22/12/2010 10:02 GMT+7

Khai thác đất đá vô tội vạ

HOÀNG KHƯƠNG
HOÀNG KHƯƠNG

TT - Tình trạng khai thác đất, đá vô tội vạ đang ngày càng diễn ra một cách thô bạo, bất chấp pháp luật, mà rầm rộ nhất là Đồng Nai, Củ Chi (TP.HCM)...

egCRBxVW.jpgPhóng to
Một hầm đất khai thác chui ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: H.K.

Ngày 11-12, chúng tôi có mặt tại “khu liên hợp” khai thác hầm đất ở ấp Xóm Trại (xã An Nhơn Tây, Củ Chi). Từ ngoài lộ lớn (đường An Nhơn Tây), tiếng động cơ xe cuốc, xe ben gầm rú làm vang động cả một vùng quê yên tĩnh. Vừa bước ra khỏi con đường đất đỏ ven vườn cao su xanh um, chúng tôi đụng ngay một khu hầm đất khổng lồ với diện tích không dưới 10ha.

Biến đất vườn thành hầm đất

Tại đây chúng tôi thấy ba chiếc xe chuyên dụng đang thò những chiếc gàu múc những khối đất mới tinh, vàng óng. Từng đoàn xe ben hối hả ra vào ăn hàng tấp nập như một đại công trình. Cạnh đó là những hầm đất đã khai thác cạn kiệt và trở thành những hồ nước lớn sâu thăm thẳm.

Tác động lớn đến môi trường

Một chuyên viên môi trường của Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai cho biết ngoài việc làm thất thoát nguồn thu của Nhà nước (thuế tài nguyên, phí cấp phép khai thác, phí bảo vệ môi trường...), việc khai thác trái phép đất, đá tác động lớn đến môi trường và lãnh chịu hậu quả là người dân. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương lại phải đối mặt với những vấn đề về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nhất là đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sử dụng sai mục đích...

Chủ nhân hầm đất này là ông C.. Nghe chúng tôi hỏi mua đất, ông C. cho biết hiện khu hầm này chỉ còn 4 mẫu nhưng cũng lấy gần hết, đồng thời hẹn tuần sau có thể lấy đất bên hầm mới “nhưng phải đặt hàng sớm vì đất bây giờ hiếm lắm”. Hỏi giá bao nhiêu một xe đất, ông C. “hét” 700.000 đồng, bán tại hầm, chưa kể công vận chuyển. Trong một giờ quan sát, chúng tôi nhẩm tính có khoảng 40 xe đất rời khỏi hầm của ông C..

Theo tìm hiểu, để lấy đất bán cho các công trình làm đường, san lấp mặt bằng, nhiều người đã lùng mua đất vườn, đất ruộng để khai thác. Nhiều người ban đầu làm thủ tục xin đào ao nuôi cá nhưng thực tế lấy đất đem bán. Chiều 11-12 chúng tôi gặp ông V., trùm “cò” đất ở Củ Chi, hỏi mua đất san lấp.

Ông V. gợi ý: “Đất hầm bây giờ hiếm lắm. Nếu có nhu cầu lớn thì mua 1-2 mẫu “đánh” hầm lấy đất phục vụ công trình nhà, nếu dư đem bán cũng có lời”. Theo tính toán của ông V., một công trình san lấp cỡ vừa cũng ngốn 5.000 xe đất, tương đương 4 tỉ đồng (kể cả tiền vận chuyển). Trong khi đó một mẫu đất giá trên 2 tỉ đồng, có thể khai thác 5.000-6.000 xe đất.

Thấy chúng tôi tỏ ra xiêu lòng, ông V. giới thiệu 2 mẫu đất ở An Nhơn Tây, giá 2,4 tỉ đồng/mẫu, chất lượng đất “đẹp như tranh”. Chúng tôi đề nghị giúp luôn việc lo giấy phép, ông V. nói lúc này hơi khó nhưng nếu “chịu chi” thì xong hết. Hỏi khai thác lố (quá quy định về chiều sâu, thời gian) được không, ông V. quả quyết: “Lấy nhiều hay ít là do mức độ “quan hệ”. Giấy phép chỉ cho 4m nhưng lấy 8-10m cũng chẳng sao”.

Có mặt tại các hầm đất ở Củ Chi, chúng tôi thấy quy định “hạn chế chiều sâu 4m” dường như không hiệu lực. Tại khu vực các hầm đất ở ấp Xóm Trại (xã An Nhơn Tây), ấp Xóm Bưng (xã Nhuận Đức)... có hầm sâu đến 10m mà chủ hầm vẫn cho xe cuốc tiếp tục khoét lấy đất bán. Nhiều hầm nằm ngay bên đường lộ (đường Bà Thiên, ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức) hoặc sát khu dân cư (xóm Trại, An Nhơn Tây)... Theo ông C., đào sâu sẽ xuất hiện tầng đất sỏi, loại đất này có giá bán cao gấp 1,5 lần đất thịt.

Đào bới khắp nơi

Sáng 8-12, tại tỉnh lộ 767, đoạn từ ngã ba Trị An về huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chúng tôi gặp từng đoàn xe ben chở đất phóng bạt mạng về các công trình san lấp mặt bằng trên địa bàn Đồng Nai. Bám theo đoàn xe ben vừa đổ đất, chúng tôi đến hầm đất của ông T. tại ấp 4, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu. Trước mắt chúng tôi là cả một ngọn đồi rộng không dưới 6ha bị san bằng. Ông T. ra giá một xe đất trắng bán tại hầm là 180.000 đồng, đất đỏ 250.000 đồng (chưa tính tiền vận chuyển).

Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), nạn khai thác đất, đá trái phép diễn ra ồ ạt ở nhiều nơi. Sáng 9-12, chúng tôi vào mỏ đá của ông P.V.C. ở ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3. Đây là mỏ đá lộ thiên nằm trên những quả đồi trồng cây ăn trái xanh um.

Theo tìm hiểu, trước đây ông C. mua lại của người dân địa phương vài hecta đất đồi trồng cây ăn trái. Sau khi sang nhượng, ông C. khai thác đá để bán cho các công trình xây dựng. Khi nghe chúng tôi hỏi về tính pháp lý của mỏ đá này, ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch UBND xã Gia Tân 3, nói “chưa biết” và hứa “sẽ cho kiểm tra”. Ngày 10-12, ông Khoa gọi điện thông báo “đã lập biên bản đình chỉ mỏ đá của ông C.”.

Quản lý lỏng lẻo

Trước việc đất, đá bị khai thác ồ ạt, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo đó, trách nhiệm chính quản lý nhà nước là của các sở, ngành và UBND cấp huyện. Ông Ao Văn Thinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định của tỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Quy định là vậy nhưng các cơ quan quản lý cũng như chính quyền các địa phương ở Đồng Nai luôn tỏ ra bị động trong việc kiểm tra, xử lý. Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Định Quán nhìn nhận: “Hằng năm UBND huyện đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý UBND các xã, thị trấn chưa tích cực, quyết liệt nên tình hình vẫn còn phức tạp”.

Thực tế cho thấy đối với hành vi khai thác trái phép hoặc không đúng quy định cấp xã chỉ xử phạt 500.000 đồng. Các chủ hầm bị phạt nhiều lần nhưng họ vẫn bất chấp vì chỉ cần bán một xe đất là dư tiền đóng phạt.

HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên