28/04/2014 07:43 GMT+7

Khi các Sherpa rời bỏ Everest

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Vụ lở tuyết ngày 18-4 trên đỉnh Everest không chỉ cướp đi sinh mạng của 16 hướng dẫn viên leo núi người Sherpa, mà còn đe dọa toàn bộ ngành công nghiệp du lịch Nepal.

Tuyết lở trên đỉnh Everest, 13 người thiệt mạng

zffqg3TV.jpgPhóng to
Một Sherpa kỳ cựu leo đỉnh Everest - Ảnh: National Geographic

Theo báo Guardian, từ giữa tuần qua các hướng dẫn viên leo núi người Sherpa thuộc 39 đội thám hiểm Everest đã đồng loạt rời khỏi trại căn cứ dưới chân núi để trở về nhà. Mùa leo đỉnh Everest thường bắt đầu từ giữa tháng 5, khi thời tiết trên đỉnh Everest ôn hòa, giờ có nguy cơ kết thúc sớm. Vụ lở tuyết ngày 18-4 đã thổi bùng ngọn lửa bất mãn âm ỉ trong cộng đồng người Sherpa từ nhiều năm qua.

Ngay sau thảm họa, chính quyền Nepal tuyên bố sẽ bồi thường gia đình mỗi nạn nhân 40.000 rupee (khoảng 415 USD). Nhưng các Sherpa cho rằng họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế, gồm tiền bảo hiểm, tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân và các quy định mới bảo vệ quyền lợi cho các Sherpa.

Những người hùng “vô hình”

Kể từ năm 1953, khoảng 4.000 người đã leo lên tới đỉnh núi cao nhất thế giới. Tất cả đều được truyền thông thế giới tôn vinh như những người anh hùng. Nhưng thầm lặng bên họ chính là những người Sherpa dẫn đường. Tất cả vận động viên leo núi lão luyện nhất đều phải nhờ các Sherpa khuân vác dụng cụ, nấu ăn và hướng dẫn di chuyển trên núi. Không có sự hỗ trợ của các Sherpa, chinh phục đỉnh Everest cao 8.848m là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng có mấy ai để ý tới những “người vô hình” thầm lặng này trên đỉnh Everest.

"Không có sự hỗ trợ của các Sherpa, chinh phục đỉnh Everest cao 8.848m là nhiệm vụ bất khả thi"

Theo CBC, mỗi người Sherpa kiếm được 3.000-6.000 USD một mùa leo núi. Với thu nhập bình quân đầu người của Nepal chỉ đạt 700 USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn thu này giúp các Sherpa nuôi sống gia đình trong cả năm. Những Sherpa làm nghề hướng dẫn viên leo núi còn có địa vị cao trong cộng đồng, được xem như những “ngôi sao nhạc rock”.

Nhưng làm hướng dẫn viên leo đỉnh Everest là nghề cực kỳ nguy hiểm. Đến nay, đã có 250 người thiệt mạng. Tạp chí National Geographic cho biết 40% trong số đó là các Sherpa và những hướng dẫn viên leo núi người Nepal khác. Các Sherpa không được cung cấp bình oxy nhiều như các nhà leo núi, không sử dụng thuốc kích thích để tăng cường thể lực. Quan trọng hơn, trên Everest, họ phải làm những công việc nặng nhọc nhất: khuân vác đồ đạc, đặt thang, thả dây...

Những nhiệm vụ đó đòi hỏi họ mất nhiều thời gian di chuyển ở các khu vực nguy hiểm trên núi, đặc biệt là tại thác băng Khumbu hiểm trở, nơi được mệnh danh là “bẫy tử thần” của Everest. Vào mùa leo núi hằng năm, mỗi Sherpa có khi phải khuân đồ đạc vượt qua thác băng Khumbu khoảng 30 lần. Họ thật sự đánh cược mạng sống vì miếng cơm manh áo. Và khi mỗi Sherpa hi sinh trên đỉnh Everest, gia đình họ chỉ nhận được mức bồi thường rẻ mạt. Rồi cộng đồng và thế giới lãng quên họ để quay lại với cơn cuồng say Everest. Chỉ có gia đình, vợ con các Sherpa xấu số là những người phải chịu nỗi đau mất mát.

Đe dọa ngành du lịch

Vì thế, không khó hiểu khi các Sherpa bức xúc với khoản bồi thường 415 USD mà Chính phủ Nepal bỏ ra cho mỗi người thiệt mạng ngày 18-4. Nguồn tin AP cho biết mới đây, Chính phủ Nepal đã phải nhượng bộ. Bộ Du lịch Nepal cho biết sẽ trả tiền bảo hiểm 2 triệu rupee (15.620 USD) cho gia đình mỗi người thiệt mạng, dù con số này thấp hơn mức 20.800 USD mà các Sherpa đòi hỏi. Chính phủ cũng cam kết trích 5% nguồn thu từ phí leo núi Everest để lập quỹ hỗ trợ gia đình các Sherpa thiệt mạng hoặc chấn thương khi làm việc, dù thua xa mức 30% mà các Sherpa mong muốn.

Everest đóng vai trò cực lớn trong ngành công nghiệp du lịch Nepal không chỉ bởi thu hút người leo núi. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến Kathmandu chỉ để được ngắm Everest từ xa. Do đó, các chuyên gia Hiệp hội Hướng dẫn leo núi quốc gia Nepal đánh giá vụ đình công của các Sherpa sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch Nepal, đặc biệt là về lâu dài. Giới chuyên gia đánh giá các Sherpa xứng đáng được hưởng sự hỗ trợ tài chính tốt hơn từ chính phủ, nếu xét đến những nguy hiểm và khó khăn trong công việc của họ và lợi nhuận to lớn mà chính quyền đã thu được từ đỉnh Everest.

Ảnh hưởng du lịch Nepal

Một cuộc đình công của các Sherpa có thể đe dọa toàn bộ ngành du lịch Nepal. Theo CBC, để chinh phục đỉnh Everest, các nhà leo núi nước ngoài phải bỏ ra 40.000-60.000 USD. Vì thế, mỗi năm chính quyền Nepal bỏ túi khoảng 3,3 tỉ USD tiền thu phí leo núi. Vô số doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn... dưới chân núi cũng được hưởng lợi đáng kể từ những đồng USD mà hàng chục nghìn khách du lịch nước ngoài mang tới mỗi năm.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên