấy tay tôi, dù rất nhẹ, rất yếu nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận.

Bà quá yếu rồi, thậm chí nói chuyện hay mở mắt cũng là một điều rất khó khăn. Tôi nhìn bà mà xót xa, bà không đáng bị đau đớn như thế, bà sống là con người nhân hậu, chẳng bao giờ dành thứ gì cho bản thân, luôn yêu thương người khác. Khó khăn, gian khổ một đời dồn lên vai bà, lẽ ra tuổi già được yên vui thì điều đau đớn này lại ập đến với bà!

Không thể giấu những giọt nước mắt

Tôi nhìn bà, vừa trò chuyện với bà, vừa lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, khó khăn lắm giọng nói của tôi mới không thành tiếng nấc. Tôi kể bà nghe về chuyện học hành, chuyện gia đình tôi, thi thoảng tôi lại chỉnh áo cho bà vì sợ bà lạnh. Cứ mỗi phút trôi qua, tôi càng thấy mình không thể giấu những giọt nước mắt này nữa.

Tôi xin phép ra ngoài phòng, tôi không muốn ai biết rằng tôi đã khóc nhiều thế nào! Tôi rửa mặt, rửa đi hai hàng nước mắt ướt đẫm khuôn mặt, nhưng tôi chẳng thể rửa trôi tâm trạng u buồn của mình. Tôi lại trở về phòng bà, nặng nhọc bước đến bên giường bệnh, xoa lên đôi tay gầy guộc đang trở lạnh dần.

Các bác cũng trò chuyện với bà để bà tạm quên đi bệnh tật. Nội tôi bảo: "Bà ơi, bà ráng khỏe để lên chơi với cháu trai út nhé". Vừa nghe nhắc đến em tôi, bà đã mở mắt. Suốt từ đầu buổi đến giờ, đấy là lần duy nhất bà cố mở mắt. Bà nghĩ cháu út của bà đang ở đây với bà, nỗi nhớ thương cháu vượt trên cả đớn đau.

Rất lâu rồi bà ngoại không được gặp cháu trai út mình khi ấy chỉ mới gần hai tuổi. Bà thương em tôi giống như thương tôi vậy, nhìn cách bà quấn quýt với em khi bà còn khỏe, tôi như nhìn thấy bản thân mình. Chính khoảnh khắc ấy, một lần nữa tôi lại suýt vỡ òa cảm xúc. Dù đã phải đứng bên lằn ranh sinh - tử, nhưng tận thâm tâm bà vẫn luôn nghĩ về những người bà yêu thương nhất...

Nhìn ra bầu trời đã tối mịt, tôi đứng dậy chào bà để về lo cho em. Lúc ấy, điều bà làm đã khiến tôi không kìm được nước mắt, bà siết chặt tay tôi, miệng ú ớ muốn níu tôi lại, mắt bà ngấn nước. Tôi như bị nghẹn lại, khựng lại! Bà không muốn tôi đi, bà không muốn đứa cháu bà có nhiều kỷ niệm nhất phải rời xa bà hôm nay và có thể là mãi mãi!

Tôi vĩnh viễn mất bà

Cả tôi cũng không muốn rời bà, bởi tôi không biết rằng ngày mai mình có còn được thấy gương mặt bà yêu thương nữa không. Nhưng tôi vẫn nghẹn ngào nói với bà: "Trễ rồi bà ạ, con phải về với em thôi. Rồi mai con sẽ lên thăm bà mà!".

Tôi cứ lặp lại câu nói đó trong tiếng nấc, lúc ấy tôi chẳng thể giấu được gì nữa, mọi thứ cứ thế tuôn ra mà tôi cũng không cần nó dừng lại. Tôi vội chạy ra khỏi phòng vì không thể chịu đựng nỗi buồn này lâu hơn nữa, tôi sợ nhìn bà khóc, tôi sợ tôi sẽ không đứng vững...

Con đường đi về như dài hơn. Bất chợt hai hàng nước mắt nóng hổi lại lăn dài trên má tôi. Khi bà mới mắc bệnh, mỗi lần gọi điện lên nhà bác, tôi lại chẳng bao giờ xin chuyển máy để nói chuyện với bà. Bởi tôi nghĩ không lần này thì sẽ còn lần khác, việc gì phải vội. Vâng! Tôi đã vô tâm như thế đó, để rồi tôi vĩnh viễn mất bà, tôi vĩnh viễn không còn được gọi hai tiếng "bà ơi" quen thuộc. Tất cả những điều bà dành cho tôi chỉ còn là quá khứ, một quá khứ nhân từ, tốt đẹp mà tôi sẽ giữ mãi cho riêng mình.

Sau ngày hôm ấy, bà ngoại rời xa chúng tôi vĩnh viễn! Nhớ thương bà, tôi u buồn rất nhiều ngày. Nhưng rồi một tối, ngồi giở những trang vở học, tôi chợt nhớ lời bà khuyên dạy: "Khi còn nhỏ, con ngoan ngoãn, học giỏi. Mai sau ra đời, con sống tử tế, yêu thương người. Đó chính là điều báo hiếu tốt nhất mà con có thể thực hiện cho cha mẹ, ông bà mình".

Nhớ bà, mỗi ngày tôi trân trọng từng phút giây bên gia đình yêu thương của mình. Là khi bắt gặp mảnh đời bất hạnh, tôi quan tâm, dang rộng đôi tay sẻ chia với họ. Là những lúc tôi nhen nhóm trong mình những mục tiêu, khát vọng và tôi từng bước hoàn thành chúng. Những lúc vấp váp, khó khăn, hình ảnh bà càng khiến tôi mạnh mẽ hơn, đứng dậy để viết tiếp câu chuyện đời mình, đời người cháu xứng đáng của bà...

Sống ý nghĩa cho mình, cho người

Nhớ lời bà ngoại, tôi tự nhủ mình phải sống sao để mai sau không nuối tiếc, ân hận điều gì. Rằng tôi thật sự sống có ý nghĩa cho mình, cho người, chứ không chỉ tồn tại qua ngày. Đời bà vô cùng gian khó mà đã làm được điều đó. Bà không cần nói ra tôi phải thế này, tôi cần thế kia. Nhưng bà đã dịu dàng truyền những giá trị nhân hậu về cách làm người tử tế qua từng câu chuyện của bà, qua từng việc làm thiết thực.

khoảnh khắc thay đổi

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

hd-bank

Đồng hành cùng cuộc thi này

Tôi cưới em, tình không gấp, cũng không hẹn hò Tôi cưới em, tình không gấp, cũng không hẹn hò

TTO - Tôi cưới em, nhưng không phải là tình yêu gấp gáp, mãnh liệt của tuổi trẻ, cũng không lãng mạn, hẹn hò...

NGUYỄN MINH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên