10/04/2017 12:01 GMT+7

Khổ vì… xây trường “nông thôn mới”

HẠNH NGUYỄN
HẠNH NGUYỄN

TTO - “Kể từ khi trường lớp bị đập, tụi con phải học trong lớp học “tự chế” và căn phòng thư viện nhỏ xíu, tối thui…”.

Bên trong Trường mầm non Hoa Sen trước khi bị đập bỏ vì “nông thôn mới” -
 Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Bên trong Trường mầm non Hoa Sen trước khi bị đập bỏ vì “nông thôn mới” - Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Bé Kim Thị Diễm Hương (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) ngây ngô nói như vậy.

Kể từ cuối tháng 3-2017 đến nay, cuộc sống của những người dân nghèo khó ở ấp Phù Ly 2 (xã Đông Bình) bỗng trở nên đảo lộn khi địa phương quyết định đập bỏ Trường mầm non Hoa Sen (điểm ấp Phù Ly 2) và Trường tiểu học Phù Ly 2 (nằm liền kề nhau) để xây... nhà văn hóa. Việc làm này khiến không ít học sinh ở nhiều lứa tuổi đứng trước nguy cơ bị cho nghỉ học.

Trường mới vẫn bị đập

Bà Đẹc, nhà đối diện Trường mầm non Hoa Sen đã bị đập nát vụn, than thở: trước đây, học sinh nơi này không có lớp để học nên một người dân cho mượn nhà làm lớp học. Sau đó, tổ chức Quỹ bảo trợ Canada hỗ trợ kinh phí xây trường và được sư cả trong chùa ủng hộ hiến đất làm trường. Ngôi trường tiểu học nằm kế bên xây sau trường mầm non và cả hai còn khá mới mẻ, khang trang.

“Con tôi cũng học ở đó, giờ phải đi 3 cây số, vừa đi làm vừa phải đi đón con nên cực hơn. Vì là xóm nghèo nên ở đây người trẻ lên thành phố làm thuê hết, nhà chỉ còn người già trông cháu. Không có phương tiện đi lại nên một số người định cho cháu nghỉ học.

Trong khi đó, hai ngôi trường bị đập còn rất mới, rộng rãi và bên trong lát gạch men láng bóng. Vật dụng được đầu tư hiện đại như cửa được lắp kiếng, sân chơi rộng rãi và khá sạch sẽ. Họ đập xong lấy vật dụng chở đi đâu hết rồi” - bà Đẹc nói trong sự luyến tiếc.

Còn cô Sơn Thị Ngọc Mai (giáo viên Trường mầm non Hoa Sen) cho biết điểm trường có 56 trẻ, chủ yếu là con của hộ gia đình khó khăn, các cháu phải sống với ông bà đã lớn tuổi.

“Ở nơi học mới này không sạch sẽ như trường cũ, nhà vệ sinh hôi hám, nền gạch bẩn thỉu, bọn trẻ không nằm ngủ được. Ngôi trường bị đập thậm chí còn tốt hơn điểm trường chính trong xã này. Địa phương chưa bố trí cơ sở đàng hoàng nên phải dời tạm bợ qua đây. Tuy nhiên, ngôi trường này sau hai tháng nữa cũng sẽ bị đập để làm sân của nhà văn hóa” - cô Mai tâm sự.

Phòng thư viện, nhà tiền chế thành lớp học

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường mầm non Hoa Sen là ngôi trường bị đập đầu tiên ở ấp Phù Ly 2. Các bé lứa tuổi mầm non phải dời sang học tạm ở trường tiểu học cũ kỹ kế bên. Riêng học sinh tiểu học phải vượt 3 cây số đến điểm học tạm ở Trường tiểu học Phù Ly 1.

Ở điểm học mới, do không đủ số phòng học nên địa phương tận dụng căn phòng tối om, chật hẹp trước đây vốn là thư viện chứa đồ để làm lớp học. Ngoài ra, phía ngoài sân trường còn có một lớp học “tự chế” được dựng tạm phục vụ việc dạy học.

Học sinh Trường tiểu học Phù Ly 2 phải gom vào học trong căn phòng thư viện vài mét vuông tối thui - Ảnh: Hạnh Nguyễn
Học sinh Trường tiểu học Phù Ly 2 phải gom vào học trong căn phòng thư viện vài mét vuông tối thui - Ảnh: Hạnh Nguyễn

Cụ Heln (ở ấp Phù Ly 2) cho biết cháu cụ vì đi học xa quá nên đổ bệnh nằm liệt giường mấy ngày nay. Còn bé Kim Thị Diễm Hương (học sinh lớp 5) ngây ngô nói: “Đi học xa mệt lắm chú, kể từ khi trường lớp bị đập, tụi con phải học trong lớp học “tự chế” và căn phòng thư viện nhỏ xíu, tối thui...”.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Chi - hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Ly 1 và 2, hiện toàn bộ số học sinh hai điểm gộp lại về Trường Phù Ly 1 là 215 em với 10 lớp học. Hiện trường có 5 phòng học chính, 1 phòng thư viện và 1 phòng học dựng tạm ngoài sân. Bấy nhiêu lớp đó cô Chi nói thấy tạm ổn, không quá chật chội. Riêng chuyện bỏ học, nhà trường sẽ lập tức đi vận động.

Còn theo cô Lê Thị Thanh Tâm (hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen), dự án nhà văn hóa của cấp trên làm nên cô không rõ. “Phải xoay chuyển làm sao để không đi quá xa, gây khó khăn cho việc đưa đón học sinh” - cô Tâm nói, đồng thời cho biết không rõ sau này nếu cả hai ngôi trường đều bị đập thì các em mầm non sẽ học chỗ nào.

Đập vì không còn phù hợp

Giải thích về cách làm này, ông Nguyễn Thanh Phong - phó chánh Văn phòng UBND thị xã Bình Minh - cho biết thị xã có 5 xã, trong đó chỉ còn xã Đông Bình chưa đạt nông thôn mới, nên nơi đây sẽ được xây dựng Trường tiểu học Phù Ly, Trường mầm non Hoa Sen, Trung tâm văn hóa thể thao xã và Nhà văn hóa thể thao cụm ấp Phù Ly 1 và 2 trong tương lai để đạt tiêu chí.

“Hai ấp Phù Ly 1 và 2 có 8% hộ nghèo và cận nghèo. Dự án nhà văn hóa sẽ xây xong trong hai tháng, học sinh Trường tiểu học Phù Ly 2 sẽ học tạm ở nhà tiền chế tại Trường Phù Ly 1. Trẻ mầm non sẽ chuyển sang học tạm ở Trường Phù Ly 2. Trường mầm non Hoa Sen bị đập do không đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Dự án nhà văn hóa sẽ tạo điều kiện để người dân có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí vì khu vực này khá hẻo lánh và đa số hộ dân sinh sống là người dân tộc. Dự án có tổng diện tích 1.052m2 gồm hội trường, phòng truyền thanh, văn phòng ấp, cổng, tường rào, sân sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao... Kinh phí xây dựng khoảng 2,8 tỉ đồng từ tiền nhà nước” - ông Phong thông tin.

Còn ông Lê Văn Thời - trưởng Phòng giáo dục - đào tạo thị xã Bình Minh - cho rằng do Trường mầm non Sen Hồng mới xây ở phường Đông Thuận cách đó chừng 200m, nên điểm Trường mầm non Hoa Sen không còn phù hợp. Thêm nữa, phải xây lại Trường mầm non Hoa Sen và Trường tiểu học Phù Ly cho đạt chuẩn quốc gia, đúng tiêu chí nông thôn mới nên phải đập bỏ.

Theo tài liệu từ UBND thị xã Bình Minh, dự án Trường tiểu học Phù Ly và Trường mầm non Hoa Sen (mỗi trường ước tính 22 tỉ đồng) sẽ được xây dựng cho đúng tiêu chí nông thôn mới, hiện chỉ mới xong giai đoạn đấu thầu. Theo đó, các dự án này sẽ được thi công trong 390 ngày và hiện nay vẫn chưa được thi công.

Như vậy, hàng trăm học sinh ở xã Đông Bình sẽ phải học tạm ở các phòng học “tự chế” thêm cả năm trời nữa.

HẠNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên