12/11/2007 11:43 GMT+7

Kẹt tàu xe trong vùng lũ: hàng trăm người kêu cứu

T.PHÙNG - DOÃN HOÀNG
T.PHÙNG - DOÃN HOÀNG

TTO - Mưa rất to và liên tục ở vùng thượng nguồn nên các sông từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế lên rất nhanh. Trên sông Thu Bồn và Vu Gia, mực nước đã vượt trên mực đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,2 mét.

Ngày 12-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số việc cấp bách chống lũ lụt và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên có trách nhiệm: Tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động mọi lực lượng cần thiết (Quân đội, Công an và các lực lượng khác trên địa bàn) để thực hiện việc cứu hộ dân vùng bị lũ lụt chia cắt, vùng ngập sâu, các vùng cửa sông, ven biển và sạt lở nguy hiểm; chủ động triển khai ngay việc sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; Thực hiện các biện pháp cần thiết để cứu trợ kịp thời, không để người dân nào bị đói, đứt bữa do thiếu lương thực; chỉ đạo, huy động ngành y tế và các đoàn thể, lực lượng để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường vùng bị thiên tai, kiên quyết không được để dịch bệnh lây lan, nhất là bệnh tiêu chảy cấp…

Trường hợp vượt quá khả năng xử lý của địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các cấp (tỉnh, huyện, xã) hạn chế việc đi công tác trong và ngoài nước để tập trung chỉ đạo việc phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ trong thời gian này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, có biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập, phòng chống lũ, sạt lở đất và bảo vệ sản xuất;

Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm đủ cơ số thuốc cần thiết cho các địa phương vùng bị thiên tai; chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở y tế triển khai tích cực công tác phòng, chống dịch, bệnh, không để dịch bệnh lây lan. y ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bố trí lực lượng, phương tiện cùng các địa phương tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp do mưa lũ gây ra.

* Cùng ngày, Ban chỉ đạo PCLB TƯ đã có công điện đề nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo huy động các lực lượng, phương tiện phối hợp với các địa phương tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trên các khu vực cửa sông ven biển của các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Đồng thời Ban chỉ đạo PCLB TƯ cũng có công điện đề nghị TP Đà Nẵng hỗ trợ khẩn cấp 15 tấn mỳ ăn liền và tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ khẩn cấp 15 tấn mỳ ăn liền cho tỉnh Quảng Nam để cứu đói nhân dân vùng ngập lụt.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty dược TƯ III cấp cho Sở Y tế Thừa Thiên Huế 30 cơ sớ thuốc và 300.000 viên CloraminB để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng Ban Kinh doanh vận tải của Tổng công ty đường sắt VN cho biết, mưa lũ ở miền Trung đã khiến nhiều đoạn đường sắt đi qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bị ngập nặng, khiến 8 đoàn tàu Thống Nhất (mỗi đoàn từ 250 đến 500) khách kẹt lại tại các tỉnh này.

Ngoài ra, tàu HS (Sài Gòn- Huế) chạy đến Đà Nẵng cũng phải giải thế vì không thể tiếp tục hành trình. Số toàn tàu bị kẹt nhiều nhất là ở khu vực Văn Xá (Hương Trà- Thừa Thiên- Huế) do nước ngập đến 0,6m. Ngoài ra nhiều điểm sạt lở ở đèo Hải Vân và các điểm nước ngập tràn đường ray đã gây ách tắc việc chạy tàu.

Tại Quảng Nam lúc 20 giờ tối 12-11 cũng có hơn 700 hành khách kêu cứu vì bị kẹt xe giữa dòng nước lũ ở khu vực Giếng Trời (huyện Quế Sơn). Hàng trăm hành khách trên xe hỗn loạn, kêu cứu vì lo sợ lũ cuốn và đói...

Tại khu vực Chu Lai, Núi Thành có khoảng 300 xe các loại bị mắc kẹt trên quốc lộ 1A, tại Duy Xuyên, Điện Bàn có hơn 200 xe cũng bị kẹt lại từ sáng 12-11.

Hiện ngành đường sắt đang chủ trương khắc phục nhanh các điểm sạt lở, nếu trong đêm 12-11 nước rút sẽ tiếp tục chạy lại tàu. Nếu thời gian chờ quá hành trình chạy tàu, ngành đường sắt sẽ phục vụ ăn uống miễn phí cho hành khách.

Theo ông Tuyên, do đã bán vé cho hành khách nên trong tối 12-11 các đoàn tàu ở Hà Nội và TP. HCM vẫn xuất phát. Trường hợp đến các địa phương trên nước chưa rút sẽ tiếp tục chờ hoặc sang tải khách bằng ôtô khi đường bộ không bị ngập lụt. Nếu hành khách trả lại vé, ngành đường sắt hoàn toàn chấp nhận và không thu lệ phí.

Chiều nay, Trung ương quyết định cứu trợ khẩn cấp 30 tấn mì tôm cho Quảng Nam. Tuy nhiên, mọi phương tiện giao thông lúc này bị cắt đứt khiến số hàng này không đến được vùng dân cần cứu đói.

25 người chết và mất tích

Theo thông tin từ Văn phòng đại diện miền Trung của Cục quản lý đê điều và phòng chống bão lụt (Bộ NN&PTNT), đến 18 g chiều 12-11 đã có 25 người chết và mất tích vì mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Trong số 21 người chết Quảng Ngãi có 7 người, Bình Định 7 người, Quảng Nam 3 người, Huế 2 người và Khánh Hoà 2 người. Bốn người mất tích thuộc Quảng Nam (3 người), Quảng Ngãi (1 người).

Các tỉnh đã tập trung di dời tại chỗ 50.000 hộ dân đến nơi an toàn.

Theo ông Phạm Văn Chiến - Phó trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trời tiếp tục mưa lớn nên chiều và tối nay lũ trên hầu hết vùng hạ lưu các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên và ở mức rất cao. Vùng hạ lưu các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi bị ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Nhiều nơi có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở núi.

Huế: Nước dâng nửa Cổng Ngọ Môn

13g chiều nay (12-11), mực nước trên sông Hương tại TP Huế là 4m35, trên báo động III 1m35, trên sông Bồ tại Phú Ốc 4m77, trên báo động III 0m27 và trên sông Ô lâu là 2m33, trên báo động III 0m33.

Cùng thời điểm, vùng đầu nguồn sông Hương phía Nam Đông có mưa lớn, trong 2 giờ đo được khoảng 40mm. Dự báo chiều tối nay, nước sông Hương tại TP Huế có thể đạt đỉnh 4m5, trên báo động III 1m5.

Đường sắt Bắc - Nam các đoạn từ km680, 681, 682 từ ga Văn Xá - Huế nhiều đoạn ngập sâu hơn 30cm làm tê liệt lưu thông hoàn toàn, nhiều chuyến tàu phải tạm ngừng chạy trên các ga Huế, Mỹ Chánh (tỉnh Quảng Trị)...

Lượng mưa đặc biệt lớn ở vùng đàu nguồn sông Hương phía huyện Nam Đông với khoảng 1.000mm làm cho nước lũ vùng hạ lưu dâng cao.

Nước lũ nhấn chìm toàn bộ các khu dân cư ở đồng bằng Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền, có nơi sâu tới 2m. Tất cả các tuyến đường tỉnh lộ về các huyện này bị tê liệt hoàn toàn do chìm sâu trong nước, có nơi hơn 2m.

Tính đến sáng nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời khẩn cấp gần 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 nguời vùng thấp trúng đến nơi an toàn.

6UrsUrBw.jpgPhóng to 9ssiIAZZ.jpg

Người dân đi lại bằng đò

Nước tràn vào và chảy xiết tại các cổng thành. Ảnh chụp tại cửa Chánh Nam (Nhà Đồ)

Nhiều nhất trong đó là tại TP Huế, nước sông dâng cao khiến hầu hết 23/27 phường, xã của TP Huế ngập sâu, có nơi ngập hơn 2m. 2.500 hộ dân đã di dời trong đêm.

S3XtWMvz.jpgPhóng to PNQfeB1o.jpg
Tây Thành Thủy Quan ngày xưa thiết kế cho thuyền đi nhưng đã ngập sâu như thế này Ngọ Môn ngập chìm

Các vùng dân cư của phường thấp trũng Phú Bình, Phú Hậu, Phú Hiệp, Kim Long, Vỹ Dạ... chìm traong nước, có nơi mực nước chấm mái như vùng Cồn Hến (phường Vỹ Dạ), khu tái định cư Kim Long, khu dân cư khu vực 6 phường Phú Hiệp, khu tái định cư Bãi Dâu (Phú Hậu)...

DEAZELDz.jpgPhóng to gSb43xWw.jpg
Quảng trường Ngọ Môn biến thành một biển nước

Nhưng người dân vẫn mưu sinh bằng nghề rớ cá - ảnh chụp ngay trước Hoàng thành Huế

Bốn phường khu vực Thành nội Huế gồm: Tây Lộc, Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa với gần 10 vạn dân bị lũ nhấn chìm toàn bộ, có nơi sâu hơn 2m.

munnPbBA.jpgPhóng to eVAo87N1.jpg
Bủa lưới ngay trên đường Trần Nguyên Hãn - Huế Một gánh bún bò vẫn bán trên đường Đinh Tiên Hoàng dù có bị ngập lụt

"Ốc đảo" Hội An - nỗ lực cứu nạn

0pe9KZ1X.jpgPhóng to
Nước ngập lên tận cột treo bảng tên đường
Từ sáng 12-11, nước lũ thượng nguồn đổ về sông Hoài biến phố cổ Hội An thành một "ốc đảo" chìm trong nước lũ. Các con đường từ Đà Nẵng, các huyện lân cận về Hội An đều ngập nặng, các phương tiện giao thông ưu tiên dành cho lực lượng cứu hộ.

Phóng viên TTO có mặt trụ sở UBND TX Hội An chứng kiến việc chính quyền, người dân liên tục kêu cứu. Chính quyền Hội An đã huy động tổng lực các lực lượng, công thêm trên 200 chiến sĩ biên phòng, quân đội trên địa bàn vào cuộc sơ tán dân và tổ chức cứu hộ. Đến 12g30, vẫn còn hàng nghìn ngôi nhà ngập trong lũ dữ, các hộ dân vẫn chưa được sơ tán.

Tất cả những người còn ở trong nhà đều "chạy" lên... nóc nhà chờ cứu nạn. Hơn 50 tàu đánh cá neo đậu ở biển Cửa Đại bị đứt dây neo trôi ra biển. Gay go nhất là những hộ dân ở những thôn, xóm nhỏ, canô và ghe thuyền không vào được.

Đến 13g, Bí thư Thị ủy Hội An Nguyễn Sự có mặt tại hiện trường đã chỉ đạo các canô kéo theo ghe nhỏ len vào các ngôi nhà để cứu nạn. Ông Nguyễn Sự quyết tâm: bằng bất cứ giá nào cung phải sơ tán được người dân ra khỏi vùng bị cô lập.

DDo9GC7t.jpgPhóng to 9DcK14tF.jpg
Ưu tiên sơ tán trước hết là trẻ em, người già, phụ nữ... Hội An đã huy động hết cano, thuyền nhưng vẫn không đủ để sơ tán dân

Người dân từ các xã Cẩm Kim, Cẩm Hà, Ngọc Thành, Cẩm Nam...di tản bằng thuyền nhà. Ông Đỗ Thành Mít, 74 tuổi, ở khối phố Đồng Hiệp, phường Minh An nói: "Cơn lụt đợt thứ tư này còn lớn hơn cơn lũ lịch sử năm 1999. Có mấy tiếng đồng hồ, nước lũ dâng cao cả chục mét". Không nghĩ là lũ sẽ lớn đến mức ấy, gia đình ông Mít không kịp di dời. Trưa 12-11, nước vụt dâng gần ngập mái nhà. Ca nô của Thiếu uý Lê Đức Tới - Bộ Chỉ huy biên phòng Quảng Nam tăng cường về Hội An kịp thời đến ứng cứu. Gia đình ông Mít với 5 thành viên gồm vợ chồng ông, con dâu và 2 cháu nội đã được đưa về tạm trú tại trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc an toàn.

Đến 14g, người dân tại các khu vực Đồng Hiệp, An Hội, Cẩm Kim, phường Cẩm Nam, khối Ngọc Thành, phường Cẩm Phô và Khối 6 phường Thanh Hà..vẫn trong tình trạng nguy hiểm. Hàng ngàn hộ dân Hội An đã được di dời đến những nơi cao ráo, an toàn. "Những ai còn chưa chịu di dời sẽ bắt buộc cưỡng chế" - ông Nguyễn Sự dứt khoát. Nhiều khu vực ở Hội An bị cắt điện và điện thoại hoàn toàn.

TP Đà Nẵng: ngập nước

Mưa to trong suốt đêm qua và ngày hôm nay khiến cả thành phố Đà Nẵng ngập nước. Hiện mực nước sông hàn tại Cẩm Lệ đã lên 3,2mét, trên mức báo động III 1,5 mét.

Trung tâm Truyền hình VN tại Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm và khu vực Tuyên Sơn - Hòa Cường(quận nội thành Hải Châu) đã ngập trên 0,5 mét. Các tuyến đường Phan Chu Trinh, Trần Phú, Lý Tự Trọng, Đống Đa, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, bờ sông Bạch Đằng ngập từ 0,2 - 0,5m. Giao thông trên các tuyến đường nội thành thường xuyên bị ách tắc do mưa lũ.

OTJXpGZa.jpgPhóng to xtguhEUD.jpg
Hơn 15.000 ngôi nhà ở Hòa Vang ngập chìm trong lũ - Ảnh: Kim Em QL1A đoạn qua Đà Nẵng bị nước chia cắt và cô lập tuyến giao thông vào Quảng Nam - Ảnh: Kim Em

Ông Huỳnh Minh Nhơn - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: đã có 15.000 ngôi nhà ở 11 xã bị ngập, huyện đã huy động 145 phương tiện tham gia cứu hộ di dời 1.300 hộ bị ngập nặng đến nơi cao hơn.

Trao đổi với PV TTO lúc 15g 30, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Ban Thường trực BCHPCLB & TKCN cho biết: 22.000 ngôi nhà ở 15 xã thuộc huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu trong lũ từ 1-2 mét, gần 100.000 nhân khẩu phải di dời. Đã có 2 người chết.

r1rdXfSH.jpgPhóng to dIb4dPRv.jpg
Hàng trăm người dân Đà Nẵng đội mưa chờ tin người thân ở các xã phía Tây huyện Hòa Vang - Ảnh: Kim Em Nhiều tuyến đường lớn trong nội thành Đà Nẵng ngập trong mưa lũ - Ảnh: Kim Em

Sáng 12.11, UBND TP Đà Nẵng đã họp khẩn cấp triển khai công tác sơ tán nhân dân ở các vùng có nguy cơ ngập lụt cao; trong đó chủ yếu thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ); tổ chức đưa người già, trẻ em sơ tán trước. UBND TP chỉ đạo các địa phương cương quyết không cho người ở lại các vùng ngập lụt.

hKxGYewg.jpgPhóng to
Tuyến đường du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc TP Đà Nẵng, đoạn từ ngã ba Phạm Văn Đồng đi các khu du lịch Biển Đông, Bãi Bụt và Bãi Bắc nhiều đoạn đã bị sạt lỡ nặng, một số đoạn kè taluy dương đã bị đất đá với khối lượng lớn vùi lấp hoàn toàn gây ách tắc giao thông - Ảnh: Nguyễn Viết Cang

Quảng Nam: Trắng nước

Rạng sáng nay (12-11), lũ đã lên rất nhanh trên các sông ở Quảng Nam, tất cả các sông Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang đều đã vượt mức báo động III từ 0,9 đến gần 2m. Nhiều làng xóm, khu phố bị khỏa trắng nước chỉ trong vài giờ đồng hồ. Trên quốc lộ 1A sáng nay, hàng ngàn người dân dắt díu nhau đi sơ tán cùng với nhiều vật dụng, gia súc...

Lúc 9 giờ sáng, quốc lộ 1A hoàn toàn bị tắc đường, các khu vực thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), Nam Phước (Duy Xuyên), huyện Quế Sơn, Thăng Bình và đặc biệt tại TP.Tam Kỳ, nhiều xe tải bị chết máy chôn bánh trong làn nước lũ. Toàn bộ các xe buýt tuyến Đà Nẵng - Quảng Nam và ngược lại ngừng hoạt động.

Tại các điểm ngập trên quốc lộ 1A, hàng trăm công chức trên đường vào Tam Kỳ làm việc bị kẹt lại, chưa có dấu hiệu gì cho thấy lũ sẽ rút vào chiều nay.

Tại TP.Tam Kỳ, sáng nay đã có hàng trăm điểm ngập lụt khiến thành phố như một biển nước, các tuyến đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... không thể lưu thông được, có nơi nước lụt sâu hơn 1m.

ZindDIGj.jpgPhóng to

Lũ lên rất nhanh và nguy hiểm rình rập, nhiều người dân vẫn tìm cách đi đò

Tại thị xã Hội An, vào lúc 9g45 sáng nay, gần 30 thuyền đánh bắt của ngư dân các xã Duy Nghĩa, Duy Hải... đang neo đậu tránh lũ bị bứt neo trôi phăng phăng ra Cửa Đại. Anh Trần Văn Khoa - ở gần Cửa Đại cho biết, nhiều ngư dân bị mất thuyền lâm vào cảnh hỗn loạn tột cùng, nếu không được can ngăn có thể đã thí mạng để cứu thuyền...

Chính quyền thị xã Hội An đã kịp tổ chức sơ tán khẩn cấp 3.000 người già và trẻ em tại vùng trọng điểm lũ là Cẩm Kim, Cẩm Châu và Cẩm Nam, đồng thời trưng dụng 32 tàu công suất lớn của ngư dân, 5 ca nô của lực lượng vũ trang cùng 20 xe khách để di dời dân và cứu hộ các di tích.

Đến 12 giờ trưa nay, Quảng Nam có 1 người chết và 2 người mất tích.

UBND tỉnh Quảng Nam đã điều động 400 cán bộ, chiến sĩ cùng 50 phương tiện đến các vùng trọng điểm để sơ tán dân, hơn 3.000 đoàn viên thanh niên tham gia giúp dân phòng chống lũ.

ozIt3MM6.jpgPhóng to
Đêm 11.11 và rạng sáng 12.11 lũ trên các sông Quảng Ngãi vượt khỏi đỉnh cầu giờ lại rút xuống mức báo động II (ảnh chụp lúc 15 giờ chiều ngày 12.11)

Quảng Ngãi: 6 người chết và mất tích

Chiều nay (12-1), nước lũ ở Quảng Ngãi bắt đầu rút mạnh. Các con đường của TP. Quảng Ngãi đã thoát cảnh ngập lụt.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đơn vị, tính đến sáng 12-11, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ.

Tuyến đường quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Bình Sơn, sáng nay nước tràn qua đường gây trở ngại cho hàng trăm xe cộ lưu thông nhưng đến thời điểm này đường đã hết ngập. Nhiều tuyến đường liên huyện ở Quảng Ngãi vẫn còn nước lênh láng, xe cộ vẫn chưa thể lưu thông được.

Quảng Ngãi lại có thêm một người chết do mưa lũ là bà Huỳnh Thị Tòa, 74 tuổi, quê ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Như vậy chỉ trong 2 ngày, riêng Quảng Ngãi đã có thêm 6 người chết, nâng tổng số người chết qua các trận lũ trong tháng 10 và 11 lên 29 người.

Sông Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Bồng nước lũ đều rút xuống ở mức báo động II.

* Trước đó, chỉ mới sáng nay, nước lũ đã phong tỏa nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Ngãi. Toàn TP. Quảng Ngãi đều bị ngập sâu, chịu ngập nặng nhất là xung quanh chợ Quảng Ngãi với mực nước dâng cao trên 0,5m.

7fjMvPpW.jpgPhóng to zfE6EmvK.jpg

Đường Hùng Vưong TP. Quảng Ngãi chìm trong biển nước - Ảnh: Võ Quý Cầu

Bưu điện thành phố bị nước lũ phong tỏa - Ảnh: Võ Quý Cầu

Khoảng 50 nghìn nhà dân bị ngập. Các tuyến đường liên huyện bị chia cắt cô lập hoàn toàn. Tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà, Di Lăng - Ba Tiêu, Nghĩa Hành - Ba Tơ, quốc lộ 24B, Chợ Châu Ổ - Bình Hòa... nhiều đoạn bị sạt lở, chìm ngập và cô lập nghiêm trọng trong lũ.

Thành phố Quảng Ngãi từ khi xây dựng đê bao đến nay chưa hề bị ngập nay lũ phong tỏa ở khu vực ngã tư chính ngập sâu trên 1, 5 mét. Ở xã Thanh An huyện Minh Long có trên 300 hộ dân bị nước lũ phong tỏa.

zXNTuI2H.jpgPhóng to Uq3htmTx.jpg

các phuong tiện thông tin tác nghiệp trong lũ - Ảnh: Võ Quý Cầu

Nhà dân trên đường Quang Trung bị ngập năng Ảnh: Võ Quý Cầu

Hệ thống thông tin liên lạc ở các huyện miền núi vừa tạm khắc phục xong lại bị tê liệt trở lại. Đáng lo ngại nhất là ở bờ đê sông Trà Câu nằm ở xã Phổ Văn và Phổ Minh (huyện Đức Phổ) đã bị lở hơn 50m và có khả năng sẽ lan rộng thêm nữa. Các huyện nằm dưới vùng đồng bằng là Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh nước ngập tràn vào nhà dân buộc dân làng phải chạy lũ ngay trong đêm 11-11.

Bw5oOBh6.jpgPhóng to

Chợ thành phố Quảng Ngãi bị ngập nặng - Ảnh: Võ Quý Cầu .

Trong đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Ngãi lại có thêm 5 nạn nhân bị mưa lũ làm chết và mất tích gồm Phạm Thị Oát (SN 1969, ở huyện Ba Tơ), Nguyễn Thanh Hoàng (SN 1995, ở huyện Bình Sơn), Đinh Văn Bim (SN 1995, ở Sơn Tây), Hồ Thương ở xã Bình Long và một cháu nhỏ mới 1 tuổi.

Theo trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, mực nước đo được lúc 4 giờ sáng nay trên sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc 6.93m, vượt báo động III 1.23m, sông Vệ tại cầu sông Vệ 4.60m, vượt báo động III 0.50m, sông Trà Bồng tại cầu Châu Ổ 4.95m, vượt báo động III 0.85m. Cả ba con sông này lũ vẫn đang tiếp tục dâng lên nhanh do Quảng Ngãi đang có mưa rất to.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai mọi biện pháp phòng chống, giảm thiệt hại về người và của cho dân. Hôm nay, từ sáng sớm nhiều vị lãnh đạo Quảng Ngãi được UBND tỉnh phân công đi về tận các vùng ngập lụt chỉ đạo các địa phương và nhân dân thực hiện tốt việc phòng chống lũ.

7bBWUO4G.jpgPhóng to xU6HtJk8.jpg

Trường nội trú dân tộc tỉnh bị lũ phong tỏa - Ảnh: Võ Quý Cầu

Chợ thành phố Quảng Ngãi dời về trước Trường THPT Trần Quốc Tuấn trên đường Quang Trung - Ảnh: Võ Quý Cầu

Đối với các huyện miền núi bị lũ cô lập chia cắt, tỉnh chỉ đạo trích ngay gạo dự trữ để cứu đói cho dân. Công an, quân đội, du kích canh gác tại các tuyến đường bị ngập không để người qua lại bất cẩn nguy hiểm đến tính mạng.
T.PHÙNG - DOÃN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên