25/04/2020 11:51 GMT+7

Khách sạn vẫn 'cửa đóng then cài' dù đã được hoạt động trở lại

TR.TRUNG - H.KHÁ  - N.LINH - M.CHIẾN
TR.TRUNG - H.KHÁ - N.LINH - M.CHIẾN

TTO - Sau gần một tháng tạm ngừng đón khách, từ ngày 23-4 đã được cho phép hoạt động trở lại nhưng hầu hết các khách sạn lớn nhỏ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Huế… vẫn 'cửa đóng then cài'.

Khách sạn vẫn cửa đóng then cài dù đã được hoạt động trở lại - Ảnh 1.

Không khí đìu hiu trên trục đường Võ Nguyên Giáp, nơi tập trung rất nhiều khách sạn ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp và sông Hàn, hầu hết các khách sạn đều chưa mở cửa hoạt động trở lại, một số khách sạn đang thực hiện các hoạt động bảo trì, chỉ một vài khách sạn mở lại nhà hàng khu vực... tiền sảnh. 

Tương tự, tại những khu vực tập trung nhiều khách sạn ở Huế và Nha Trang vẫn vắng vẻ bởi hầu hết các khách sạn vẫn chưa mở cửa trở lại.

Thu không đủ chi bởi vắng khách

Ông Hồ Đắc Tuấn, chủ khách sạn Di Lusso Boutique nằm trên đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - khu vực từng tập trung rất đông du khách, cho biết dù Đà Nẵng đã cho phép hoạt động trở lại nhưng hầu hết chủ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chưa muốn mở cửa do lượng khách du lịch đến địa phương này rất thưa thớt. 

"Nói thật bây giờ mà mở cửa khách sạn chắc chắn sẽ không đón được khách, thu không đủ bù chi bởi chi phí tiền vận hành cho một khách sạn hoạt động là vô cùng lớn" - ông Tuấn nói.

Chị T.L.Q., giám đốc kinh doanh một khách sạn lớn ở quận Sơn Trà, cho biết đã quyết định chưa mở cửa mà chờ thời điểm thích hợp hơn. 

"Khách sạn chúng tôi chuyên đón khách Trung Quốc, Hàn Quốc... Nếu mở cửa vào lúc này sẽ không có một du khách nào đến ở" - chị Q. nói.

Theo ông Hà Thanh Quý, quản lý một khách sạn 3 sao trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), khách quốc tế vắng bóng mà khách nội địa cũng chẳng có vì vừa mới hết lệnh cách ly. 

"Các khách sạn đều cho nhân viên tạm nghỉ việc, tập trung làm các thủ tục chờ hỗ trợ, trợ cấp nên chưa thể mở cửa ngay" - ông Quý cho biết.

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), hầu hết các khách sạn cũng cửa đóng then cài hoặc treo biển "Khách sạn đang tạm thời sửa chữa, hẹn phục vụ quý khách trong thời gian sớm nhất!". 

Ông Lê Văn Sơn - tổng giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang - cho biết Liberty Central Nha Trang là một trong số ít những khách sạn đã mở cửa trong suốt thời gian qua để hỗ trợ lượng du khách nước ngoài ở dài hạn và cá nhà đầu tư dự án tại TP. Nha Trang, nhưng phải xác định khách chính của ngành du lịch hiện nay là khách nội địa. 

Tuy nhiên, sau thông báo dừng giãn cách xã hội, tâm lý khách hàng vẫn chưa muốn đi chơi, phần vì e ngại dịch bệnh, phần thì kinh tế chưa ổn định. 

"Do vậy nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú chọn giải pháp tạm thời đóng cửa chờ thị trường "ấm" lên. Nếu mở cửa ngay lúc này chi phí vận hành khách sạn sẽ rất lớn, ngay cả việc trả lương cho nhân viên là điều hết sức khó khăn, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Hơn nữa, việc tạm đóng cửa sẽ giúp giảm thiểu một số khoản phí như tiền điện, nước, thuế... thay vì mở cửa mà lượng khách chẳng có bao nhiêu", ông Sơn nói.

Khách sạn vẫn cửa đóng then cài dù đã được hoạt động trở lại - Ảnh 2.

Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng “cửa đóng then cài” dù đã được phép hoạt động trở lại - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Kỳ vọng khách nội

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - nói dù đã cho phép mở cửa đón khách trở lại nhưng nhiều khách sạn, nhà nghỉ vẫn tiếp tục đóng cửa giảm gánh nặng chi phí do lượng du khách thưa thớt. 

Tính đến hết tháng 3-2020, Khánh Hòa chỉ đón 47.800 lượt khách du lịch, giảm 90,5% so với cùng kỳ năm 2019, công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh chỉ đạt hơn 9,3%.

"Sở Du lịch Khánh Hòa đã xây dựng xong gói kích cầu du lịch và sẽ triển khai trong thời gian sắp tới, đồng thời phối hợp với các ban ngành có những biện pháp hỗ trợ nhất định với các cơ sở lưu trú cũng như đẩy mạnh truyền thông thúc đẩy du lịch tái cơ cấu thị trường và hướng đến những nguồn khách mới", bà Thanh cho biết.

Theo ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, trong bối cảnh các nước đều đang "đóng cửa biên giới" và VN cũng mới hết cách ly xã hội, số lượng cơ sở lưu trú hơn 1.000 nơi với số lượng buồng phòng khổng lồ của Đà Nẵng sẽ khó mở cửa trong một sớm một chiều. 

Bởi trừ các cơ sở lưu trú nhỏ mang tính chất gia đình, khách sạn phải đạt tối thiểu 45% công suất buồng phòng thì các cơ sở lưu trú mới đủ chi phí trang trải. 

Trong khi đó, đường hàng không đến Đà Nẵng mỗi ngày hiện chỉ có 6 chuyến quốc nội nhưng chủ yếu đi công vụ, khách du lịch hầu như không có.

"Nếu may mắn, trong dịp nghỉ lễ 30-4 này sẽ có vài khách sạn mở cửa chứ trước và sau dịp này thì không hi vọng" - ông Dũng nói. 

thời bày tỏ kỳ vọng thị trường khách du lịch nội địa "ấm" lên sau khi VN kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như các chính sách mà Nhà nước đưa ra liên quan đến các hoạt động văn hóa lễ hội, các điểm vui chơi giải trí. 

"Nhưng chỉ đến khi nào dịch được kiểm soát triệt để và người dân an tâm hơn, Đà Nẵng mới kỳ vọng sẽ thu hút được du khách nội địa" - ông Dũng nói.

Ông Đinh Mạnh Thắng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, cũng cho biết dù các đường bay nội địa đến Huế đã hoạt động trở lại nhưng thực tế có rất ít khách đến lưu trú, vui chơi, du lịch. 

Trong khi đó, các hoạt động du lịch, các khu di tích trên địa bàn vẫn chưa được phép đón khách nên việc mở cửa khách sạn giai đoạn này rất khó khăn. 

"Một số khách sạn trên địa bàn mở cửa nhưng không đón khách. Chúng tôi đang cùng các ngành tìm hướng giải quyết khó khăn cho ngành du lịch giai đoạn này" - ông Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phúc, phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết sở đang xây dựng các giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, trong đó có giải pháp miễn giảm tiền cho thuê mặt bằng đối với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng... nhằm hỗ trợ ngành du lịch sớm hồi phục.

TP.HCM: chỉ 15 khách sạn hoạt động

Ngày 24-4, tại buổi họp bàn giải pháp triển khai hoạt động du lịch an toàn khi dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát, do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc Sở Du lịch TP - đề nghị các doanh nghiệp phải quan tâm việc khống chế số lượng khách, đảm bảo tụ tập không quá 20 người trong những ngày đầu sau thời gian giãn cách xã hội.

Trong khi đó, theo ông Trần Hùng Việt, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, bao giờ có khách là câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này.

"Các khách sạn cần sớm nghiên cứu chương trình kích cầu bắt đầu với chính sách giá tốt. Khách nội địa sẽ là thị trường hồi phục đầu tiên", ông Việt gợi ý.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, tính đến ngày 15-4, trên địa bàn chỉ còn 15 khách sạn hoạt động, nhiều khách sạn 5 sao chỉ còn khoảng 15-20 khách, các hoạt động tổ chức sự kiện không có nên doanh thu đều giảm mạnh. Đặc biệt hơn 145.000 lao động du lịch trực tiếp bị ảnh hưởng.

NHƯ BÌNH

Khách sạn, nhà nghỉ ở TP.HCM đủ điểm số an toàn mới được hoạt động Khách sạn, nhà nghỉ ở TP.HCM đủ điểm số an toàn mới được hoạt động

TTO - Tối 23-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Nếu đủ điểm số an toàn, cơ sở mới được hoạt động.

TR.TRUNG - H.KHÁ - N.LINH - M.CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên