13/11/2019 10:12 GMT+7

Khát vọng đôi bờ Cửa Lục

Đ.TUÂN - Đ.BÌNH
Đ.TUÂN - Đ.BÌNH

Đôi bờ sông Cửa Lục sẽ gần hơn khi TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ về chung một mái nhà. Những cây cầu kết nối đôi bờ Cửa Lục, kết nối Hạ Long với Hoành Bồ sẽ được xây dựng, rồi đây người dân Hoành Bồ sẽ trở thành cư dân đô thị.

Khát vọng đôi bờ Cửa Lục - Ảnh 1.

Trung tâm huyện Hoành Bồ nhìn từ trên cao - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một không gian phát triển mở ra với TP.Hạ Long, một vùng đô thị mới hiện đại với khu trung tâm hành chính mới của TP.Hạ Long được xây dựng trên đất Hoành Bồ sẽ đưa TP.Hạ Long trở thành đô thị hạt nhân vùng đông bắc tổ quốc.

Đô thị thuộc tỉnh lớn nhất nước

Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long, thời gian qua công tác chuẩn bị được Tỉnh ủy Quảng Ninh triển khai quyết liệt, với quyết tâm cao của cả hệ thống. 

Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP.Hạ Long sẽ hình thành một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, tạo sự đa dạng độc đáo có một không hai về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, là hạt nhân thúc đẩy Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP.Hạ Long cũng mở ra cơ hội kết nối, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ rừng, biển kết hợp, khai thác các giá trị văn hóa bản địa giàu bản sắc, cảnh quan sinh thái đa dạng các xã vùng cao Hoành Bồ, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có sức cạnh tranh để thúc đẩy phát triển du lịch Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.

Khát vọng đôi bờ Cửa Lục - Ảnh 2.

Phó Bí thư tỉnh Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân thị sát khu vực xây dựng cầu Cửa Lục 1 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP.Hạ Long cũng được coi là đòn bẩy cho phát triển nhanh và bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển của TP.Hạ Long, góp phần bảo vệ cảnh quan vùng di sản vịnh Hạ Long thông qua quản lý thống nhất về môi trường ven biển.

Thời điểm vàng cho sáp nhập

Nói về chủ trương sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ, bà Phạm Thị Thùy Hương - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh cho biết trước khi thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ về TP.Hạ Long, một số xã của Hoành Bồ đã được nhập về TP.Hạ Long.

Để giữ lại tên vùng đất Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh cũng dự kiến sẽ đổi tên thị trấn Trới - trung tâm huyện Hoành Bồ hiện nay thành phường Hoành Bồ, thuộc TP.Hạ Long sau sáp nhập

Ông NGUYỄN TIẾN DƯƠNG

Bà Hương nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng khi hành lang pháp lý cho sáp nhập các đơn vị hành chính khá đầy đủ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Chính phủ có Nghị quyết số 32 về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Theo ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở chủ trương chung của Trung ương về sáp nhập địa giới hành chính, Quảng Ninh xác định đây là cơ hội thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao. 

TP.Hạ Long diện tích rất nhỏ, dân số đông, sáp nhập với huyện Hoành Bồ có diện tích lớn, dân số ít, hai đơn vị sẽ bổ trợ cho nhau sau sáp nhập.

Sau khi sáp nhập về TP.Hạ Long, những vùng khó khăn của Hoành Bồ sẽ có thêm nguồn lực để phát triển. Việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính về phía huyện Hoành Bồ cũng sẽ mở ra một không gian phát triển mới, với tương lai lâu dài cho đô thị Hạ Long trong tương lai.

Ông Nguyễn Tiến Dương cho biết thêm Hạ Long và Hoành Bồ có nhiều nét tương đồng, nằm hai bên bờ sông Cửa Lục. Hoành Bồ có diện tích tự nhiên rất lớn, có đất rừng, đất ven biển rất thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Huyện Hoành Bồ cũng nằm dọc theo đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn; đường sông có vịnh Cửa Lục, cảng Cái Lân là một trong các cảng nước sâu lớn của cả nước, đường không dễ dàng kết nối với sân bay Vân Đồn. Vì thế việc sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Việc mở rộng địa giới hành chính TP.Hạ Long trong thời gian tới theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ không gặp khó khăn khi không gian phát triển được mở rộng, các nguồn lực được phát huy tối đa sẽ tạo động lực phát triển mới cho TP.Hạ Long. 

Nguồn lực đất đai sẽ được phát huy tối đa để xây dựng một không gian đô thị mới. Các khu công nghiệp sẽ được di chuyển sâu về phía rừng, tạo điều kiện bảo vệ cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long.

Lộ trình và phương án sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ

Lộ trình:

 Ngày 24-9-2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành kết luận số 517 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nghiên cứu, mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ.

 Ngày 1-10-2019, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản 2127 về việc hướng dẫn lấy ý kiến của cử tri về đề án sắp xếp, sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

 Ngày 2-10-2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và ban hành Nghị quyết 18 về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

 Ngày 3-10-2019, họp trực tuyến, Bí thư Tỉnh ủy quán triệt đến tận các Chi bộ.

 Ngày 3-10-2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành đề án sắp xếp, sáp nhập TP.Hạ Long và huyện Hoành Bồ.

 Ngày 5-11-2019, UBND tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập để báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

 Dự kiến việc sáp nhập TP.Hạ Long với huyện Hoành Bồ hoàn thành trước ngày 31-12-2019.

Phương án sáp nhập:

 Nhập toàn bộ 843,5km2 diện tích tự nhiên, 51.003 người của huyện Hoành Bồ với 275,5km2 diện tích tự nhiên, 249.264 người của TP.Hạ Long.

 Sau sáp nhập, TP.Hạ Long có diện tích tự nhiên 1.119km2, dân số 300.267 người.

 Đơn vị hành chính trực thuộc 33 đơn vị cấp xã, bao gồm 21 phường và 12 xã trực thuộc.

Đ.TUÂN - Đ.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên