Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Giới khoa học quan sát và cho biết chỉ có 7 con bay qua khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang) mà không hề đậu lại. Lý do là vì không còn chút đất lành nào cho đàn sếu trở về.

“ Buồn lắm, vẫn không thấy chúng đâu” - ông Trần Hào Hiệp, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, nói với tôi qua cuộc điện thoại ngày 14-12-2020, dẫu “tháng 12 là tháng chúng có thể về sớm”.

Cuộc gọi thứ hai cho ông Nguyễn Văn Hướng, giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, cũng nhận tin buồn: năm nay, đến ngày 15-12 vẫn chưa có sếu về Phú Mỹ như mọi năm.

Vậy là, ở cả hai khu vực sếu thường về Việt Nam là VQG Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và cánh đồng cỏ bàng Phú Mỹ (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) năm nay vẫn chưa ghi nhận con sếu nào xuất hiện.

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc VQG Tràm Chim, những năm 2014-2016 vẫn còn thấy sếu về, dù ít, từ 14-23 con mỗi năm thì năm 2017 đột ngột chỉ có 3 con. Năm 2018 họ đếm được 9 con, năm 2019 là 11 con. Trong cả năm 2020 không có con sếu nào về.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Vân, nguyên giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, cho biết năm 2018 và 2019 số lượng sếu về Phú Mỹ lần lượt là 97 con và 54 con. “Người dân tự bao chiếm, đắp đê làm lúa bên trong Phú Mỹ làm xáo trộn sinh cảnh sống của sếu nên năm 2020 sếu không về. Những người dành tâm huyết cho công tác bảo tồn và yêu sếu đều rất đau lòng” - ông Vân nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cũng là một tình nguyện viên bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế - cho biết sự sụt giảm của đàn sếu ở Việt Nam và cả Campuchia cho thấy môi trường sinh thái tự nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp

Cụ thể, sinh cảnh sống của sếu bị tàn phá quá nhanh trong 10 năm gần đây, xảy ra ở cả 2 nước. Chẳng hạn ở phía Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam, trước đây là những khu rừng khộp rộng lớn nơi sếu sinh sản, nay đã biến thành đồn điền cao su, đồng mía, rẫy điều… Khu vực đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ khi trước là vùng đất hoang hoặc trồng lúa một vụ, nay hầu hết đang trồng lúa 2-3 vụ.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 2.

Đối với ĐBSCL, việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc “trồng rừng” không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu ở Việt Nam.

Khi được hỏi về những kiến nghị và giải pháp để sếu một lần nữa quay về Việt Nam, ông Bảo thẳng thắn: “Gần như không có giải pháp. Trước đây, các khuyến nghị của những nhà khoa học bảo tồn không được lắng nghe. Đến nay gần như mọi thứ không thể đảo ngược. Khi môi trường tự nhiên đã thay đổi, việc khôi phục nó là hầu như không thể hoặc rất tốn kém”.

Ông Bảo cho rằng chỉ có thể gìn giữ những vùng đất tự nhiên còn sót lại, đồng thời quy hoạch lại một số vùng trồng lúa không hiệu quả, giảm hóa chất nông nghiệp thì mới “Hi vọng trong 10 hay 15 năm tới có sự thay đổi tích cực”.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 3.
Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 4.

Tràm Chim trong những năm 1980 là nơi đầu tiên phát hiện sếu về tìm thức ăn. Cao điểm có cả ngàn con sếu tạo nên vũ điệu đặc sắc trước hoàng hôn. Lúc đó, nơi này còn chưa được công nhận là vườn quốc gia, cũng chưa hề có khái niệm về bảo tồn.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, hệ sinh thái VQG Tràm Chim bắt đầu bị xáo trộn xuất phát từ tư duy trữ nước để phòng lửa và chữa lửa. Muốn vậy, phải nâng đê lên 4-5m so với mặt đất, phải đào kênh bên trong để trữ nước suốt mùa khô.

Tràm Chim vốn vận hành theo nhịp tự nhiên từng mùa (mùa khô và mùa nước nổi) bỗng bị biến thành “hồ nước” quanh năm. Cây cỏ thuộc hệ sinh thái theo mùa không thích nghi được với việc bị ngâm trong nước nhiều năm nên chết dần.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, kể từ khi Tràm Chim có đê bao khép kín, hệ thống kênh chằng chịt, người ta không còn phân biệt được đâu là mùa khô, đâu là mùa lũ vì chỉ còn một mùa nước bình bình bủa quanh.

Chim cò giảm hẳn, chỉ còn tiếng ghe máy đưa du khách vào tham quan trong rừng tràm xành xạch ồn ào. Số lượng chim giảm, số lượng cây tràm thì tăng, nhưng những cây tràm này cũng ốm o, ngả nghiêng trong nước ngập.

Việc chăm chăm giữ nước để phòng cháy còn kéo theo nhiều hệ lụy: diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, tràm bị ngã đổ và không tăng trưởng được, cây năn không tạo củ để làm thức ăn cho sếu. Xác bã thực vật chết, thối rữa lấy hết oxy trong nước làm cá không sống được, chim, cò không thể tìm được nguồn thức ăn.

Từng nhiều năm làm giám đốc VQG Tràm Chim nên ông Nguyễn Văn Hùng (hiện là phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đồng Tháp) hiểu hơn ai hết những áp lực của việc trữ nước để chống cháy rừng vì luật chồng chéo. Mặc dù VQG Tràm

Chim được công nhận là Ramsar (vùng đất ngập nước) thứ 2.000 của thế giới, nơi đây lại không được quản lý theo Công ước Ramsar mà quản lý theo Luật bảo vệ rừng đặc dụng, trong đó có quy định không để cháy rừng. Các nhà khoa học và vườn quốc gia đã có nhiều lần kiến nghị nên thực thi pháp luật Việt Nam, đồng thời vận dụng Công ước Ramsar để quản lý Tràm Chim tốt hơn, nhưng đến nay những kiến nghị ấy vẫn rơi vào im lặng.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 6.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia sinh thái với hơn 20 năm kinh nghiệm về bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL, cũng nói về nghịch lý trong việc quản lý khi để rừng tràm chiếm ưu thế và lấn át những loài khác.

“Đồng Tháp Mười nguyên thủy là những cánh đồng cỏ rộng mênh mông, xa xa có những cụm tràm. Dĩ nhiên cũng cần tràm nhưng không cần trồng dày đặc vì đây không phải lâm trường mà là khu bảo tồn đất ngập nước. Loài sếu rất sợ bụi cây vì bản năng cảnh giác của chúng rất cao” - ông Thiện phân tích.

Ngoài ra, theo lý thuyết sinh thái, và thực tiễn cũng đã chứng minh, lửa ở một cường độ vừa phải là một yếu tố của hệ sinh thái. Nó góp phần làm vệ sinh hệ sinh thái để tái tạo khối mới, tốt tươi cho muôn loài. Và cây tràm cùng đồng cỏ Đồng Tháp Mười là những loài thích nghi cao với lửa, có thể phục hồi rất nhanh sau lửa.

“Tràm trồng thì không phải là loài bị đe dọa tuyệt chủng. Ấy vậy mà để bảo vệ cây tràm khỏi lửa, toàn bộ hệ sinh thái trong đó có sếu và các loài quý hiếm khác phải chết dần chết mòn. Một cái chết ngộp. Tràm không cháy trong lúc bị ngâm nước nhưng cũng ngã đổ và ốm o” - ông Thiện nói.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: mối đe dọa với hệ sinh thái ĐBSCL là các đập thủy điện ở Lào và Campuchia đã tạo thành những bức tường thành ngăn cá trắng đổ về hạ lưu. Cá trắng mất đi thì cá đen cũng không thể tồn tại vì mất nguồn thức ăn. Và không có cá thì muôn loài chim, không riêng sếu trong VQG Tràm Chim, khó mà tồn tại.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 7.
Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 8.

Ông Trần Hào Hiệp buồn bã cho biết năm nay sếu không về Tràm Chim, không chỉ những người làm bảo tồn mà cả các nhân viên của vườn cũng buồn hiu. Họ đã quen đón sếu về, thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm. Những năm gần đây, họ thấy chúng về trễ hơn, vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Giờ thì đã giữa tháng 12, không ai thấy được con sếu nào.

Để “níu chân” sếu, vườn đã lên cả một kế hoạch bổ sung thức ăn cho sếu để khẩu phần ăn của chúng phong phú hơn. Các nhân viên của vườn mang lúa, bắp và cá... đến bãi sếu ăn, thầm lặng cho kịp trước thời điểm chúng đến.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 9.

Chị Nguyễn Thị Nga, một cán bộ thuộc trung tâm đã dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn sếu, cho biết sau nhiều năm đón sếu, đếm sếu và tiễn chúng, chị và đồng nghiệp đều rành rẽ khi nào chúng sẽ đáp ở bãi ăn, ăn bao lâu, ăn xong chúng sẽ uống nước ở ao nào.

Uống nước xong, các thành viên trong gia đình sếu sẽ bắt cá cùng nhau. Có năm bãi nước chúng hay uống cạn khô, sợ chúng sẽ bay đi nên chị Nga bàn với mọi người bơm nước từ kênh vào để bổ sung, tất cả các hoạt động phải diễn ra thật lặng để sếu không biết, không sợ.

“Bên Hội Sếu quốc tế có căn dặn không được cung cấp thức ăn cho sếu vì như vậy sẽ làm mất bản năng tìm mồi của chúng, nhưng chúng tôi thấy xót khi nhìn chúng lục lạo thức ăn trong khi nguồn thức ăn tại chỗ ngày một giảm. Không biết có phải như thế…” - chị Nga ánh mắt buồn buồn bỏ ngang câu nói.


Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 10.

Các nước từng chứng kiến chuyện sếu bỏ đi như Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực để “đàn chim trở về”, nhưng không phải tất cả đều thành công trọn vẹn.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 11.

Một ngày trời quang mây tạnh đầu tháng 8-2020, một nhóm nhiếp ảnh gia người Myanmar ở Yangon đến vùng đồng bằng Ayeyarwady để chụp ảnh sếu đầu đỏ trong môi trường sống tự nhiên. Họ gặp 5 con sếu trong chuyến đi này, khi chúng đang tìm thức ăn trên cánh đồng và gần như không để ý đến những người nông dân đang làm việc cách đó vài mét.

Ngay từ trước khi sếu đầu đỏ biến mất ngoài tự nhiên, gần 25 năm trước, cơ quan lâm nghiệp Myanmar và các nhóm bảo tồn địa phương đã cùng nhau bảo vệ loài chim này, theo báo Myanmar Times ngày 27-8. Họ nói với nông dân về tầm quan trọng của sếu đối với hệ sinh thái và những gì cần làm để bảo vệ và bảo tồn chúng.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 12.

Một số nhóm bảo tồn thưởng tiền mặt cho người dân nếu họ phát hiện và bảo vệ tổ chim. Tình cờ là, ở nông thôn Myanmar, nhiều người dân tin rằng sếu đầu đỏ mang lại may mắn, nếu sếu đầu đỏ làm tổ trên ruộng lúa của họ, họ sẽ có một vụ mùa bội thu, vì thế họ rất hăng hái bảo vệ loài chim này.

Công tác bảo tồn sếu đầu đỏ của Myanmar đã đạt được một số thành công; số lượng của loài chim này đang ở mức ổn định, khoảng 600 con, tăng gấp 10 lần trong hơn 20 năm qua.

Tuy nhiên, theo cô Daw Myo Sandar Win - giảng viên về động vật học tại Đại học Yangon, mức tăng này không đáng kể do các mối đe dọa môi trường khác, trong đó có cả những đe dọa do con người tạo ra.

Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên của các nhà khoa học Myanmar trong năm nay tìm thấy ít tổ sếu hơn so với những năm trước, ngoài ra còn có nhiều ổ chim bị hư hỏng một phần. Họ cho rằng điều này dường như có liên quan đến lượng mưa ít hơn ở các vùng đất ngập nước trong năm 2020.

Và tại Myanmar, mối đe dọa lớn nhất đối với sếu đầu đỏ là các loại hóa chất nông nghiệp không được kiểm soát dùng cho cây lúa và hành vi phá tổ chim. “Sự tồn tại lâu dài của sếu đầu đỏ chỉ có thể được đảm bảo nếu cộng đồng địa phương và các cơ quan chính phủ phối hợp với nhau để tăng số lượng sếu đầu đỏ ở Ayeyarwady” - cô Win kêu gọi.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 13.

Tại Thái Lan, sau nhiều năm biến mất ngoài tự nhiên, một vài cá thể sếu đầu đỏ đã xuất hiện trở lại hồi năm 2011. Đây là kết quả ban đầu của dự án thả sếu đầu đỏ về tự nhiên (Sarus Crane Reintroduction Project Thailand) có mặt rất lâu ở nước này.

Theo báo Bangkok Post ngày 14-9- 2019, công lao này phải kể đến nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi của Zoological Park Organisation (ZPO), tổ chức quản lý các vườn bách thú ở Thái Lan. Cơ quan này đã hợp tác với sở thú tỉnh Nakhon Ratchasima để ấp trứng sếu đầu đỏ trong điều kiện nuôi nhốt.

Dự án đầu tiên được tiến hành vào năm 1982 nhưng không thành công. Năm 1997, sở thú tỉnh Nakhon Ratchasima đầu tư xây dựng cơ sở nuôi sếu lớn nhất cả nước và áp dụng cả kỹ thuật sinh sản tự nhiên và nhân tạo. Một năm sau đó, vườn thú này nhận được cặp sếu đầu tiên do người dân dọc biên giới Thái Lan - Campuchia tặng cho dự án nhân giống sếu của vườn thú.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 14.

Đến năm 2007, khoảng 100 con sếu đầu đỏ đã chào đời. Vào năm 2011, vườn thú thả 10 con sếu đầu đỏ tuổi từ 5-8 ra tự nhiên lần đầu tiên. Năm sau đó, họ tiếp tục thả 9 con sếu đầu đỏ. Đến hết năm 2019, đã có 115 con sếu được ZPO ấp nở được thả về tự nhiên.

Con người chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của sếu đầu đỏ. Ở Thái Lan, loài chim này bị săn bắt để lấy thịt và trứng. Những hành vi săn bắn này đã giảm đáng kể nhờ các chiến dịch bảo tồn được quan tâm trong những năm gần đây, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về số lượng sếu đang giảm dần.

Dù vậy, một mối đe dọa thường trực khác vẫn còn: việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp. Hóa chất gây nguy hiểm cho cả sếu đầu đỏ lẫn chuỗi thức ăn của chúng do dư lượng hóa chất thường bị trôi vào các ao hồ tự nhiên, giết chết thực vật và động vật nhỏ mà sếu ăn. Nếu không còn chuỗi thức ăn trong tự nhiên, sếu phải đi tìm kiếm thức ăn ở nơi khác.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 15.

Trên thực tế, sự biến mất của những vùng đất ngập nước tự nhiên do các hoạt động của con người đã buộc sếu đầu đỏ phải thích nghi bằng cách sống ở những vùng đất nông nghiệp thấp, trũng, ngập nước hoặc bỏ đi. Ngoài ra, tình trạng hạn hán cũng là áp lực với những vùng đất ngập nước có nguồn thức ăn của sếu. Điều này khiến việc bảo tồn, bảo vệ sinh cảnh tự nhiên đất ngập nước là cực kỳ quan trọng nếu muốn bảo tồn sếu lâu dài và hiệu quả.

Thái Lan đã mạnh tay thành lập Trung tâm bảo tồn sếu và đất ngập nước ở Buri Ram với nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp và các tổ chức địa phương. Khu bảo tồn này vừa truyền thông về tầm quan trọng của việc bảo tồn sếu đầu đỏ, vừa là môi trường sống tự nhiên cho sếu, vừa là nơi tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Khi tham quan khu bảo tồn này, du khách được yêu cầu giữ khoảng cách 200m để không làm phiền đàn sếu.

Dự án tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên đã nhận được sự ủng hộ của người dân ở Thái Lan, họ vui mừng khi thỉnh thoảng lại thấy sếu đầu đỏ - loài chim tưởng chỉ còn trong lời kể của ông bà - xuất hiện trên ruộng lúa nhà mình. Pratthana Ounchit, 49 tuổi, một người dân sống gần khu vực bảo tồn sếu đã đứng ra kêu gọi cấm xả rác, hạn chế dùng túi, hộp nhựa vì lo sợ sếu có thể ăn phải những mảnh nhựa từ loại rác khó phân hủy này.

Với chỉ hơn 100 con sếu được thả về tự nhiên, có thể thấy một khi đã mất đi, nỗ lực đưa đàn sếu trở về là không hề đơn giản, dễ dàng hay rẻ tiền.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 16.
Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 17.

Tại Ấn Độ, xương sống của Dự án bảo tồn sếu đầu đỏ, hoạt động rất tích cực ở 10 huyện nông nghiệp của bang Uttar Pradesh là lực lượng tình nguyện viên gọi là “Bạn của sếu đầu đỏ”, trong một chiến lược xây dựng mạng lưới “lực lượng bảo vệ sếu” ở các làng quê.

Dự án này thành lập những nhóm tình nguyện viên bao gồm người địa phương ở từng ấp, làng, hoạt động hoàn toàn bằng tinh thần nhiệt huyết. Những người này sẽ giúp nông dân hiểu mục đích bảo vệ sếu đầu đỏ, giải thích vì sao họ không nên xua đuổi hay phá tổ chim nếu chúng tình cờ xây tổ trên ruộng của mình.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 18.

Những tình nguyện viên này và mạng lưới của họ cũng là những giám sát viên ở địa phương, ghi nhận những trường hợp săn trộm hoặc trộm trứng chim nếu có. Họ được tập huấn để theo dõi những con non và ghi lại tiến trình của sếu con. Mỗi ngôi làng “bạn của sếu” được tặng một cặp ống nhòm, một máy ảnh kỹ thuật số để làm tư liệu, đóng góp vào cơ sở dữ liệu khảo sát số lượng đàn sếu hằng năm.

Đến năm 2017, dự án bảo tồn sếu đầu đỏ của Ấn Độ đã xác định, giám sát và bảo vệ 493 tổ chim. Họ vẫn còn nhiều việc quan trọng khác cần làm: truyền thông về thực hành nông nghiệp tốt, giảm lượng hóa chất nông nghiệp để nước thải nông nghiệp không ảnh hưởng đến sếu đầu đỏ và chuỗi thức ăn của chúng, làm việc với cơ quan chức năng để cân bằng các nhu cầu bảo tồn sếu với các mô hình sử dụng nước khác của con người, tránh tháo nước đến cạn kiệt ở những khu vực lưu trú cuối cùng của đàn sếu.

Điều quan trọng nhất là họ đang thực sự hành động.

Khi đàn sếu chẳng trở về... - Ảnh 19.

NGỌC TÀI - HỒNG VÂN
TĂNG A PẨU - NGUYỄN HOÀI BẢO - DỰ ÁN SARUS CONSERVATION - ONNUCHA HUTASINGH
HẢI PHI
BẢO SUZU




Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Chủ đề: sếu
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên