18/08/2020 10:45 GMT+7

Khi con bước vào tuổi trưởng thành

TẤN KHÔI thực hiện
TẤN KHÔI thực hiện

TTO - Những năm gần đây, các trường THPT thường tổ chức "lễ trưởng thành" cho học trò lớp 12. Đó là buổi lễ tri ân nhưng cũng đánh dấu cho tuổi 18, tuổi được xem là trưởng thành của đời người.

Khi con bước vào tuổi trưởng thành - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 niên khóa 2019-2020 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong ngày tri ân - trưởng thành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiêu chí xác định một người trưởng thành là khi cá nhân đó có khả năng chịu trách nhiệm với bản thân từ suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Là khi mọi suy nghĩ, hành động, lời nói không gây ảnh hưởng, làm tổn thương người khác và cả bản thân.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Tuổi 18 đã trưởng thành hay chưa và cha mẹ cần làm gì để giúp con tự tin vào đời? Tuổi Trẻ đã trao đổi với ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm - chuyên gia đào tạo và tư vấn tâm lý Công ty Hồn Việt.

* Thưa bà, 18 được xem là tuổi trưởng thành bắt nguồn từ cơ sở nào?

- Nó bắt nguồn từ luận điểm của lý thuyết về tâm lý học phát triển. Các nhà tâm lý cho rằng ở tuổi 18 các cơ quan trong cơ thể đã gần như phát triển toàn diện. Sự tăng tiết các hormone đã giúp cho sự phát triển cơ thể và não bộ, giúp sự nhận thức phát triển ở mức cao bằng như người lớn. 

Các nhà tâm lý cho rằng giai đoạn tuổi 18 là thời gian thử những giới hạn bản thân, phá vỡ những mối quan hệ lệ thuộc, thiết lập căn tính mới.

Ở tuổi này, các bạn cũng đang khủng hoảng dậy thì. Mâu thuẫn chính giai đoạn này xoay quanh việc xác định rõ căn tính, thiết lập cái tôi, xác định rõ mục tiêu và ý nghĩa của cuộc đời. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các bạn khẳng định bản thân - tìm chân dung chính mình và tiềm năng, sứ mạng, ý nghĩa cuộc đời.

* Như vậy có thể nói tuổi 18 là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển đời người?

- 18 tuổi mới chỉ bước vào cột mốc đầu của thời kỳ trưởng thành. Theo phân chia về sự phát triển lứa tuổi của Freud - trường phái phân tâm học, giai đoạn 18-35 tuổi gọi là thời kỳ trưởng thành. Đặc điểm tâm lý của giai đoạn này là "thiết lập tương quan cặp đôi, thân mật hay cô độc". 

Theo sự phân chia trên, thời kỳ trưởng thành sẽ có các đặc điểm sau: tự do "yêu và làm việc", không còn lệ thuộc vào cha mẹ, có khả năng quan tâm đến người khác, nhiệm vụ chính là thiết lập mối tương quan mật thiết (với người khác phái - lấy vợ lấy chồng).

Tuy nhiên tuổi 18 chỉ là cột mốc đầu tiên của giai đoạn đầu thời kỳ trưởng thành. Thực tế con vẫn chưa thực sự trưởng thành, chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ, chưa đủ trải nghiệm, chưa có nhiều cơ hội để tự mình giải quyết vấn đề cho đời sống của chính con.

* Như vậy, cha mẹ cần làm gì để giúp con mình tự tin vào đời, thưa bà?

- Khi đó, cha mẹ nên tương tác với con theo cách tôn trọng. Đó là tôn trọng ý kiến và suy nghĩ của con. Tôn trọng qua việc lắng nghe con, hiểu những nhu cầu và ước muốn của con. Tôn trọng thực sự là không áp đặt, độc đoán, không "dân chủ giả hiệu" mà là có sự "đàm phán thương lượng" thực sự cho sự khác biệt trong ý kiến, chọn lựa, quyết định giữa cha mẹ và con.

Cùng với đó là cho con không gian để thử nghiệm; những cơ hội để con tự do chọn lựa, ra quyết định, giải quyết những vấn đề của con. Trong mối quan hệ cha mẹ và con, cha mẹ phải tương tác làm sao để con cảm thấy con là một con người đầy giá trị. Nghĩa là cha mẹ làm cho con biết được những lung linh trong nhân cách, vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, giá trị của sự trong trẻo, thánh thiện trong con.

* Còn về tự thân của mỗi người, bạn trẻ cần rèn luyện gì để trưởng thành?

- Bạn trẻ cần rèn luyện sức mạnh nội tâm, trang bị kiến thức và sức chịu đựng, sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn, sự thấu cảm và lòng biết ơn...

Quan trọng nhất là bạn trẻ phải học cách khám phá và thấu hiểu bản thân. Chỉ khi thấy biết chính mình, các bạn mới có khả năng khai quật và phát huy tiềm năng, điều chỉnh và thay đổi. Các bạn mới có đủ bình an xây dựng cho mình một hệ thống giá trị để biết cái gì mình cần, muốn, quan trọng và không quan trọng, cần chọn lựa và nên buông bỏ.

Dễ nhầm lẫn khái niệm trưởng thành

Môi trường học đường của chúng ta ngày nay làm cho các em quá mệt mỏi, căng thẳng với nội dung học tập không thực tế. Trong khi nội dung giáo dục cho sự phát triển nhân cách, cho việc học làm người, phát triển bản thân hoàn toàn không có. Điều này làm cho các em không có cơ hội trưởng thành về mặt tâm lý, tinh thần nhưng lại phát triển tự do về mặt giới tính.

Các em dễ nhầm lẫn khái niệm trưởng thành nghĩa là bắt đầu tò mò muốn làm "chuyện người lớn" do những thúc bách của hormone nhưng vô cùng bối rối, thiếu kiến thức, kỹ năng với trách nhiệm, vai trò của một người đã lớn.

Ba điều lưu ý khi con gái bước vào tuổi 20 Ba điều lưu ý khi con gái bước vào tuổi 20

TTO - Tôi có con gái bước vào tuổi 20. Tôi muốn được tư vấn về tâm lý của con gái lứa tuổi này và xin lời khuyên bổ ích để trang bị cho con một hành trang kiến thức tốt khi bước vào ngưỡng tuổi trưởng thành. Xin cảm ơn! (phuong…@gmail.com)

TẤN KHÔI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên