27/09/2020 11:28 GMT+7

Kéo nhau ra tòa vì... gãy nhánh bông trang

LAN NGỌC
LAN NGỌC

TTO - Trong lúc đốn cây bạch đàn, anh K. vô tình để cây ngã đè gãy hai nhánh cây bông trang của nhà hàng xóm là anh Đ. Chuyện chỉ thế nhưng hai bên lại kéo nhau ra tòa.

Kéo nhau ra tòa vì... gãy nhánh bông trang - Ảnh 1.

Những tưởng vụ việc không có gì to tát, thế mà nó lại làm mất đi tình làng nghĩa xóm đã được vun đắp mấy chục năm qua.

Hai nhánh bông trang 7 triệu đồng

Một ngày nắng chói chang giữa tháng 8, anh P.V.Đ. (39 tuổi) và anh V.T.K. (36 tuổi) - cùng ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, là hai người hàng xóm nhà sát vách nhau - phải "giáp" mặt nhau tại TAND TP Cần Thơ. Họ đến tòa dự phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản mà nguyên đơn là anh Đ., còn bị đơn là anh K..

Khoảng một năm trước, dì ruột của anh Đ. là bà P.T.X. có thuê anh K. đốn hai cây bạch đàn với tiền công là 100.000 đồng. Chẳng may trong lúc cưa cây bạch đàn thì vô tình cây ngã xuống làm gãy hai nhánh của cây bông trang trên sân nhà bà X.. Cây bông trang kiểng này là của anh Đ. để nhờ trước sân nhà bà X..

Sau khi cây bông trang gãy nhánh, anh Đ. yêu cầu anh K. phải bồi thường thiệt hại 7 triệu đồng bao gồm tiền mua cây giá 4 triệu, tiền vận chuyển 1 triệu và tiền công chăm sóc, dưỡng cây hơn một năm qua. Tuy nhiên, anh K. cho rằng trong lúc cưa cây, anh có kêu anh Đ. kéo dời cây bông trang đi chỗ khác nhưng anh Đ. không làm. Đây là việc ngoài ý muốn nên chỉ đồng ý bồi thường 1 triệu đồng. Thỏa thuận không thành, anh Đ. đâm đơn kiện.

Xử sơ thẩm vào tháng 5-2020, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Đ., buộc anh K. bồi thường thiệt hại tiền công chăm sóc, dưỡng cây cho anh Đ. số tiền 3 triệu đồng.

Còn đâu tình nghĩa xóm làng

"Cây bông trang này tui đăng lên mạng bán, có người ngã giá mua 7 triệu mà tui chưa bán đó. Giờ bị gãy hai nhánh là coi như mất trắng rồi. Mất nhánh là phá đi tổng thể hình dáng của cây kiểng, rồi bán ai mà mua nữa. Cây kiểng mà, nó đâu giống như mấy cây bình thường đâu", anh Đ. trình bày trước hội đồng xét xử phiên phúc thẩm.

Từ đầu buổi đến khi kết thúc phiên xử, cả hai người dù ngồi chung một băng ghế nhưng không nhìn nhau, cứ như hai người xa lạ, dù họ là hàng xóm "tối lửa tắt đèn" với nhau đã mấy chục năm qua.

Anh K. là mẫu người nhà quê chân chất. Anh mặc chiếc áo sơmi đã sờn cũ, da rám nắng vì dãi dầu sớm hôm. Nhà nghèo, ai thuê gì anh làm nấy, làm bữa nào ăn bữa đó. Được thuê chặt cây bạch đàn với tiền công chỉ 100.000 đồng mà xui xẻo làm gãy nhánh cây bông trang, bị kiện, bị tòa sơ thẩm buộc bồi thường 3 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với anh. Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, anh K. yêu cầu được giảm tiền bồi thường từ 3 triệu còn 1 triệu đồng.

"Tòa xem xét giảm còn 1 triệu đồng đi vì tui không có tiền, vả lại sự việc xảy ra là ngoài ý muốn chứ tui không cố ý để cây bạch đàn ngã đè gãy nhánh bông trang của anh Đ.", anh K. trình bày tại tòa. 

Vừa dứt lời, bên này anh Đ. liền nói lớn: "Thưa tòa, cây kiểng mà gãy nhánh rồi là hư hại luôn chứ bán buôn gì được nữa. Tòa sơ thẩm xử 3 triệu thì cứ trả vậy, chứ thiếu một ngàn đồng tui cũng không lấy".

Một vị hội thẩm nhẹ giọng: "Anh K. cũng đã nhận một phần lỗi và chấp nhận bồi thường. Hoàn cảnh của ảnh khó khăn, không nghề nghiệp, chỉ làm thuê thôi. Mức 3 triệu có thể là tiền làm thuê cả tháng của anh ấy. Thôi thì hai bên thỏa thuận nhường nhau một chút vì tình nghĩa xóm làng, anh K. bồi thường 2 triệu, còn anh Đ. giảm xuống 1 triệu được không?".

Nghe vậy, anh K. thoáng hiện nét đắn đo, suy nghĩ một lúc anh gật đầu đồng ý. Tuy nhiên, anh Đ. vẫn quyết không đồng tình, nhắc đi nhắc lại: "Tòa sơ thẩm xử sao thì để vậy, thiếu một ngàn đồng tui cũng không lấy".

Từ cái ngày cây bông trang bị gãy mất hai nhánh đến nay, hầu như cả anh Đ. và anh K. đã không nói chuyện với nhau bình thường như trước. Nhà cặp vách nhau, khi giáp mặt họ chỉ nhắc đến chuyện bồi thường. Bên này chì chiết đòi, bên kia trách hàng xóm mà truy nhau "sát ván" quá. 

Những người trong xóm nói ngày trước họ luôn là chòm xóm tốt của nhau, có miếng ngon, ly rượu họ vẫn luôn í ới gọi nhau. Vậy mà giờ vì hai nhánh bông trang, xóm giềng trở nên lục đục.

Kết thúc phiên xử phúc thẩm, tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của anh K., buộc anh bồi thường cho nguyên đơn số tiền 2 triệu đồng. Tòa nhận định rằng vụ việc xảy ra giá trị thiệt hại không lớn, anh K. cũng chấp nhận bồi thường, do đó yêu cầu của anh K. là có cơ sở. Rời tòa ra về, ánh nhìn khó chịu của anh Đ. hướng về phía anh K. bởi anh Đ. vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với bản án này.

Tình làng nghĩa xóm đã phai mờ, nó đã "gãy" theo hai nhánh bông trang và có khi phải mất rất lâu để họ hàn gắn lại mối quan hệ "láng giềng gần" ngày trước.

Ra tòa vì làm gãy nhánh cây kiểng, nguyên nhân nghe qua có vẻ rất đơn giản nhưng lại là lý do cho vụ kiện kéo dài hơn một năm qua. Trong đời sống xã hội hiện nay, không ít những câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản nhưng vì không nhường nhịn nhau đã khiến hàng xóm không nhìn mặt nhau.

Đôi khi những ích kỷ cá nhân đã khiến người ta không thể "chín bỏ làm mười", để rồi không nhận ra "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", "bà con xa không bằng láng giềng gần".

Trồng cây gãy đổ sang nhà hàng xóm, phải bồi thường Trồng cây gãy đổ sang nhà hàng xóm, phải bồi thường

TTO - Trong khi chủ cây trồng cho rằng mình trồng cây trước, nhà hàng xóm xây sau, cây tự gãy đổ nên mình không có trách nhiệm gì thì người hàng xóm cương quyết kiện ra tòa đòi bồi thường.

LAN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên