29/06/2019 11:19 GMT+7

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ cuối: Lấy lại niềm tin thi cử bằng cách nào?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Từ gần 2 thập kỷ qua cho tới vụ gian lận chưa từng có năm 2018, hành trình chống gian lận thi chưa bao giờ ngừng nghỉ. Điều đó cho thấy kỳ vọng ngăn chặn gian lận chỉ là mục tiêu lý tưởng còn giải pháp trước mắt còn chưa hiệu quả.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ cuối: Lấy lại niềm tin thi cử bằng cách nào? - Ảnh 1.

Giám thị ở điểm thi THPT Gia Lộc 2, Hải Dương thực hiện việc bốc thăm để nhận phòng thi - Ảnh: VĨNH HÀ

Lấy lại niềm tin thi cử cần một cuộc thay đổi mạnh mẽ đồng loạt chứ không phải những giải pháp đối phó tạm thời như hiện tại.


Vai trò của trường đại học

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, ở các khâu in sao, bảo quản đề thi, bàn giao bài thi, chấm thi, ngoài việc tăng camera giám sát 24/24 giờ, Bộ GD-ĐT giao lại trách nhiệm chấm thi trắc nghiệm cho trường ĐH chủ trì. Trường ĐH cũng cử một lực lượng lớn tham gia kỳ thi với vai trò phối hợp.

Giải pháp sử dụng người của trường ĐH vào kỳ thi phổ thông được triển khai từ năm 2006-2007, khi Bộ GD-ĐT triển khai cuộc vận động "hai không" (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực thi cử). 

Liên tục nhiều năm, người của ĐH tham gia coi thi, làm thanh tra coi thi, thanh tra chấm thi - có nghĩa ĐH tham gia sâu vào kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương. Những năm gần đây, các trường ĐH phối hợp với vai trò thanh tra do Bộ GD-ĐT huy động.

"Trường ĐH phải có trách nhiệm với một kỳ thi phổ thông tại địa phương, có lẽ là điều chỉ có ở VN", lãnh đạo một trường ĐH nói. Vai trò của trường ĐH luôn là một giải pháp chống gian lận. Chỉ có điều vai trò đó điều chỉnh như thế nào, lệ thuộc vào yêu cầu tình thế của mỗi thời kỳ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng "trường ĐH làm nhầm vai, việc tuyển sinh nên trả cho các trường ĐH, còn thi phổ thông là của địa phương, cần tổ chức nhẹ nhàng hơn".

Trường ĐH từ chỗ đóng vai phụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, chuyển sang đóng vai chính trong hai năm đầu tiên tổ chức thi THPT quốc gia. 

Nhưng khi kỳ thi được giao về địa phương do 63 sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH quay lại đóng vai phụ dù kỳ thi sử dụng kết quả cho chính họ.

Điều đáng nói là hầu hết các trường ĐH hiện nay chưa áp dụng được cơ chế đào tạo có đào thải trong quá trình sinh viên học tập mà chủ yếu trông chờ vào ngưỡng chất lượng đầu vào. "Ngưỡng chất lượng" quan trọng đó lại đặt vào kỳ thi do các địa phương chủ động.

Sau vụ gian lận thi năm 2018, cùng thời điểm với việc góp ý cho dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, các chuyên gia tiếp tục mổ xẻ về việc nên hay không giữ kỳ thi "hai trong một". Vì xảy ra gian lận thi cử ở mức độ nghiêm trọng chính là bởi mục tiêu xét tuyển đại học của kỳ thi phổ thông.

Nhưng năm 2019, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi quốc gia sử dụng kết quả cho hai mục đích. Và vị thế của trường ĐH một lần nữa được điều chỉnh ở cả khâu coi thi và chấm thi, đặc biệt được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm. 

Dĩ nhiên là khi vị thế trường ĐH được tăng cường, xã hội yên tâm hơn. Nhưng nó thực sự không phải giải pháp lâu dài khi kỳ thi lấy điểm xét tuyển ĐH vẫn nằm ở địa phương.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ cuối: Lấy lại niềm tin thi cử bằng cách nào? - Ảnh 3.

Dán mẫu túi bài thi đã dán tem để giám thị làm theo ở điểm thi THPT Nguyễn Huệ, Tam Điệp, Ninh Bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: VĨNH HÀ

Nỗ lực bịt kẽ hở

Kỳ thi năm nay là năm thứ 5 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, để xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển đại học. Những giải pháp mạnh mẽ mà Bộ GD-ĐT đưa ra năm nay đều nhằm bịt kẽ hở được bộc lộ ở mùa thi năm trước.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, người "nổi tiếng" trong suốt hành trình xử lý gian lận ở Hà Giang, Sơn La năm trước - cho biết những giải pháp mang tính kỹ thuật được chú trọng và yêu cầu các hội đồng coi thi thực hiện triệt để như bố trí thí sinh tự do ngồi cùng phòng với học sinh lớp 12, tránh tình trạng gian lận có tổ chức của thí sinh tự do. 

Các hội đồng coi thi bốc thăm phân giám thị coi thi. Giám thị bốc thăm chọn phương án phát đề thi.Việc niêm phong, bàn giao đề thi, bài thi được làm nghiêm ngặt với tem dán có phủ băng keo. 

Bài thi trắc nghiệm lần đầu tiên được làm phách điện tử. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được nâng cấp với dữ liệu bài thi được mã hóa. 

Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.

Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết có khoảng 4.000 thanh tra tham gia kỳ thi năm nay. 

Cùng với lực lượng thanh tra cắm chốt, đường dây nóng được thiết lập để phát hiện gian lận. Việc tập huấn cho thanh tra, cán bộ coi thi, chấm thi được triển khai kỹ lưỡng từ thực tiễn của các vụ gian lận năm trước.

Tuy nhiên các giải pháp điều chỉnh này vẫn chỉ mang tính chữa cháy hơn là gây dựng một nền tảng vững chắc dựa trên tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông. Hành trình đổi mới thi cần được nhìn nhận trên một lộ trình dài, bao gồm các giải pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả và chống tiêu cực.

Lấy lại niềm tin thi cử cần một cuộc thay đổi mạnh mẽ đồng loạt chứ không phải những giải pháp đối phó tạm thời như hiện tại.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ cuối: Lấy lại niềm tin thi cử bằng cách nào? - Ảnh 4.

Giám thị ở điểm thi THPT Hoa Lư, Ninh Bình ký nhận đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: VĨNH HÀ

Câu chuyện địa phương

Trong suốt các năm từ 2008 đến 2014 (chưa thi "hai trong một"), nhiều vụ gian lận thi đình đám đã xảy ra tại các địa phương từ Bắc đến Nam.

Các giải pháp chống gian lận trong thời gian này cũng chỉ chạy theo vụ việc đã diễn ra. Mỗi một phát sinh tiêu cực của năm này lại được đối phó bằng một giải pháp của năm sau.

Bốn năm tổ chức kỳ thi "hai trong một" (2015 - 2018) đã cho thấy áp lực vẫn nhiều, tiêu cực chưa đẩy lùi mà tính chất gian lận còn tăng nặng.

Phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT của PGS.TS Nguyễn Phương Nga (ĐHQG Hà Nội) đã đề xuất đưa việc công nhận hoàn thành chương trình THPT về cho các trường phổ thông. Những học sinh muốn dự thi để có kết quả tiếp tục xét tuyển vào các cơ sở đào tạo thì tham gia kỳ thi do các trung tâm khảo thí quốc gia đặt tại các tỉnh, thành.

Đề xuất này cũng nhất quán với quan điểm của một số chuyên gia giáo dục khi "chẩn bệnh" cho thi cử. Vì họ cho rằng Bộ GD-ĐT cần tập trung giải pháp đổi mới đánh giá quá trình để nâng chất lượng giáo dục phổ thông chứ không thể ôm một kỳ thi quốc gia có nhiều mục đích, nhiều áp lực, càng không thể giao về địa phương.

Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu Gian lận thi năm 2018 - Kỳ 1: Từ hoài nghi về 11 thí sinh tốp đầu

TTO - Chưa bao giờ có một vụ gian lận thi phức tạp, bí ẩn, bất ngờ kéo dài từ kỳ thi năm trước đến sát kỳ thi năm nay như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Nhìn lại vụ gian lận này để có bài học sâu sắc cho kỳ thi năm nay và các kỳ thi kế tiếp...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên