26/04/2019 15:26 GMT+7

Khi trường học cáng đáng chức năng du lịch

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Với nhiều người, đến Đà Lạt không thăm được Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một hụt hẫng. Ngôi trường này không chỉ là một di sản kiến trúc cấp quốc gia mà còn là ký ức của nhiều người.

Khi trường học cáng đáng chức năng du lịch - Ảnh 1.

Khối nhà cong cao 4 tầng là khối nhà quan trọng và độc đáo nhất của công trình được xác định cải tạo khoảng 3.964,4m2 - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT

Trường được xem là công trình điểm nhấn có giá trị thẩm mỹ cao và có tính biểu tượng cho Đà Lạt.

"Trường không đủ điều kiện tiếp đón du khách"

Cách đây hơn 10 ngày, Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đóng cửa không đón khách tham quan. Và chiều 11-4, buổi chiều cuối cùng trước khi Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chính thức ngưng đón khách du lịch, dẫu không phải dịp cuối tuần nhưng du khách đến trường rất đông.

Họ đứng đợi ngoài cổng rất lâu để khi hết giờ hành chính được phép bước qua cánh cổng sắt, tiến vào gần hơn khu nhà mái cong ốp toàn bộ bằng gạch đỏ.

Nếu nại vì không đủ điều kiện phục vụ, đóng cửa di sản có nghĩa là tước đoạt quyền được tìm về cội nguồn lịch sử và quyền được học tập của người dân. Luật sư - KTS Nguyễn Hồ

Từ sân trường, du khách thấy trọn được sự đồ sộ, nguy nga của khối công trình kiến trúc đặc biệt ban đầu có tên Grand Lycée Yersin, được khởi công xây dựng vào năm 1927 và hoàn thành sau 8 năm bằng mồ hôi của hàng ngàn phu phen người Việt.

Du khách tiếc nuối nhưng không trách quyết định "miễn tiếp khách" của ban giám hiệu Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Họ hiểu một cơ sở giáo dục có những ràng buộc nhất định, nhiều năm qua phải đón khách mà không thu một đồng phí nào là một sự "cáng đáng".

Ông Huỳnh Linh Bảo - hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt - cho biết: "Trường không đủ điều kiện tiếp đón du khách và đảm bảo an ninh trật tự. Mỗi ngày cuối tuần có cả ngàn khách vào trường, mà trường chỉ có 1 bảo vệ, không có người hướng dẫn, dọn vệ sinh.

Việc đón khách du lịch vào trường dù thế nào cũng phát sinh nhiều chi phí, trong khi trường không có nguồn bổ sung, ngoài kinh phí đầu tư cho giáo dục".

Ông Bảo phân trần: "Chúng tôi rất vất vả để cáng đáng chức năng du lịch trong nhiều năm qua. Cũng đã có ý kiến xin được thu phí với mức phí thấp, phù hợp để có kinh phí tổ chức hoạt động du lịch, tôn tạo công trình di sản, nhưng chưa được đồng ý".

Sẽ tìm kiếm giải pháp hài hòa

Xét cho cùng, nguồn kinh phí để duy trì được công trình nổi tiếng này tồn tại đến ngày nay - dẫu hoang phế đã nhiều - đều do người dân đóng góp thông qua thuế. Nói vậy để thấy rằng dù có bất cứ lý do gì, việc Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngưng đón khách tham quan là quyết định mới chỉ lưu ý quyền lợi của một cơ sở giáo dục mà quên đi chức năng, lý do tồn tại của một di sản văn hóa.

Theo Luật giáo dục, việc đóng cửa trường sau giờ học là đúng. Nhưng xét theo Luật di sản thì ngưng đón khách tham quan di sản là phạm luật. Luật sư, kiến trúc sư Nguyễn Hồ phân tích: "Nếu các cơ quan chức năng không cho người dân được tham quan di sản văn hóa là vi phạm khoản 4 (điều 15, điều 16 Luật di sản văn hóa).

Theo đó, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu và quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải "tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa". Vì vậy, ông Nguyễn Hồ cho rằng cần "mau chóng mở cửa cho tham quan trở lại từ từng phần cho đến toàn bộ, tùy theo tiến độ thi công, quản lý của đơn vị thực hiện".

Bà Nguyễn Thị Nguyên, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Sở chỉ mới nhận báo cáo của trường về việc ngưng đón khách tham quan. Thực tế, trường cũng đang bị xuống cấp cần sửa chữa nên dù thế nào cũng chưa để du khách tham quan được.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ có cuộc họp tìm kiếm giải pháp hài hòa, để công trình di sản này sau khi sửa xong thì vừa khai thác làm giáo dục và vừa đón khách tham quan".

cdsp

Tháp chuông là vị trí còn giữ được mái ngói đá đen (Ardoise) đặc biệt, tuy nhiên đã hư hại nghiêm trọng - Ảnh: PHAN TẤN ĐẠT

Sau 80 năm tồn tại, công trình di sản Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt dần hoang phế. Việc giao cho các hộ gia đình một số căn phòng để sử dụng như những căn hộ và cơi nới trong quá trình sử dụng trong thời gian dài đã tác động xấu nghiêm trọng đến di sản này và không thể nói không có trách nhiệm của đơn vị sở hữu và quản lý trực tiếp di sản.

Ông Nguyễn Hồ cho rằng: "Cần trả lại công năng ban đầu cho Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; giao toàn bộ công trình cho Bộ VH-TT&DL quản lý và chịu

trách nhiệm phục dựng, bảo tồn theo đúng các quy định của Luật di sản".

Mới đây, sau khi Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có quyết định ngừng đón khách du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định đầu tư 19 tỉ đồng để tu bổ khối công trình nổi tiếng đã tồn tại hơn 80 năm và thành chứng nhân cho những thăng trầm của Đà Lạt.

Quyết định này có ghi rõ mục đích đầu tư nhằm tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đảm bảo điều kiện học tập cho sinh viên, nhưng không nhắc đến nhu cầu tham quan, tìm hiểu di sản của người dân.

19 tỉ đồng tu sửa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt 19 tỉ đồng tu sửa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

TTO - Nhiều hạng mục của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt sẽ được tu sửa với mức đầu tư 19 tỉ đồng.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên