Khi người Trung Quốc mua nhà

CẢNH CHÁNH 19/12/2015 02:12 GMT+7

TTCT - Đồng nhân dân tệ rớt giá, thị trường cổ phiếu ảm đạm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân. Chính sự bất ổn của nền kinh tế nước này đã khiến ngày càng nhiều người dân quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Nhân viên một công ty tư vấn cho khách hàng Trung Quốc mua nhà ở Anh -univisa.com.cn
Nhân viên một công ty tư vấn cho khách hàng Trung Quốc mua nhà ở Anh -univisa.com.cn

Mới đây, tờ New York Times (Mỹ) có bài viết tựa đề “Người dân Trung Quốc mua nhà làm thay đổi việc phân bổ dân số của Mỹ, tại Los Angeles như đang ở Trung Quốc”. Cứ mỗi 1 USD mua nhà của người nước ngoài ở Mỹ thì có 24 xu là của người Trung Quốc. Từ năm 2014 đến tháng 3-2015, người Trung Quốc đã chi 22 tỉ USD mua nhà ở Mỹ, tăng 72% so với năm 2013. Theo Hiệp hội môi giới nhà đất Mỹ (NAR), khách hàng Trung Quốc thường mua nhà có mức giá cao, bình quân khoảng 831.800 USD/căn.

Mua nhà đắt nhất

Tháng 6 năm nay, công ty địa ốc lớn nhất của Anh Barratt Homes mang theo 21 dự án mới đến Trung Quốc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, thiết lập văn phòng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng mua nhà tại London.

Theo số liệu của Công ty Jones Lang LaSalle, tỉ lệ giao dịch bất động sản của người Trung Quốc ở Anh chiếm gần 10%, so với 2% cách nay ba năm. Tờ Daily Mail từng phản ánh: “Nguyên nhân thật sự khiến con bạn không thể mua nhà là vì từ Liverpool đến Croydon, nhà chưa xây xong đã bị giới trung lưu đến từ Trung Quốc mua sạch”.

Từ năm 2013-2014, người Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư bất động sản lớn nhất ở Úc với 27,7 tỉ đôla Úc. Ngày 29-8 vừa qua, Tập đoàn Crown giới thiệu dự án chung cư Quảng trường xanh vô hạn ở Sydney. Ngay ngày đầu rao bán, khách hàng đến từ Trung Quốc đã xếp hàng dài đặt mua hết 98%, khoảng 350 triệu đôla Úc. Trong các dự án nhà mới xây ở Úc, 12% được mua bởi người Trung Quốc. Trong đó, Sydney và Melbourne thu hút nhiều người đầu tư nhất. Một số khu phố tại hai thành phố trên, 100% do khách hàng Trung Quốc mua, nếu vào ở sẽ chẳng khác gì các khu phố Trung Quốc.

Không ngừng mở rộng

Lúc trước khách hàng Trung Quốc quan tâm vấn đề mua nhà có được di dân, còn nay họ quan tâm lợi suất hoàn vốn đầu tư, các khoản chi phí phải đóng.

Alan Newman

(nhà tư vấn môi giới địa ốc)

Theo trang Tài Chính Tân Hoa, dân gốc Trung Quốc chiếm 10% dân số Dubai, trong đó đa số đến từ Quảng Châu, Thâm Quyến. Theo số liệu của Cục Đất đai Dubai, năm 2014 có 1.000 khách hàng Trung Quốc đầu tư 353 triệu USD để mua đất, căn hộ hay văn phòng tại đây, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Tính đến tháng 8-2015, vốn đầu tư bất động sản của người Trung Quốc ở Dubai là 2,07 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ = 3.500 đồng).

Năm 2009, người Trung Quốc sở hữu 20.000m2 đất đai ở đảo Jeju, Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, con số này tăng lên 11.730.000m2. Trong tổng diện tích đất do người nước ngoài sở hữu tại đảo này, Trung Quốc chiếm đến 60%.

Mới đây, có thông tin căn hộ đắt nhất ở Tokyo có chủ nhân lại là người Trung Quốc. Trong vòng 10 năm nay ở thủ đô Nhật Bản, một đại gia Trung Quốc đã mua lại hai căn hộ đắt nhất, với giá 37 triệu nhân dân tệ và 36 triệu nhân dân tệ.

Tính đến năm 2014, dòng vốn Trung Quốc chảy vào thị trường địa ốc Nhật Bản ít nhất khoảng 300 triệu USD. Thủ tục xin visa đi Nhật Bản được nới lỏng, khi mua nhà ở Nhật Bản sẽ được cấp giấy chứng nhận sở hữu đất, khả năng sinh lời cao.

Cơn sốt mua nhà ở nước ngoài của người Trung Quốc đang tiếp tục lan rộng. Ngoài giới thượng lưu, nay ngày càng nhiều khối nhân viên văn phòng sở hữu nhà ở nước ngoài. Dự kiến với sự gia nhập của giới nhà giàu bình dân, trong tương lai người Trung Quốc sẽ sở hữu nhà trên toàn cầu.

Giám đốc Cát Dịch Tiệp, của trang web giao dịch nhà đất juwai.com, cho biết khách hàng Trung Quốc thích đầu tư vào Mỹ, Úc và Anh, những nơi có điều kiện du học và di dân tốt. Nhưng xu hướng đầu tư đang thay đổi.

Nhật Bản hay Thái Lan cũng đang thu hút nhà đầu tư Trung Quốc, còn các thị trường truyền thống như Mỹ, Úc thì khách hàng Trung Quốc đang chuyển hướng nhắm vào các thành phố loại 2, loại 3. Theo dự báo của trang web juwai.com, năm 2020 giá trị giao dịch nhà ở tại nước ngoài của người gốc Trung Quốc có thể lên đến 200 tỉ USD, trong đó phần lớn là dân Đại lục.

Tuy nhiên, làn sóng mua nhà hiện nay của người Trung Quốc khiến một số nước và lãnh thổ phải ban hành một số quy định hạn chế ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Theo New York Times, người nước ngoài mua nhà ở Hong Kong hay Singapore phải đóng 15% thuế trước bạ, còn ở Úc là 3%.■

Trong hai năm qua, anh Đỗ, một nhà tư vấn đầu tư ở Bắc Kinh, đã mua một biệt thự liền kề, hai căn nhà riêng lẻ tại Chicago (Mỹ), mặc dù không hề đi xem nhà trước và đều thanh toán bằng tiền mặt. Anh dự định một căn nhà dùng để ở, để con cái được hít thở không khí trong lành, có điều kiện học tập tốt hơn tại quê nhà. Mua nhà ở nước ngoài cũng là vấn đề người dân Bắc Kinh đặc biệt quan tâm khi gần đây tình trạng ô nhiễm không khí của thủ đô ngày càng vượt ngưỡng báo động.

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận