30/07/2020 09:15 GMT+7

Khao khát kinh doanh

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Một đứa trẻ kém phát triển đậu vào đại học. Không chỉ vậy, anh đã thành công trên con đường khởi sự bằng 9 triệu đồng. Ở anh, dấy lên một khao khát, khao khát khởi nghiệp và kinh doanh.

Khao khát kinh doanh - Ảnh 1.

Cậu bé kém phát triển ấy giờ đã là giám đốc của một công ty hơn 300 công nhân (Quang Anh - trái) Ảnh: CÔNG TRIỆU

Anh là Phạm Quang Anh, 35 tuổi, giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony (Tân Bình, TP.HCM). Anh chia sẻ về cái tên "cậu bé ốc tiêu" của mình: "Đó là cái tên mọi người đặt cho tôi, bởi tôi vốn là đứa trẻ chậm lớn so với bè bạn, ốm đau liên miên. Ngay lớp 1 tôi đã bị cô giáo cho ở lại lớp vì thành tích thi đua học tập "gánh team" 37/37. Nghĩ lại thì chắc tôi cũng có vấn đề thật. Chứ cấp II, cấp III mà ở lại còn có thể là do ham chơi, nhưng đằng này chỉ mới lớp 1, hiếm lắm!" (cười).

Trước đó tôi nghĩ mình là dân kinh doanh thì cứ buôn thứ gì có lợi mà không phạm pháp là được. Thế nhưng không, việc kiếm lợi từ khó khăn của người khác, từ sự thiệt thòi của cộng đồng là không nên.

PHẠM QUANG ANH

* Con đường đến đại học của anh như thế nào?

- Qua lời kể mọi người, khi nhỏ thì trông tôi rất tệ, nhưng càng lớn lại càng thông minh, lanh lợi ra. 

Rõ nhất là việc nếu trước đó bố mẹ chỉ mong tôi lớn khỏe bình thường, thì nay mẹ muốn tôi thi vào ngành sư phạm, bố lại muốn tôi thi y. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn công nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) vì thời điểm đó nó còn quá mới lạ.

Tôi cũng từng nghĩ sẽ đi Pháp học thạc sĩ, rồi quay trở lại trường vừa làm giảng viên, vừa tham gia nghiên cứu khoa học. Nhưng đúng là đi rồi mới biết, nghề làm thầy lương bạc bẽo lắm. Thời trước mọi thứ còn chưa quá phát triển, nhưng cũng đâu đủ sống.

* Vậy rồi đâu là con đường anh chọn?

- Tốt nghiệp ĐH vào năm 2007, cuộc sống tôi cũng trầy trợt bởi làm mãi mà chả đủ ăn. Cho đến năm 2009, lúc đó tôi đã ngoi lên làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty may mặc và đang theo một bản hợp đồng 5.000 chiếc áo thun ký với một công ty ở Đà Nẵng. 

Hợp đồng rất ổn, chỉ ngặt nỗi khách hàng vẫn không đồng ý ký vì điều kiện: cần được xem một chiếc áo mẫu.

Loại vải khách đặt rất đặc biệt, trên thị trường không ai có. Và để có nó, chúng tôi phải bỏ ra 15 triệu đồng để đặt nhà máy dệt làm ra đúng loại vải khách yêu cầu. 

Sau hơn 10 lần thương thảo nhưng giám đốc vẫn không đồng ý làm áo mẫu dù phần thắng lên tới 98%. Quá bực tức, ở lần gặp cuối tôi đã đưa ra một đề nghị: "Tôi sẽ làm vụ này. Tiền làm áo mẫu tôi lo, công ty chỉ việc giúp tôi ký hợp đồng nếu khách đồng ý". 

Giám đốc vừa gật đầu là lúc tôi mang ngay con xe Dream cùng chiếc laptop hiệu Asus cũ mà bố mẹ mua cho khi còn là sinh viên ra một tiệm cầm đồ trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) đổi lấy 9 triệu đồng, lãi suất 6%/tháng. 

Còn thiếu đến 6 triệu mà chẳng còn thứ gì có thể cầm, thế là tôi lại rủ anh em trong phòng cùng tham gia, mỗi người góp một ít. Dĩ nhiên là thương vụ đó thành công, chúng tôi lãi đâu gần trăm triệu, số tiền quá lớn thời điểm đó.

* Và anh đã khởi nghiệp từ lúc đó?

- Dù rất mộng làm giàu, nhưng khái niệm khởi nghiệp thời điểm đó với tôi vẫn còn mơ hồ lắm. Dân nghiên cứu khoa học mà, nên đâu biết bắt đầu từ đâu. Chỉ biết sau khi có tiền, tôi chuộc ngay xe và máy tính về. 

Cũng chẳng chủ động nghỉ việc, nhưng vì vượt mặt sếp nên sau đó tôi chẳng được lòng ông, khó làm việc nên mới phải nghỉ. Chán cảnh làm thuê, lại đang có đà và "đạn", tôi đứng ra lập một công ty, theo chân ngành may mặc. 

Căn phòng trọ chật hẹp được thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng, ở 4 người trên đường Trần Văn Đang (Q.3) là trụ sở. 

Trong phòng kê tủ quần áo, bàn ghế là chỉ còn chỗ cho 3 người nằm nghiêng mới đủ, một người phải ra hành lang. Lúc đó tôi vừa làm giám đốc vừa kiêm luôn bốc vác vì công ty chỉ có một người - y kiểu một thành viên.

Đúng là chỉ khi bước chân vào kinh doanh, làm chủ mới biết mọi sự rất khó. Số tiền lãi trước đã nhanh đội nón ra đi sạch trơn sau vài tháng. Chẳng còn vốn, tôi buộc phải đi dạy kèm để lấy tiền chạy chọt cho các đơn hàng. 

Khó trăm bề, vừa áp lực dòng tiền, vừa lo sợ bố mẹ ở nhà vì đây không phải là lần đầu tôi cãi lời họ để làm thứ mình thích. Nhiều tháng trời tôi không dám nghe điện thoại mọi người chứ đừng nói là về thăm nhà dù rất gần, ngay Bình Phước.

* Liệu đã có ai giúp anh để xoay chuyển tình thế lúc ấy?

- Kinh doanh mà, ai giúp được mình bằng chính mình đâu. Thời điểm đó cuộc sống tôi từ ngày này sang tháng nọ là: ngày làm ở công ty, đêm đi dạy kèm, tối về chơi game đến 3h sáng mới ngủ. 

Mãi như thế cho đến một hôm, tôi bỗng ho ra rất nhiều máu tươi. Sau khi vào viện, thăm khám thì bác sĩ chẩn đoán tôi bị lao phổi, do lao lực. Những cơn đau quá mức chịu đựng, cùng những áp lực dòng tiền bởi công ty vẫn phải hoạt động khiến tôi muốn tìm đến cái chết. Và may có gia đình, họ đã kéo tôi ở lại, tiếp tục sống.

Sau những "bầm dập" mà con đường khởi nghiệp lẫn 8 tháng điều trị lao phổi mang lại, tôi trở lại đường đua của chính mình một cách thận trọng hơn. Nhưng cuộc đời vốn chẳng dễ dàng, ba năm từ 2010 đến 2013 tôi vẫn chìm trong bế tắc và tuyệt vọng. 

Chẳng thể tìm ra ánh sáng cuối đường hầm, mất định hướng khiến tôi phải lên mạng tra: "Bế tắc trong kinh doanh phải làm sao?". 

Và rồi ở màn hình hiện ra vô vàn câu trả lời, nhưng có một đường dẫn đến một lớp học kinh doanh ngắn hạn lại làm tôi chú ý. Tôi quyết tâm đến lớp học đó và thay đổi hoàn toàn cách nhìn về kinh doanh. Cũng nhờ nó, từ 2014 tôi bắt đầu thuê được nhân viên đầu tiên, đến nay đã là 300 nhân sự.

10 triệu chiếc khẩu trang và 5% doanh thu

Hiện Công ty TNHH may mặc Dony đã có trên 300 công nhân làm việc, hưởng lương trên 7 triệu đồng/ tháng. Ngoài thế mạnh làm đồng phục cho các hệ thống tập gym, trường học, công ty, doanh nghiệp… thì hơn 10 triệu chiếc khẩu trang được sản xuất xuất đi các nước như Mỹ, Anh, Nga, Trung Đông…

Khẩu trang của Quang Anh được bán trên Amazon ở thị trường Mỹ với giá gần 5USD/chiếc, thị trường Việt Nam là 29.000 đồng/chiếc.

Doanh thu bán khẩu trang được Quang Anh trích 5% làm các công việc phục vụ cộng đồng. Ngoài 100.000 chiếc đã được chuyển tặng sang Mỹ, anh cho biết đang xúc tiến để chuyển tặng một lô khẩu trang khác đến Cuba.

"Xưa nay quốc tế biết đến Việt Nam như quốc gia thường xuyên nhận viện trợ. Giờ đây, khi bạn bè quốc tế cần, là lúc chúng ta nên sẻ chia" - Quang Anh nói.

Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam , 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8-2020.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như, công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO...

Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.

Khao khát kinh doanh - Ảnh 5.
Cứ 20 bạn trẻ Việt, có 5 mơ làm chủ doanh nghiệp Cứ 20 bạn trẻ Việt, có 5 mơ làm chủ doanh nghiệp

TTO - Theo kết quả khảo sát do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 16-8, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về tỉ lệ giới trẻ khao khát trở thành doanh nhân, làm chủ doanh nghiệp.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên