19/03/2022 13:28 GMT+7

'Khách sạn' cây đa của trẻ không nhà

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Từ lâu, trẻ quê dạt về Hà Nội, không nhà hay chọn cây lộc vừng chín gốc và cây đa bên hồ Gươm làm điểm hẹn. Hai "cụ" cổ thụ to gần chục vòng tay người ôm này đã trở thành "khách sạn" của bao mảnh đời trẻ thơ lang thang...

Khách sạn cây đa của trẻ không nhà - Ảnh 1.

Cây lộc vừng chín gốc vẫn là tán cổ thụ được nhiều người thích ngồi hóng mát - Ảnh: TÂM LÊ

Bây giờ Internet phổ biến rồi. Bọn trẻ ngày xưa phải mưu sinh vất vả hơn, trẻ thời nay có điều kiện đỡ hơn nên hay vào các quán net, ít ngủ lại gốc đa.

Luật sư Tạ Ngọc Vân

Bây giờ, ít thấy cảnh trẻ cuộn tròn trong hốc cây như trước vì đã có bảo vệ và được gắn đèn sáng sủa hơn, nhưng nhiều người vẫn chọn mái xanh êm đềm này cho các cuộc gặp gỡ, hàn huyên, đợi chờ…

Cứ đến gốc đa là gặp trẻ

Tôi có thói quen dạo hồ Gươm hay để ý đám trẻ lang thang tụ họp ở gốc cây đa và cây lộc vừng chín gốc. Nhưng mưa rét thế này chỉ có vài đôi trai gái ngồi sát nhau uống trà nóng dưới gốc cây.

Bây giờ có nhiều nơi để hẹn gặp, dù vậy hai tán xanh quen thuộc này vẫn là nơi bọn trẻ hay tụ họp, nhất là vào những đêm hè oi bức. Có lẽ chỉ các bà bán nước trà, mấy chú bảo vệ, bác nhiếp ảnh gia lâu năm quanh hồ thì biết rõ nhất.

Và còn phải kể đến các nhóm bạn trẻ thiện nguyện giúp trẻ đường phố. Họ là những người hiểu về trẻ và những nơi chúng tụ tập hơn cả. 

Anh Tạ Ngọc Vân, một luật sư hay giúp đỡ trẻ đường phố, nhớ thời sinh viên đã tham gia CLB tình nguyện trẻ của Hà Nội nhiều năm. Anh là người trực tiếp đi tìm các địa điểm trẻ hay tụ tập và nơi anh thường ghé chính là cây lộc vừng chín gốc và cây đa bên hồ Gươm này.

Năm 2004, mỗi đêm anh Vân và nhóm thiện nguyện tới gốc đa là… cầm gậy trèo lên cây tìm trẻ. Hồi đó còn chưa có điện sáng như giờ, trèo khoảng được 2m đã đụng trẻ nằm ngang dọc nhánh cây. Còn những nhánh cây cao hơn thì phải dùng gậy khua vào tán lá, trẻ mới lồm cồm bò dậy.

"Có lần tôi đếm trên cây có tới 11 trẻ, chưa tính số nằm dưới gốc. Tôi vẫn nhớ có cậu bé ngủ say quá bị rơi xuống đất gãy mấy cái răng, chúng tôi phải mang đi bệnh viện trồng lại" - anh Vân kể mình phải thuyết phục đám trẻ xuống kẻo nguy hiểm và đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em.

Theo anh Vân, hai gốc cây quen thuộc đến nỗi muốn tìm bạn trẻ nào thì tối ra gốc cây thể nào cũng thấy. Cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, gốc và rễ đan quyện với nhau từ dưới lên trên. 

Dưới đất tạo thành các "hang động" mà trẻ có thể chui vào ngủ một cách ngon lành, kín đáo. Bên trên, các nhánh quấn quýt nhau tạo thành những "cái võng", người nằm trên đấy ban ngày mà người dưới nhìn lên cũng không thấy được.

Nhìn kỹ bên trong gốc cây, chúng tôi vẫn còn thấy vương vãi những túi nilông, vỏ bánh kẹo, vải áo quần rách. 

Đếm có tới 4 - 5 lỗ ở gốc cây có thể làm "giường hang" cho trẻ nhỏ và người lớn được. Bên trên những "chiếc võng" như luật sư Vân mô tả vẫn còn nguyên vẹn. Và chỉ còn ông đồ viết sớ đền Ngọc Sơn vẫn gắn bó mưu sinh dưới gốc đa.

Khách sạn cây đa của trẻ không nhà - Ảnh 3.

Cây đa cổ thụ bên đền bà Kiệu và những cành, rễ như chiếc võng đã là “khách sạn” của trẻ không nhà - Ảnh: TÂM LÊ

Điểm hẹn tâm linh

Mỗi ngày cụ bà Trần Thị An, 92 tuổi, ở phố Lò Sũ, thường đi tản bộ và đi lễ bên hồ Gươm. Trí nhớ vẫn minh mẫn, cụ An kể cây đa và cây lộc vừng chín gốc đã gắn bó với cụ từ thuở bé.

Nó là chốn hẹn hò của bao đôi lứa, là nơi tàu điện leng keng mỗi ngày, người lên xuống tấp nập. "Người Hà Nội khi ấy đẹp lắm, nói năng, đi đứng nhẹ nhàng, đúng cốt cách của người Tràng An. Thanh niên bấy giờ ít nói tục, có cây cổ thụ linh thiêng chứng kiến" - bà An cười nhớ lại.

Thời chiến tranh, hai cây cổ thụ cũng là điểm chia ly từ biệt của các chàng trai, cô gái Hà thành lên đường ra trận. 

"Mà lạ lắm, chiến tranh mưa đạn trút xuống Hà Nội, nhiều cây bị quật đổ mà cây đa và cây lộc vừng chín gốc không làm sao cả. Từ đó người dân thấy hai cây linh thiêng nên đi ngang qua đều tạ lễ. Nhưng chỉ chắp tay lễ bái thành tâm chứ không thắp hương, lập miếu như người thời sau".

Bà An cũng cho biết thời bình người quê lên Hà Nội mưu sinh, gốc cây là nơi họ ghé vào nghỉ trưa, hóng mát. Trẻ con mãi về sau mới xuất hiện nhiều, trẻ không gia đình nằm ngủ ở gốc cây rất thương nhưng cũng phức tạp. Người dân quanh hồ một thời gian ít hẹn nhau ở gốc cây, bây giờ đội bảo vệ nhiều nên vắng người ở gốc cây hơn.

Chứng nhân những mảnh đời

Trước đây, chúng tôi có dịp đi cùng các nhóm tình nguyện hỗ trợ trẻ đường phố thì địa chỉ gốc đa và cây lộc vừng chín gốc ở hồ Gươm luôn được đặc biệt nhắc tới.

Đối với mỗi ca trực đi tìm trẻ, họ luôn phải đi qua điểm hẹn này ít nhất một lần để kiểm tra xem trẻ mới, trẻ cũ có ở đây không. Trẻ mới là những bạn vừa ở quê ra, không có chỗ ngủ thường ngủ ở gốc cây hoặc ghế đá công viên. Nếu nhân viên tình nguyện không tìm được trẻ sớm, không thuyết phục được trẻ đưa về trung tâm thì các em có thể bị kẻ xấu lôi kéo.

Còn trẻ cũ là những bạn đang được các nhân viên thuyết phục về trung tâm hoặc trẻ đã hư hỏng. Những nguy cơ trẻ đường phố gặp phải khi xa nhà, bụng đói, cô đơn, dễ bị lôi kéo vào trộm cắp, ma túy, bị lạm dụng tình dục. 

Ngày chúng tôi tham gia cùng nhân viên tổ chức cứu trợ trẻ em đường phố Rồng Xanh, là khi có thông tin một số trẻ bị những kẻ biến thái người Việt và người nước ngoài xâm hại.

Những đối tượng xấu cũng biết trẻ hẹn nhau ở gốc đa và cây lộc vừng chín gốc ở bờ hồ nên chúng thường xuyên có mặt để dụ dỗ. Nhiều lần nhân viên đã giải cứu trẻ ngay khi những kẻ xấu đang tìm cách tiếp cận, có vụ việc phải theo dõi rất kỳ công, lâu ngày mới giải cứu được trẻ.

Những cậu bé mà chúng tôi gặp mới chỉ 9 - 15 tuổi, quê các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang... Vì gia cảnh nghèo khó hoặc bố mẹ ly hôn, các em đã bỏ nhà ra Hà Nội để hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nơi các em đến đầu tiên là bến xe, ga tàu, quán net. Khi không còn tiền, các trẻ hẹn ra các địa điểm dễ tìm như gốc cây cổ thụ làm "khách sạn" miễn phí qua đêm. Và theo năm tháng, cây đa cổ thụ cùng cây lộc vừng chín gốc đã trở thành chứng nhân của những mảnh đời trẻ thơ khó khăn phải nương tựa vào cội cây.

Tháng 3 này, Hà Nội vẫn rét. Tôi tìm lại hai gốc cổ thụ xưa bên hồ thấy vắng bóng trẻ mà vừa nhớ vừa vui. 

Mong rằng các em đang trong chăn ấm cùng vòng tay yêu thương của mẹ cha. Và hai "cụ" cổ thụ chắc cũng như tôi, vừa nhớ tiếng cười bọn trẻ, mà vừa mong các em không phải chui rúc trong bọng cây hay vắt vẻo trên cành trong đêm đông rét buốt…

Khách sạn cây đa của trẻ không nhà - Ảnh 4.

Một đứa trẻ tìm giấc ngủ trên cành cây cổ thụ - Ảnh: HANS PETER

Cội cây linh thiêng

Theo lịch sử ghi chép về cây cổ thụ ở hồ Gươm, cây đa có từ thế kỷ 17, được người dân trồng thay thế cho hai cây gạo bên đền bà Kiệu. Các cụ thời xưa có lệ trồng cây đa trong sân đình, đền chùa.

Cây đa ở đền bà Kiệu may mắn vẫn phát triển qua bao đời, trở thành cây cổ thụ hiếm có ở Hà Nội.

Còn cây lộc vừng chín gốc có nhiều người tò mò, không biết vì sao lại có 9 cái cây mọc lên cùng nhau. Có người nghĩ cây chỉ có một gốc, còn kia là 9 nhánh cây.

Lại có chuyện lưu truyền rằng có người đánh rơi túi hạt giống lộc vừng ở bên hồ, chỗ đó mọc lên 9 cây. Còn tại sao không phải là 5 cây, 10 cây mà lại 9 thì không ai giải thích được nên cho đó là chuyện tâm linh.

​Cụm cây đa quả vàng ở Hà Giang là cây di sản ​Cụm cây đa quả vàng ở Hà Giang là cây di sản

Đây là quần thể gồm 10 cây đa cổ thụ, trong đó 4 cây to nhất có tuổi đời từ 515-570 năm.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên