03/01/2017 17:03 GMT+7

Huyền Chip: Du lịch trước giúp ích cho du học sau

TRUNG NGHĨA thực hiện
TRUNG NGHĨA thực hiện

TTO - Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online đầu năm 2017, Huyền Chip chia sẻ nhiều kinh nghiệm về đời sống du học sinh tại ĐH Stanford (Mỹ) và về tinh thần đi đó đi đây của giới trẻ.

Huyền Chip hiện đang học thạc sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ)
Huyền Chip hiện đang học thạc sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ) - Ảnh: NVCC

Ba năm kể từ khi gây sốt trong giới trẻ bằng 2 cuốn sách Xách ba lô lên và đi, Huyền Chip (tên thật Nguyễn Thị Khánh Huyền, tốt nghiệp THPT chuyên toán - ĐH Quốc gia Hà Nội) “xuất hiện” trở lại với cuốn sách mới Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford

Cô gái trẻ từng là tác giả viết sách truyền cảm hứng du lịch cho nhiều người trẻ và cũng gây tranh luận về chuyện đi đó đây đây hiện đang theo học thạc sĩ ngành trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) tại ĐH Stanford (Mỹ). Vì vậy, cuốn sách Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford không phải là du ký nữa mà là phản ánh đời sống học tập ở một trong những đại học danh giá nhất của Mỹ và thế giới.

Huyền Chip chia sẻ những câu chuyện về những bạn học và những người trẻ đặc biệt mà cô gặp gỡ trong môi trường học đường cũng như hòa nhập đời sống Mỹ trong tâm thế một du học sinh đến từ Việt Nam nhằm phản ánh “cuộc sống trong môi trường đại học của Mỹ thật sự là như thế nào”.

Cuộc trò chuyện đầu năm là những điều chưa kể trong sách của Huyền Chip.

Huyền Chip du ngoạn cùng bạn bè ở Mỹ - Ảnh: NVCC

* Khó khăn thử thách nhất đối với một du học sinh mà bạn gặp phải và cách vượt qua khó khăn đó?

- Hầu hết các bạn du học sinh đi thẳng từ môi trường Việt Nam sang nước ngoài du học nên dễ bị nhớ nhà, gặp khó khăn với cuộc sống tự lập ở một đất nước xa lạ. Tôi thì sống một mình từ hồi cấp III, lại cũng đi đây đi đó một mình khá lâu rồi nên không gặp vấn đề gì với việc sống một mình. 

Nhiều bạn đi du học cũng bị sốc văn hóa, ví dụ ở Việt Nam được cha mẹ dạy là quan hệ trước hôn nhân là không tốt vậy mà sao sang Mỹ chuyện đó lại bình thường. 

Những chuyến đi của tôi đã dạy cho tôi rằng văn hóa mỗi nơi một khác, mình không sống cuộc đời của người khác thì không thể chỉ tay năm ngón phán xét họ. 

Vậy nên, khi sang Mỹ học, tôi ở trong tâm thế khá cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những cách sống khác biệt. 

Nhiều bạn du học sinh cũng gặp vấn đề về ngôn ngữ, còn tôi may mắn từng gặp nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới qua các chuyến đi nên giúp nghe hiểu các giọng phát âm tiếng Anh khác nhau. 

Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy những chuyến đi du lịch của mình đã chuẩn bị nền tảng rất tốt để phục vụ việc đi du học.

Huyền Chip: "Lâu lâu được nằm bãi cỏ buôn chuyện với bạn" - Ảnh: NVCC

* Gần đây bạn trẻ trên mạng tranh luận khá nhiều về chuyện đi du lịch ít tiền hay nhiều tiền. Bạn nghĩ gì về vấn đề này từ kinh nghiệm của chính mình?

- Mỗi cách đi nó có một cái hay của nó. Bây giờ, tài chính của tôi ổn định hơn nên việc đi dễ hơn rất nhiều, không còn quá lo lắng chuyện xin visa, mua vé, đặt phòng, ăn uống, ngủ nghỉ. 

Tuy nhiên, việc đi dễ dàng và rất vui nhưng nó không còn mang tính thử thách như ngày trước, như kiểu ăn một món ăn mình yêu thích mà tự nhiên mất đi một gia vị. 

Nên thỉnh thoảng tôi vẫn thử đi nhờ xe, vẫn xin ở nhờ nhà những người trong cộng đồng du lịch thế giới như trước, nhưng có những trải nghiệm khác hơn. 

Giá trị của một chuyến du hành là ở khám phá và trải nghiệm... - Ảnh: NVCC

 

* Giá trị của một chuyến du hành dành cho bạn trẻ là nằm ở đâu, theo Huyền?

- Khám phá và trải nghiệm. Đi để kiểm định những cái mình biết: những điều mình nghe, đọc, nghĩ trước đây có đúng không. 

Tôi nhận ra là những cái mình tưởng là đúng nhưng thực ra là... sai quá trời. Đi để học hỏi thêm những cái mình chưa biết: có những cái phải mắt thấy tai nghe mới thấm được. 

Đi để đặt câu hỏi và tìm câu trả lời: tại sao nơi này làm được thế này mà quê hương mình chưa làm được... 

Đi để tâm hồn cởi mở, sẵn sàng để đón nhận những cái mới: qua những người đến từ những nền văn hóa rất khác nhau, mình được tiếp cận những luồng tư tưởng và cách suy nghĩ mới. 

Đi để đặt mình vào những môi trường, hoàn cảnh khác sau để xem mình phù hợp nhất với môi trường nào và khám phá tiềm năng của mình. Nhiều lắm!

* Bạn trẻ Việt ngày nay đi du lịch khá nhiều, và có vẻ nhiều bạn thích "check-in", khoe hình Facebook hơn là tìm kiếm sự trải nghiệm hoặc học hỏi từ chuyến du hành…

- Đó là sự lựa chọn bình thường của họ thôi. Bản thân tôi thì dạo này thậm chí không còn dùng Facebook nữa. Có khi vài tháng tôi mới post lên Facebook một lần thôi vì thấy mạng xã hội gây mất thời gian mà mình còn nhiều việc phải làm. 

* Khi ra thế giới du ngoạn hay du học, bạn gặp được rất nhiều người tài giỏi hơn mình và cả những người tốt bụng nữa (như trong sách mới của Huyền viết). Bạn có cảm thấy tự ti?

- Có tự ti chứ, nhưng tôi nghĩ tự ti cũng là một cái tốt. Nó giúp mình, như người Mỹ nói là “chân chạm đất” đó, chứ không cứ ảo tưởng sức mạnh bản thân mà như bay bay trên trời. 

Tôi quan sát học hỏi từ cách ứng xử của họ để bản thân mình tiến bộ. Nhưng tôi cũng thôi không so sánh bản thân mình với người khác, vì biết so sánh là không thể. Mình chỉ có thể so sánh bản thân mình với bản thân mình ngày hôm qua thôi. 

Nếu bạn thấy mỗi ngày bản thân mình tốt hơn ngày hôm qua là vui rồi.

TRUNG NGHĨA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên