06/04/2015 09:31 GMT+7

​Ì ạch mở rộng cửa ngõ phía tây TP.HCM

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Quốc lộ 1 (đoạn từ Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM) đến ranh Long An có mật độ xe rất cao. Nhưng đoạn này lại hẹp, dự án mở rộng đường thì ì ạch nhiều năm qua chưa triển khai.

Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) đường dành cho xe 2 bánh quá hẹp nên nhiều người phải lấn sang làn đường của ôtô - Ảnh: Hữu Khoa

Anh Nguyễn Minh Hoàng (35 tuổi, quê Bến Tre) cho biết thường xuyên đi lại bằng xe máy giữa TP.HCM và Bến Tre. Nhưng đi lại năm lần thì anh Hoàng bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm” ba lần do lỗi lấn làn đường.

“Là giáo viên, ít nhiều tôi cũng hiểu biết luật lệ giao thông nhưng thực tế đoạn quốc lộ 1 qua H.Bình Chánh rất khó để không bị vi phạm lỗi lấn làn. Mặt đường dành cho xe máy tại đây quá chật, xe lại nhiều, nhất là những ngày đầu và cuối tuần. Đó là chưa kể có không ít xe lớn đậu trên làn xe máy tùy tiện, buộc xe máy phải lấn ra làn ôtô ở một số đoạn” - anh Hoàng phân trần.

Bất đắc dĩ... lấn đường

Gần đây, chúng tôi bám theo một nhóm bạn trẻ đi trên quốc lộ 1 hướng từ Long An lên TP.HCM bằng xe máy.

Qua địa phận Long An, mặt đường làn xe hai bánh rất xấu, nhiều ổ gà nên họ hầu như chỉ chạy ở làn xe bốn bánh với tốc độ khoảng 40 km/giờ. Vào đến địa phận H.Bình Chánh, họ mới cho xe chạy sát vào làn xe hai bánh khi thấy cảnh sát giao thông đón ở phía trước.

Đoạn đường này có ba làn đường mỗi bên. Hai làn gần tim đường dành cho xe bốn bánh, làn còn lại dành cho xe hai bánh nhưng có bề ngang chỉ khoảng 3m. Những ngày cuối tuần, người chạy xe máy về quê đông, rất nhiều người phải lấn làn để chạy.

Đặc biệt, đoạn xuống dốc cầu vượt quốc lộ 1 tại nút giao thông Bình Thuận gặp ngay khúc cua khá gắt, hầu hết xe máy đều phải lấn ra làn xe bốn bánh.

Dọc đường có nhiều tiệm bánh mì, thức ăn nhanh, xe đò thường dừng 3-5 phút ngay trên làn xe hai bánh để hành khách mua hàng, buộc người đi xe máy phải lấn ra làn ôtô để chạy.

Một cán bộ Công ty TNHH một thành viên Công trình cầu phà TP.HCM cho rằng việc phân luồng giao thông trên quốc lộ 1 ở đoạn H.Bình Chánh có nhiều điểm bất hợp lý.

Cụ thể, quy định làn xe ở sát dải phân cách dành cho xe tải, làn ở giữa dành cho ôtô con và xe khách dưới 30 chỗ, làn sát nhà dân rộng 2,5m dành cho xe máy là quá chật hẹp.

Cán bộ này đề xuất quy định làn xe ở sát dải phân cách dành cho ôtô nói chung, làn giữa dành cho ôtô, xe máy và làn trong cùng dành cho xe máy.

Như vậy, phần đường dành cho xe máy rộng hơn. Theo vị này, một số tỉnh miền Tây đã tổ chức phân làn như trên, tạo thông thoáng khi xe lưu thông trên đường, người đi xe máy cũng không bị phạt.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Việt - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc cho ôtô chạy chung làn với xe máy là không đảm bảo an toàn, dễ gây tai nạn giao thông. Ông Việt đề xuất nên thu hẹp chiều rộng làn ôtô còn 3m (thay vì hiện nay là 3,75m).

Chiều rộng được thu hẹp nhưng vẫn đảm bảo xe lưu thông tốt do chiều rộng ôtô con là 1,8m và xe tải nặng là 2,45m.

Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, chiều rộng làn ôtô trên quốc lộ là 3,75m, trong khi quốc lộ 1 đoạn qua H.Bình Chánh đã trở thành đường đô thị, nên việc thu hẹp chiều rộng làn ôtô là phù hợp.

Còn chờ dự án

Ông Nguyễn Xuân Vinh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4, đơn vị quản lý đoạn quốc lộ 1 qua H.Bình Chánh) - cho biết đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương về việc tổ chức lại giao thông trên tuyến đường, nhất là đoạn đường từ Tân Kiên đến nút giao thông Bình Thuận.

Giải pháp khả thi nhất vẫn là mở rộng đoạn đường dài 9km từ Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An, nhưng hiện nay mới bắt đầu triển khai việc mở rộng đoạn từ Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (dài 2,5km).

Vì sao dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cách đây vài năm nhưng đến nay chưa thi công? Ông Vinh cho biết dự án do Khu 4 làm chủ đầu tư, còn UBND H.Bình Chánh giải tỏa mặt bằng. Huyện mới làm thủ tục, lập phương án đền bù giải tỏa và vẫn chưa xác định thời gian hoàn thành.

Nhằm đảm bảo đồng bộ, kéo giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía tây TP, Khu 4 cho biết đã kiến nghị cho đầu tư đoạn 2 quốc lộ 1 từ nút giao Bình Thuận đến giáp ranh Long An (đoạn 1 từ Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận).

Theo phương án này, mặt đường sẽ mở rộng từ 25m lên 35m (trong đó có 7m vỉa hè). Tổng mức đầu tư 750 tỉ đồng, trong đó tiền đền bù giải tỏa 460 tỉ đồng. Kiến nghị như vậy nhưng chưa biết khi nào dự án mới được triển khai.

Cảnh báo tắc nghẽn giao thông

Tại buổi góp ý về đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN và Hiệp hội Vận tải ôtô VN tổ chức, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang bày tỏ lo ngại về việc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ tăng phí 50% (dự kiến áp dụng từ ngày 30-6-2015) khiến nhiều xe chuyển sang đi quốc lộ 1 để giảm chi phí, gây thêm ách tắc giao thông trên đoạn TP.HCM - Long An.

Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cũng lo ngại đường cao tốc tăng phí quá cao sẽ có nhiều nhà xe chuyển sang đi quốc lộ 1, áp lực giao thông trên quốc lộ 1 sẽ càng căng thẳng.

 

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên