TTCT - Những con chim quý ghé qua thành phố không chỉ mang tới một cuộc chơi săn ảnh ngày càng đông vui, nó còn là chỉ dấu về một Sài Gòn vẫn còn những góc xanh và lành.


Trong cái nóng chưa gắt của một sớm tháng 4, phía sau Đền Hùng trong công viên Tao Đàn (TP.HCM), hơn 30 người ngồi có, đứng có, nằm rạp có, máy ảnh kèm ống kính to dài kiên nhẫn chăm chú hướng về "đối tượng"… Không gian như lắng lại, chỉ nghe tiếng gió rì rào cùng tiếng màn trập máy ảnh rào rào như mưa đổ. "Đối tượng" là một con chim có đôi cánh nhỏ xanh óng ánh dưới nắng, vệt lông đỏ cam dưới bụng: đuôi cụt bụng đỏ.


Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 1.

Hơn 1.000 cây cổ thụ đã biến 10ha vườn Tao Đàn (quận 1, TP.HCM) thành một chốn mát mẻ hơn hẳn bầu không khí nóng rực trên những con đường nườm nượp xe quanh đó. Trong bóng mát của cây cối, nỗi khổ chờ đợi chim thật không sá gì, phần thưởng lại đến một cách ngất ngây: trên màn hình máy ảnh, con chim nhỏ hiện lên rực rỡ.

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 2.

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 3.
Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 4.

Cả 10 ngày đầu tháng 4, giới săn ảnh chim trong phố đều biết một đôi chim giẻ cùi (tên khoa học là Urocissa erythroryncha, tên tiếng Anh là Red-billed Blue Magpie, thuộc bộ Sẻ) đều đặn xuất hiện ở công viên Tao Đàn.

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 5.

Biết tôi tập tễnh lao đầu vào thú chơi này, Lê Đức Công - một võ sĩ nổi tiếng hồi thập niên 1990 ở môn judo và vật, nay là một tay máy săn ảnh chim có thâm niên hơn chục năm - hẹn hò: "Tầm 8h, cặp chim này hay về chỗ bãi cây xương rồng giữa công viên".

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 6.

Buổi sáng khi tôi tới, cả chục tay máy đã ngồi đồng ở đó chờ chim về. Mà đó là sau khi họ đã có cả chục ngày trước đó thỏa thuê săn và chụp ảnh đôi chim đẹp này. Chỉ có tôi là "lính mới tò te" chưa có tấm nào, còn lại đều là những người có vốn lận lưng. Nhưng tâm lý của dân chụp ảnh chim là thế, không bao giờ thỏa mãn, luôn hy vọng hôm nay mình sẽ có ảnh đẹp hơn mấy hôm trước.

Hôm ấy đôi chim lại không về. "Thôi, hôm nào nó về tui hú bạn ra. Ở đây có mấy người như anh Nguyễn Dũng Tiến, nhà gần Tao Đàn, một ngày ba bận ra đây nên có động tĩnh gì là ảnh báo cho mọi người biết ngay - Công an ủi và rủ tôi - Giờ mình qua bên đền Vua Hùng chụp con Pitta bụng đỏ. Con này mới xuất hiện hôm qua. Nó là chim di cư, chỉ ở đây tối đa ba ngày thôi".

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 7.

Con đuôi cụt bụng đỏ (Pitta Nympha, tên tiếng Anh là Fairy Pitta, thuộc bộ Sẻ) là loài đặc hữu của khu vực phía Bắc tiểu lục địa Ấn Độ, phía Tây dãy Himalaya, Myanmar, Campuchia, Lào và vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ Việt Nam, nằm trong sách đỏ. 

Chúng tôi vác chục cân máy ảnh, tripod chạy qua đã thấy lố nhố mấy chục tay máy chực chờ. Vừa kịp lúc con Pitta bé nhỏ (trọng lượng trung bình của loài này từ 196 - 232g) đậu xuống một khúc gỗ, mổ lấy mổ để đám mồi ngon do dân săn ảnh chiêu đãi. Trên chặng bay di cư theo mùa, đây là chặng nghỉ chân tận hưởng lòng hiếu khách của con người, con chim nhỏ đáp lại thịnh tình ấy bằng đôi ba ngày "làm mẫu ảnh". Ăn no, cánh bớt mỏi thì bay đi, sang năm rồi sẽ quay lại…


Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 8.

Trong ba ngày Pitta ghé Tao Đàn, các tay máy "ngồi đồng" từ sáng đến chiều bởi con chim sà xuống chén sâu no nê lại bay đi đâu đó, hoặc bay lên tàn lá um tùm của cây si ngay đấy, vài giờ sau lại bay trở lại chén tiếp.

Trong lúc chờ Pitta quay lại, Công giới thiệu những người "máu mặt" trong hội săn ảnh chim trong lòng thành phố: kia là anh Nguyễn Minh Mẫn, một bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược; kia là anh Nguyễn Minh Tiến, nguyên chủ tịch công đoàn Nhà máy thuốc lá Sài Gòn nay đã về hưu; kia là anh Nguyễn Dũng Tiến ở gần Tao Đàn, người luôn phát hiện những chú chim lạ xuất hiện vì mỗi ngày anh ba lần đi rảo Tao Đàn…

Chiếm số đông trong lực lượng mê săn ảnh chim là những người hưu trí. Đến chiều, quân số chụp ảnh chim tăng gần gấp đôi, lên đến 50 - 60 người, khi các tay máy từ Long An, Bình Dương, Đồng Nai cũng đổ về theo hấp lực của Pitta.

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 9.


"Tôi mê chụp ảnh lâu rồi, nhưng phải đến khi về hưu mới dành cho tình yêu này nhiều thời gian và tâm huyết hơn. Nó đem lại nhiều lợi ích cho những người về hưu như tôi. Đầu tiên là về sức khỏe, vác máy đi tới đi lui toát mồ hôi chứ không đùa. Người lớn tuổi hay bị chứng run tay, đầu óc suy nghĩ chậm chạp… thì món này giúp rèn luyện khắc phục rất nhiều vì tay luôn phải chỉnh tới chỉnh lui các nút chức năng trên máy ảnh, đầu óc luôn vận động để tính toán sao cho có được bức ảnh đẹp - anh Tiến nói - Bọn tôi không chỉ loanh quanh Tao Đàn vì có nhiều nơi trong TP này có thể săn được ảnh chim đẹp như qua cầu Ánh Sao ở Phú Mỹ Hưng, Thảo cầm viên, đến mùa chim di cư thì chạy về Cần Giờ…".

Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 10.

Với cựu võ sĩ Lê Đức Công, món chơi này giúp anh có lại được nhiều cảm giác của hồi còn thi đấu. Hơn chục năm trước, võ sĩ judo này nặng 120kg, những bài tập quăng quật đã khiến cột sống của anh gặp vấn đề. Sau cuộc đại phẫu, Công quyết định chọn nhiếp ảnh để thư giãn đầu óc và rèn luyện lại sức khỏe. 

"Cảm giác cũng mạnh lắm đó anh. Ngày xưa, khi còn thi đấu, khi thắng đối thủ, mình có cảm giác hạnh phúc khôn tả; còn khi thất bại cứ tự trách móc bản thân giá mà mình chơi đòn này chứ đừng đánh đòn kia, giá mà mình ra đòn nhanh hơn chút nữa… Bây giờ, chơi chụp ảnh chim cũng thế. Chụp được một bức ảnh ưng ý thì hạnh phúc chẳng khác gì vừa thắng ippon đối thủ, còn sau một cú bấm máy không thành công thì tiếc nuối: giá mà để tốc cao hơn, giá mà siết khẩu nhỏ hơn, giá mà bấm nhanh hơn…".

Những con chim quý ghé qua thành phố không chỉ mang tới một cuộc chơi săn ảnh ngày càng đông vui, nó còn là chỉ dấu về một Sài Gòn vẫn còn những góc xanh và lành. Nhưng trong những cuộc trò chuyện giữa những lần bấm máy, tôi vẫn nghe được những ao ước về một đô thị xanh hơn nữa, đa dạng sinh học hơn nữa để có nhiều loài chim bay về hơn, chẳng cần đâu xa xôi, mà như họ từng đi và thấy ở nhiều đô thị của các nước lân cận. Và cũng không cứ phải gặp được Pitta hay loài chim quý hiếm nào, đôi khi bức ảnh chụp những con chim sẻ đơn sơ cũng có thể đem lại một giấc ngủ hài lòng cho người cầm máy.


Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 11.


Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 12.
Khi con chim Pitta về đậu vườn Tao Đàn - Ảnh 13.

HUY THỌ
MẠNH TÁNH
9-6-2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0