04/03/2018 11:16 GMT+7

Khó vì... diện tích bình quân

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Đề xuất diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú theo diện nhà ở thuê, mượn hoặc ở nhờ đúng là cần thiết, nhưng cao gấp 4 lần quy định của Chính phủ thì đúng là làm khó người nghèo.

Khó vì...  diện tích bình quân - Ảnh 1.

Cuối tuần, ở các dãy trọ công nhân, người lao động quanh TP.HCM đang xôn xao quanh chuyện đề xuất diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú theo diện nhà ở thuê, mượn hoặc ở nhờ trên địa bàn TP phải đạt 20m2/người.

Mức đề xuất không chỉ cao nhất từ trước tới nay mà còn cao hơn cả một số khu vực ở các TP lớn như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Nhìn lại căn trọ đang ở, nhiều người giật mình thấy diện tích phòng trọ của mình đều thua xa tiêu chuẩn được đề xuất.

Căn nhà trọ của gia đình anh Nguyễn Văn Duy (Cà Mau) thuê gần Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình) rộng 15m2. Với vợ chồng anh, từng ấy diện tích đủ để ba người sinh hoạt, ăn ngủ sau ngày làm việc. Buôn bán ở chợ, thức dậy đi làm từ sáng sớm, trở về nhà lúc tối khuya, thời gian ở nhà trọ cửa vợ chồng anh đơn giản chỉ để ăn uống và ngủ.

Quan trọng hơn, với diện tích phòng trọ đó, anh Duy chỉ trả tầm 2,5 triệu đồng/tháng kể cả tiền điện, nước. Số tiền đó vừa vặn mức chi trả so với thu nhập và bảo đảm có một khoản dư hằng tháng.

Câu chuyện của vợ chồng anh Duy chỉ là lát cắt nhỏ về thực trạng nhà trọ của người nhập cư vào TP. 

Trong số những người nhập cư đổ về TP.HCM, số ít có thuê được nhà nguyên căn hoặc căn hộ chung cư để ở. Số đông còn lại đang phải ở trong những căn nhà trọ 12-20m2. Và hiện quy định diện tích tối thiểu của phòng trọ do Bộ Xây dựng đưa ra cũng chỉ 10m2/phòng (có toilet). 

Một căn phòng rộng rãi, thoáng mát để sinh sống là giấc mơ của phần lớn người Việt. Nhưng đòi hỏi một không gian rộng hơn trong điều kiện thu nhập còn hạn chế, với nhiều người lao động là bất khả thi.

Thực tế, có hộ khẩu hay không, khu vực nào có cơ hội việc làm tốt, đời sống thuận tiện, người dân vẫn tập trung đến. 

Quy định diện tích lớn không làm giảm áp lực dân số và hạ tầng của TP. Trong khi, nếu nhiều người tạm cư không ổn định chỗ ở sẽ gây khó cho quản lý cư trú, an ninh trật tự. Lâu dài, con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về chăm sóc y tế, việc làm, học tập vì không được đăng ký thường trú.

Quá trình đề xuất, tổ công tác có tổng hợp, khảo sát và đưa ra diện tích sàn nhà ở bình quân của người dân TP.HCM. Nhưng con số đưa ra cũng cần thận trọng, không thể tính đơn giản bằng cách chia đều tổng diện tích nhà ở cho tổng dân số ghi nhận. Có người sở hữu hàng ngàn mét vuông nhà, nhưng cũng có người chỉ sở hữu vài chục mét vuông. 

Nếu dựa vào số liệu này để áp mức diện tích bình quân khi đăng ký thường trú chưa chắc hợp lý, thuyết phục.

Đúng là cần quy định diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký thường trú theo diện nhà ở thuê, mượn hoặc ở nhờ... nhưng cũng cần cân nhắc trước mức đề xuất quá cao (gấp 4 lần quy định của Chính phủ) như vậy có làm khó thêm cho người đang nghèo khó!

Đuổi theo giấc mơ an cư Đuổi theo giấc mơ an cư Bình Dương và "tầm nhìn Thủ Dầu Một" Bình Dương và 'tầm nhìn Thủ Dầu Một' Khi "đất lành" Sài Gòn sắp hết chỗ... Khi 'đất lành' Sài Gòn sắp hết chỗ...
TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên