04/11/2015 07:59 GMT+7

Khi đại biểu Quốc hội “chất vấn” nhau

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Mỗi kỳ họp Quốc hội, theo thông lệ, cử tri và nhân dân đều chứng kiến những phiên chất vấn của các đại biểu với thành viên Chính phủ.

Nhưng ở kỳ họp này, có một điều ít theo thông lệ hơn khi có những phiên họp, chính đại biểu “chất vấn” lại đại biểu về những vấn đề còn có ý kiến trái chiều, còn có những nghi vấn hay không hài lòng giữa các đại biểu.

Ở cuộc họp tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khi bàn về việc xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa, một cuộc tranh luận có lúc gay gắt đã diễn ra.

Để bảo vệ cho quan điểm không đồng ý quy định này, một đại biểu hỏi thẳng một đại biểu chuyên trách khác trong đoàn: “Tôi hỏi anh một câu tế nhị, có vấn đề lợi ích nhóm ở đây không?”.

Câu “chất vấn” bất ngờ ấy đã không làm không khí căng thẳng mà còn vỡ ra nhiều điều. Đại biểu bị “chất vấn” vì câu hỏi ấy đã nêu ra quan điểm của mình và cung cấp thêm thông tin vào quá trình xây dựng dự án luật. Làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội trong quá trình soạn thảo dự án luật.

Gần hơn, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 2-11, đại biểu Huỳnh Nghĩa đã đặt câu hỏi: “Quốc hội phải làm gì để thể hiện sự thương dân?”.

Ông Nghĩa nói rằng “sẽ không có sự thay đổi về hiệu quả hoạt động nghị trường nếu thiếu những đại biểu tâm huyết, có năng lực và gắn bó máu thịt với nhân dân”. Bài phát biểu phát triển từ ý tứ của câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri, bạn đọc các báo.

Câu hỏi ấy của đại biểu Nghĩa vừa là một lời “chất vấn” với các đồng nghiệp ở Quốc hội mà còn là lời tự vấn với bản thân mình.

Chuyện Quốc hội tự “chất vấn” lẫn nhau là một điều xuất phát từ chính thực tế, những bất cập đôi lúc đang diễn ra tại nghị trường. Không nói đâu xa, báo chí và cử tri cũng từng than phiền bao lần về chuyện đại biểu Quốc hội vắng họp, Quốc hội nghỉ sớm vì đại biểu không phát biểu, đại biểu phát biểu giống nhau...

Đó là những vấn đề nội tại trong hoạt động của Quốc hội, cũng cần được “chất vấn”.

Sự “chất vấn”, nhắc nhở này có thể không phải diễn ra ở hội trường, ở những cuộc họp tổ theo thông lệ mà có thể ngay trong các hoạt động khác của Quốc hội. Trong công việc mà các đại biểu đang kiêm nhiệm, khi đại biểu rời khỏi nghị trường.

Những câu “chất vấn” như vậy ở nghị trường đã làm cho những cuộc thảo luận thành những cuộc tranh luận. Làm không khí nghị trường không còn diễn ra một chiều.

Việc tự “chất vấn” trong nội bộ Quốc hội ấy là một tín hiệu đáng mừng nhưng đó cũng là điều bình thường.

Vì Quốc hội cũng là một cơ quan, một tổ chức nhà nước như bao cơ quan, tổ chức khác, trong quá trình hoạt động cũng khó tránh khỏi những sơ sót. Điều đó cần được sự giám sát từ bên ngoài lẫn bên trong Quốc hội.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên