01/07/2020 14:48 GMT+7

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn

TRẦN HỒNG NGỌC
TRẦN HỒNG NGỌC

TTO - Khu vực quận 1 hay Chợ Lớn ở quận 5 TP.HCM là nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống. Họ xây dựng nhiều hội quán để làm nơi thờ phụng, khu sinh hoạt chung của cộng đồng.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Đình Minh Hương lưu giữ 25 bức hoành phi, 29 câu đối, tập trung nhiều nhất ở gian võ ca

Đã định cư ở đây nhiều đời, người Hoa vẫn luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa, phong tục tập quá truyền thống của mình, đặc biệt là về tín ngưỡng. 

Minh Hương Gia Thạnh

Vào thế kỷ thứ 17, khi nhà Thanh lên nắm quyền, rất nhiều con cháu cựu thần nhà Minh phải tháo chạy sang đất Đề Ngạn (nay là Chợ Lớn). Họ lập làng Minh Hương, chữ "Minh" tượng trưng cho triều Minh, còn "Hương" nghĩa là làng. Minh Hương là "làng của người Minh", như một cách bày tỏ nỗi lòng của những người xa xứ một lòng kiên trung, hiện có địa chỉ tại số 380 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường", vì vậy nơi này có tên là Minh Hương Gia Thạnh như hiện tại. Đình Minh Hương được xây dựng từ năm 1789 và đây là là ngôi đình đầu tiên của người Hoa ở đất Chợ Lớn.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Minh Hương Gia Thạnh được xây dựng từ năm 1789

Đình Minh Hương được xây dựng theo phong cách kiến trúc Quảng Đông với tường gạch, ngói ống… Trên mái trang trí phù điêu hình tượng lưỡng long tranh châu và các tượng gốm do lò gốm Đồng Hòa - Cây Mai một thời nổi tiếng ở Nam Bộ thực hiện vào năm 1901. Mỗi tượng thể hiện một nhân vật, câu chuyện, như cá chép hóa rồng, ông Nhật bà Nguyệt, Kim Đồng - Ngọc Nữ, các tuồng tích của Trung Quốc...

Khác với các kiến trúc của hội quán ở Chợ Lớn thường gồm tiền điện, trung điện và hậu điện, Minh Hương Gia Thạnh lại phân thành Võ ca - nơi trang trí hoành phi, sắc phong…, Chính điện - nơi thờ tự chính và Tri từ - nơi tiếp khách, thờ tự.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Gian thờ chính ở Minh Hương Gia Thạnh

Điều đặc biệt ở đình Minh Hương là hoành phi rất giá trị Thiện Tục Khả Phong (Phong tục tốt lành đáng được khen ngợi) do vua Tự Đức ban tặng vào năm 1863. Ngoài ra, đình lưu giữ 25 bức hoành phi, 29 câu đối, tập trung nhiều nhất ở gian võ ca. 

Minh Hương Gia Thạnh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1993.

Hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An được xây dựng bởi cộng đồng người Triều Châu từ thế kỷ 19. Người Hoa gốc Triều Châu trước đây sinh sống tại Nghĩa An - Quảng Đông, Trung Quốc. 

Cái tên Nghĩa An cũng bắt nguồn từ đó để tưởng nhớ về nguồn cội xưa kia. Như phần lớn các công trình thờ tự của người Hoa, hội quán Nghĩa An có kiến trúc tổng thể hình chữ nhật với các dãy nhà khép kín vuông góc. Hội quán nay có địa chỉ 678 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Hội quán được trùng tu nhiều lần và lần gần đây nhất là vào năm 2010. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, nét kiến trúc và hiện vật như liễn, câu đối, tranh vẽ, các tác phẩm điêu khắc trong hội quán vẫn được bảo tồn tốt.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Các bức tượng tinh xảo ở hội quán Nghĩa An

Kiến trúc và trang trí ở hội quán thể hiện rõ nét phong cách Triều Châu. Mái được chia làm 3 phần, phần giữa cao hơn 2 bên, sống mái uốn cong nhẹ hơn, đầu hồi tam giác có đắp gờ. Trên đỉnh là tượng sành "lưỡng long tranh châu". 

Phần còn lại gồm tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ. 

Phía trên, trước biển chữ "Nghĩa An hội quán" treo bức nghi môn làm năm 1903 chạm nổi cảnh "Lục Quốc phong tướng". Bên trong hội quá là cột gỗ, khám thờ, bao lam chạm trổ các điển tích, cuộc sống, sinh hoạt đời thường như đốn củi, gánh nước…

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Bức nghi môn làm năm 1903 chạm nổi cảnh Lục Quốc phong tướng ở hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An thờ Quan Công, nên còn có tên khác là Miếu Quan Đế. Chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) trang trí bao lam lưỡng long tranh châu. Tượng Quan Đế ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng - hạc, mai - điểu, mẫu đơn - trĩ, bát tiên giao chiến thủy quái...Ngoài ra hội quán còn thờ bà Thiên Hậu, Văn Xương Đế Quân…

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Hội quán Nghĩa An được xây dựng bởi cộng đồng người Triều Châu từ thế kỷ 19

Năm 1993, Hội quán Nghĩa An được Bộ Văn hóa công nhận miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hội quán Quảng Triệu

Hội quán Quảng Triệu (122 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) còn được gọi là miếu Thiên Hậu, chùa Bà bến Chương Dương (do vị trí hiện nay cùa hội quán ở đường Võ Văn Kiệt trước kia là bến Chương Dương). 

Hội quán từng là nơi hội họp, gặp gỡ, quản lý di dân của cộng đồng người Hoa gốc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đồng thời cũng là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Các tượng mô tả lại điển tích của Trung Quốc ở hội quán Quảng Triêu

Thiên Hậu Thánh Mẫu xưa nay được xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương gia… Trên đường vượt biển "lành ít dữ nhiều", người ta gặp không ít thiên tai sóng gió, nhưng lạ thay mỗi khi gặp phải tai ương trên biển họ thường được một vị nữ thần cứu vớt, đó là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vì vậy, trên chuyến vượt biển đến Việt Nam, gần như người Hoa nào cũng mang theo bài vị của bà để cầu xin phù hộ.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Hội quán Quảng Triệu còn được gọi là miếu Thiên Hậu, chùa Bà bến Chương Dương

Hội quán Quảng Triệu mang phong cách Quảng Đông với các đặc điểm nóc mái thẳng tắp liền nhau, đầu hồi tam giác có đắp chỉ to uốn lượn hình sóng nước, trên đỉnh là hình tượng lưỡng long. Phía dưới có gắn các tiểu tượng, hoa văn được sản xuất từ lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa mô tả lại các điển tích của Trung Quốc. 

Bức phù điêu bên sân hội quán dùng kỹ thuật chạm gạch. Đây là một loại điêu khắc nổi tiếng của Trung Quốc dùng đục và búa gỗ chạm khắc các hình tượng người và cảnh vật trên gạch để trang trí nội ngoại thất lăng miếu.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Trong Hội quán Quảng Triệu có rất nhiều nhang vòng

Lối vào hội quán có treo một phù điêu làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho những chiếc thuyền đã được Thiên Hậu Thánh Mẫu cứu vớt. Chính điện là bàn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu nằm ở vị trí trung tâm, hai bên là bàn thờ Kim Hoa Nương Nương và Long Mẫu Nương Nương, Ngoài ra còn các bàn thờ khác như Thiên Phủ Địa Mẫu, Văn Vương Bắc Đế...

Trong hội quán có rất nhiều nhang vòng treo cao. Ai cũng có thể mua nhang vòng, ghi tâm nguyện của mình lên giấy, đính vào nhang và nhang sẽ được treo lên cao như gửi lời cầu nguyện tới Thiên Hậu.

Hội quán Quảng Triệu đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist (Saigon Tourist Group). Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.

Xem thêm các bài dự thi tại đây.

Khám phá 3 hội quán lâu đời ở Sài Gòn - Ảnh 11.
'Cung đường bún nước lèo miền Tây'

TTO - 5 năm trước, khi đưa nhóm bạn về thăm quê, tôi không hi vọng để lại nhiều ấn tượng với các bạn vốn đến từ nhiều tỉnh thành có những cái tên "khét tiếng" như Vũng Tàu, Đà Lạt… Vậy mà chưa đầy năm, các bạn lại… đòi về!

TRẦN HỒNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên