23/10/2019 18:06 GMT+7

Khó hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào 31-12

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tổng thầu đề xuất dự kiến hoàn thành nghiệm thu, chuyển giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vào ngày 31-12-2019, nhưng Bộ Giao thông vận tải đánh giá mốc thời gian trên là khó khả thi.

Khó hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào 31-12 - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa đưa vào vận hành được vì chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến an toàn - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Hợp đồng với tổng thầu chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình Quốc hội, hiện nay tổng thầu EPC của dự án là Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án dự kiến vào ngày 31-12-2019.

Tuy nhiên, do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, mốc thời gian nêu trên khó khả thi.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ đang yêu cầu tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cho biết đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng gồm: 13,05km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray; toàn bộ 12 nhà ga; hoàn thành việc mua sắm 13 đoàn tàu và mua sắm 11 hạng mục chuyên ngành khác.

Khó hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào 31-12 - Ảnh 2.

13 đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày khai thác chính thức - Ảnh: NAM TRẦN

Tổng thầu đã nhập khẩu tổng khối lượng vật tư, thiết bị về đến công trường đạt khoảng 99%. Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được tổng thầu triển khai đạt khoảng 97%...

Bên cạnh đó đã hoàn thành việc đào tạo toàn bộ 201 nhân lực tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam 450 người cho vận hành, khai thác dự án…

Lý giải với Quốc hội, Chính phủ cho biết từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gặp nhiều khó khăn làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư, như giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng không nhỏ đến khảo sát, thiết kế, thi công và điều chỉnh dự án chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC;

Dự án được sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ…

Mặt khác, quá trình thực hiện dự án của tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.

Tổng thầu chưa giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến an toàn

Hiện nay, tồn tại, vướng mắc chủ yếu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là việc tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác, trong đó bao gồm vấn đề đánh giá an toàn đoàn tàu và đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.

Về đánh giá an toàn đoàn tàu, qua đánh giá ban đầu của tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (đơn vị tư vấn của Pháp: Liên danh Apave - Certifer - Trice), tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm. Nếu không giải quyết triệt để, có khả năng phải kéo dài thời gian khắc phục và hoàn chỉnh đánh giá để nghiệm thu đưa vào khai thác.

Về đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, theo báo cáo của đơn vị tư vấn độc lập, do tồn tại chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành; do tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn nên tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.

Ngoài ra, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không hoàn thành đánh giá hệ thống đảm bảo an toàn sẽ khó có thể nghiệm thu đưa vào khai thác.

Khó hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào 31-12 - Ảnh 3.

Khu depot của đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: NAM TRẦN

Một số vấn đề khác có thể tiếp tục phải xử lý, khắc phục trong thời gian bảo hành công trình sau khi dự án được đưa vào khai thác liên quan đến trách nhiệm của tổng thầu.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thời gian qua Thủ tướng đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc; đồng thời, định kỳ 2 tuần làm việc với tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết theo hướng cấp chứng nhận kiểm định tạm thời của đoàn tàu có thời hạn. Sau đó sẽ cấp chính thức khi các đoàn tàu vận hành đồng bộ và được tư vấn độc lập cấp chứng nhận an toàn hệ thống; đồng thời, đề nghị tư vấn độc lập rà soát phương thức đánh giá an toàn hệ thống để xem xét cấp tạm thời làm cơ sở vận hành thử và đưa vào khai thác.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Khó hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào 31-12 - Ảnh 4.

Bên trong đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Báo cáo của bộ cho thấy dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

Mặt khác, hiện nay, Ban quản lý dự án đường sắt cũng đang tiến hành rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ dài thêm 20km Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ dài thêm 20km

TTO - Hàng loạt tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM sẽ được đầu tư kéo dài, trong đó tuyến đường sắt đội vốn ngàn tỉ Cát Linh - Hà Đông đầu tư thêm đoạn Hà Đông - Xuân Mai với chiều dài khoảng 20km.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên