11/12/2020 10:22 GMT+7

Khi phở xóa nhòa biên giới

NGỌC DIỆP - KHOA THƯ - NHƯ BÌNH
NGỌC DIỆP - KHOA THƯ - NHƯ BÌNH

TTO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã ví phở như tấm 'danh thiếp' của người Việt. Phở là món ăn quốc hồn quốc túy như sushi của người Nhật hay cà ri cay của người Ấn.

Khi phở xóa nhòa biên giới - Ảnh 1.

Khách mời tham quan các gian hàng phở tại gala “Chuyện của phở” - Ảnh: NAM TRẦN

Những khách mời là đại sứ các nước, các cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế... rời gala Chuyện của phở, do báo Tuổi Trẻ tổ chức đêm 10-12, với nhiều cảm xúc, khi lần đầu tiên thưởng thức những thương hiệu phở trứ danh trong một đêm tiệc của phở.

Cũng tại sự kiện, lần đầu tiên phở được đưa lên tranh cát qua đôi bàn tay tài hoa của họa sĩ Trí Đức, khắc họa về câu chuyện của phở gắn bó hàng trăm năm nay với văn hóa ẩm thực Việt Nam. 

Phở vượt ra khỏi một món ăn, hàm chứa những tinh hoa ẩm thực và bản sắc của nền nông nghiệp lúa nước. Có lẽ vì thế, những người bạn quốc tế đã cùng đồng thanh "Tôi yêu phở" trong đêm 10-12.

"Tôi yêu phở"

Gần 21h ngày 10-12, ông Furudate Seiki - bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Nhật Bản - mới rời gala Chuyện của phở sau khi thưởng thức... 5 tô phở với những lời tấm tắc không ngớt "Phở ngon lắm". Do biết có gala của phở, nơi quy tụ những thương hiệu phở nổi tiếng của Việt Nam, ông Furudate Seiki cho biết đã "dành bụng" để thưởng thức tất cả các thương hiệu phở có mặt tại đây.

Cũng theo ông Furudate Seiki, phở là món ăn đầu tiên mà người Nhật nghĩ tới khi nghĩ về ẩm thực Việt Nam. Món phở nổi tiếng ở Nhật Bản đến nỗi rất nhiều hàng phở đã được mở ra tại Nhật Bản, được những người bản xứ yêu thích. Vào năm 2019, hàng phở Thìn đầu tiên ở Tokyo đã chứng kiến từng hàng dài thực khách chờ đợi để được thưởng thức món ăn nóng sốt từ Việt Nam.

"Với tôi, một tô phở lý tưởng là một tô phở được thưởng thức trong một ngày đông thật lạnh, tạt vào một quán bên lề đường và thưởng thức bát phở còn bốc khói. Từng sợi phở và nước xúp với nhiều gia vị sẽ làm cho chúng ta cảm thấy ấm áp từ bên trong" - ông Furudate Seiki nói, đồng thời cho biết cảm thấy thú vị trong sự kiện hôm nay có sự xuất hiện của phở ăn liền từ Công ty Vina-Acecook.

Có mặt từ rất sớm, bà Yully Yudhantari Saputri - bí thư thứ ba của Đại sứ quán Indonesia - không giấu được sự háo hức sau khi tham quan các gian phở. "Từ khi biết có sự kiện Ngày của phở cho Ngoại giao đoàn, tôi rất trông chờ vì đây là sự kiện hiếm hoi có phục vụ phở theo tiêu chuẩn Halal mà người đạo Hồi có thể an tâm thưởng thức" - bà Yully Yudhantari Saputri chia sẻ.

Biết phở Việt Nam rất đa dạng, mỗi vùng miền lại nấu và thưởng thức phở theo những cách khác nhau, nhưng bà Yully Yudhantari Saputri thú nhận rằng vẫn bị bất ngờ bởi thực đơn phong phú ở đêm gala Chuyện của phở.

"Phở bò với những lát bò thái mỏng là món ăn quen thuộc nhưng tôi vừa được giới thiệu thêm một biến thể mới - phở bò sốt vang - với nước xúp sánh quyện đậm đà và từng miếng bắp bò thái bản dày. Đây là món ăn tôi muốn thử nhất trong đêm nay" - bà Yully Yudhantari Saputri cho biết.

Khi phở xóa nhòa biên giới - Ảnh 2.

Đại sứ Armenia, ông Vahram Kazhoyan và phu nhân thưởng thức phở Bát Đá - Ảnh: NAM TRẦN

Nói tiếng Việt rành rọt, ông Saadi Salama - đại sứ Palestine - dừng chân khá lâu bên gian hàng phở Hoa hồi vàng của một đầu bếp đã đoạt giải cao tại cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019 - một sự kiện trong Ngày của phở do Tuổi Trẻ tổ chức - vì bị cuốn hút với món phở gà. Là người yêu thích món phở, đặc biệt là phở gà, vị đại sứ này có thể kể rành rọt những quán phở ngon nhất Hà Nội cũng như cách nấu phở.

"Mỗi tuần tôi ăn phở ít nhất một lần. Cái ngon của phở gà là nước dùng thanh, thơm ngọt của gà, phở gà cũng dễ nấu hơn, nhưng sợi phở cũng phải "thật chuẩn" thì mới có tô phở hoàn chỉnh" - đại sứ nói.

Những vị khách đặc biệt trong tối 10-12 đã được thưởng thức các tô phở do chính những đầu bếp tài ba chuẩn bị như nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết hay thương hiệu nổi tiếng Hà Nội như phở Thìn (Bờ Hồ), phở Sâm Ngọc Linh, phở Ngọc Vượng và đặc biệt là phở Hoa hồi vàng của một đầu bếp đã đoạt giải cao tại cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019.

Ông Nguyễn Kim Hoàng, chủ quán phở Hà Nội tại 81 Trần Minh Quyền (quận 10, TP.HCM), cho biết cảm thấy thích thú với những câu hỏi của các vị đại sứ, và cảm nhận được tình yêu từ họ dành cho món phở rất sâu đậm.

Là một nhà ngoại giao Nhật Bản sống ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy chán khi thưởng thức phở cũng nhưng các món mì làm từ gạo như bún, hủ tiếu. Tôi hi vọng rằng sự kiện như Ngày của phở tới đây có thể được tổ chức để tôn vinh nền ẩm thực phong phú và thú vị của Việt Nam cũng như các sản vật làm từ gạo Việt.

Ông Furudate Seiki (bí thư thứ nhất của ĐSQ Nhật Bản)

Tấm "danh thiếp" của người Việt

Gala Phở cấp cao là sự hội tụ của nhiều đầu bếp nấu phở tài ba, nhiều thương hiệu phở nổi tiếng. Nếu nghệ nhân Ánh Tuyết đem tới phở bò Hà Nội, phở Ngọc Vượng với phở Nam Định gia truyền, bà Trần Thị Lan - có nghề trồng sâm trên núi Ngọc Linh - đã đem tới phở sâm Ngọc Linh, anh Nguyễn Hữu Dương - một người Việt nhiều năm sinh sống tại nước ngoài - sáng tạo ra phở Bát Đá.

Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa dạng, đa sắc của phở. Sự đa dạng này cũng đem đến những trải nghiệm đặc biệt chỉ có "lần đầu tiên" tại gala của phở. Nói về cách ăn phở, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết cách thưởng thức phở đã thay đổi cùng thời gian, sự phát triển kinh tế, biến đổi của xã hội.

Chia sẻ với các thực khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã ví phở như tấm "danh thiếp" của người Việt. Phở là món ăn quốc hồn quốc túy như sushi của người Nhật hay cà ri cay của người Ấn. Theo ông Dũng, phở Việt bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, theo từ điển tiếng Pháp ghi là "soupe tonkinoise", nên còn có tên gọi khác là phở Bắc.

"Cùng với dòng chảy thời gian, phở đã theo chân người Việt đi khắp năm châu bốn bể, như một thứ hành trang tinh thần quý báu, đậm chất hồn cốt dân tộc, là sợi dây tình cảm gắn kết những người con xa xứ hướng về nguồn cội, thể hiện "tình quê hương, nghĩa đồng bào", đồng thời với ý nghĩa "ngoại giao nhân dân", phở đã làm rất tốt sứ mệnh cầu nối giao lưu hữu nghị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người Việt với người dân bản xứ" - ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cũng đánh giá cao sáng kiến của báo Tuổi Trẻ trong việc tổ chức chuỗi hoạt động Ngày của phở 12-12 hằng năm kể từ năm 2017 đến nay, trong đó có gala Chuyện của phở, nơi các vị khách quý nước ngoài có trải nghiệm thực tế, thưởng thức món phở ngay trên chính mảnh đất quê hương của phở và do chính các nghệ nhân nổi tiếng Hà thành phục vụ.

Theo ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam, cách đây nhiều năm khi Acecook Việt Nam nghĩ đến ý tưởng một ngày tôn vinh món phở, ông mong muốn phở không chỉ được quảng bá ra thế giới nhiều hơn mà bản thân người Việt cũng tự hào về món ăn của dân tộc mình.

"Phở là món ăn mà bất kỳ người nước ngoài nào cũng phải thử khi đến Việt Nam. Và gala của phở hôm nay đã diễn ra theo cách mà những người sáng lập kỳ vọng khi xây dựng Ngày của phở. Qua mỗi năm, sự tự hào này phải ngày càng được nhân rộng, lan tỏa hơn như người Ý tự hào về mì spaghetti, người Nhật với món sushi" - ông Kajiwara Junichi nói, và cho biết những gói phở ăn liền "Made in Vietnam" của Acecook đã xuất khẩu hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng với nhiều người, phở là món ăn không có giai cấp và người Việt có thể ăn phở bất cứ lúc nào trong ngày. Không chỉ được đánh giá là một món ăn ngon miệng, có lợi cho sức khỏe, phở còn được xem là một trong những nét tiêu biểu của văn hóa và con người Việt Nam thể hiện trong lĩnh vực ẩm thực.

Phở đã hiện diện trên 50 quốc gia nhưng lại chưa được chuẩn hóa. Không ít vị khách nước ngoài phải sau khi đến Việt Nam thưởng thức những tô phở ở các quán ăn nổi tiếng thì ngỡ ngàng nhận thấy món ăn này thật sự hấp dẫn. Rõ ràng có một khoảng cách rất xa giữa các tô phở trong câu chuyện này.

"Ngày của phở vào 12-12 hằng năm và mỗi năm diễn ra là thêm những phát hiện thú vị, góc nhìn mới về tô phở Việt, giá trị phở Việt. Mục tiêu của chúng tôi rất khiêm tốn, đó là mong muốn phở ở quán, phở trong bếp nhà và phở ở khắp nơi trên thế giới đều phải có hương vị đúng là phở!" - ông Chữ nói.

* Bà Kellee Farmer (tùy viên văn hóa ĐSQ Mỹ tại Hà Nội):

Một trải nghiệm thú vị

Gala Chuyện của phở đã quy tụ những hàng phở nổi tiếng nhất của Hà Nội. Ngay đầu ngõ nơi tôi sống cũng đã có rất nhiều quán phở, nhưng được thưởng thức những hương vị phở khác nhau trong một không gian là trải nghiệm rất khác biệt.

Ở Mỹ, từ lâu phở đã trở thành món ăn phổ biến nhưng thưởng thức phở ngay tại quê hương của món ăn mang một cảm xúc hoàn toàn khác. Tôi cũng rất muốn mời các bạn đến Mỹ, thưởng thức phở để so sánh sự khác nhau của phở trên đất Mỹ và phở của ngày hôm nay.

Những thương hiệu phở danh tiếng cùng tề tựu

Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ những thương hiệu phở cùng có mặt giới thiệu những hương vị phở của mình với thực khách quốc tế, sẽ góp phần lan tỏa món phở Việt ra quốc tế.

"Tôi tin rằng khi các thương hiệu phở lớn cùng đồng hành với nhau, chúng ta có thể làm những điều lớn hơn, để khi nói đến phở là người ta nghĩ ngay đến Việt Nam, một món ăn trở thành một đại diện ẩm thực của Việt Nam ra thế giới" - nghệ nhân khẳng định.

Tại ngày hội, phở Ngọc Vượng gây ấn tượng với thực khách bởi một gian trưng bày gia vị phở rất đẹp và cối xay bột, cũng như nồi tráng bánh phở. Anh Ngọc Vượng cho biết phở Ngọc Vượng đã tham gia Ngày của phở từ những ngày đầu tiên, với nhiều hoạt động của Ngày của phở.

"Phở đã có hàng trăm năm nay, giờ có một ngày riêng dành cho món ăn này thực sự ý nghĩa. Những người làm phở chúng tôi đều mong phở trở thành món ăn vượt ra ngoài biên giới, nhắc đến phở người ta sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam. Tôi cũng rất vui vì từ khi tham gia Ngày của phở. Với sức lan tỏa của báo Tuổi Trẻ, thương hiệu của tôi ngày càng phát triển hơn" - anh Ngọc Vượng chia sẻ.

Phở Thìn (Bờ Hồ), một thương hiệu lâu đời của phở Hà Nội, có một gian hàng để phục vụ thực khách tại gala Phở cấp cao. Chị Nguyễn Ngọc Thu, con dâu của ông bà chủ cửa hàng phở Thìn, cho biết: "Năm nào Ngày của phở tổ chức tại Hà Nội chúng tôi cũng tham gia. Gia đình luôn tâm niệm dù phục vụ thực khách ở bất cứ đâu vẫn làm đầy đủ nguyên liệu, bao nhiêu tinh túy đều gói trong tô phở rồi".

Sau khi tham gia Ngày của phở, gia đình đã mở thêm hai địa chỉ nữa, nhiều thực khách miền Nam ra Hà Nội đều tìm đến địa chỉ phở Thìn (Bờ Hồ).

Sau khi gây ấn tượng tại vòng sơ khảo phía Bắc của Cuộc thi đi tìm người nấu phở ngon, phở Bát Đá cũng tham gia gala Phở cấp cao. Anh Nguyễn Hữu Dương, chủ thương hiệu này, cho biết dù không thích ăn nóng quá, cũng như không thích vị chua nhưng nhiều người tại Nga rất thích ăn phở Bát Đá.

"Họ cảm thấy thích thú khi được tự nhúng bánh, nhúng thịt vào trong tô. Tôi cảm thấy rất vui khi mở rộng được chuỗi phở Bát Đá tại Việt Nam và ở nước ngoài. Tôi mong phở sẽ ngày càng phổ biến để khi nhắc đến phở, người nước ngoài biết ngay đó là ẩm thực Việt Nam" - anh Dương nói.

Trải nghiệm khó quên cùng nhiều hương vị phở tại gala Trải nghiệm khó quên cùng nhiều hương vị phở tại gala 'Chuyện của phở'

TTO - Những khách mới là đại sứ các nước, các cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế... đã rời sự kiện gala 'Chuyện của phở' với nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên họ có trải nghiệm nhiều thương hiệu phở trứ danh trong một đêm tiệc phở ấm cúng.

NGỌC DIỆP - KHOA THƯ - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên