10/03/2021 08:08 GMT+7

Huế chống COVID-19 'quá dữ', khách tới vùng hết dịch vẫn bị kiểm tra

NHẬT LINH - LAN ANH
NHẬT LINH - LAN ANH

TTO - Nhiều người, đặc biệt là những người đến từ Hà Nội, TP.HCM... cho biết họ gặp khó khăn, bỏ lỡ công việc do tình hình kiểm soát dịch COVID-19 ở Thừa Thiên Huế vẫn rất gắt gao.

Huế chống COVID-19 quá dữ, khách tới vùng hết dịch vẫn bị kiểm tra - Ảnh 1.

Lực lượng phòng dịch lấy mẫu xét nghiệm PCR COVID-19 cho sinh viên ngoại tỉnh về Huế nhập học trở lại sau Tết Nguyên đán - ẢNH: H.PHÚC

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc phòng ngừa dịch COVID-19. Hiện nay ở một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng làm khó người dân trong việc đi lại...

Ở vùng không còn dịch vẫn bị kiểm tra

Anh N. cùng nhóm đồng nghiệp công tác tại một công ty xây dựng có trụ sở ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đến Huế để công tác. 

Sau khi đáp chuyến bay xuống sân bay Phú Bài (Huế), anh N. cùng nhóm đồng nghiệp được yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra gắt gao. Sau khi hoàn thành các bước kiểm tra, nhóm anh N. được đưa về khách sạn, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19. 

Sau khi có kết quả âm tính, nhóm của anh N. mới có thể tự do đi lại trong khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Chúng tôi vào Huế và có cuộc hẹn làm việc tại công trường vào chiều ngày hôm đó. Tuy nhiên đến 12h đêm mới có kết quả xét nghiệm nên buổi làm việc với đối tác chúng tôi phải tạm hoãn, dời đến ngày hôm sau" - anh N. cho biết.

Theo anh N., việc tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm soát gắt gao những người về từ TP.HCM, Hà Nội, những vùng có dịch là tốt. Tuy nhiên với những người đến từ nơi không có ca lây nhiễm cộng đồng như anh N., việc kiểm tra quá gắt gao như vậy lại "vô lý, mất thời gian".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sắp tới tỉnh này sẽ hạ cấp chống dịch xuống, phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn ra.

Ông Thọ thông tin rằng Sở Y tế Thừa Thiên Huế hằng ngày luôn cập nhật những điểm có dịch bệnh, buộc phải kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm trên ứng dụng Hue-S để người dân được biết.

Với những vùng có dịch đã qua 28 ngày không có ca nhiễm mới theo thông báo của Bộ Y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dần gỡ bỏ, hạ cấp kiểm soát dịch theo quy định.

"Tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường các biện pháp phòng dịch trên địa bàn cũng vì mục tiêu chung là kiểm soát dịch bệnh, an toàn của người dân lên hàng đầu. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hạ cấp phòng dịch xuống để phù hợp với tình hình hiện tại. Đồng thời vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh để có thông báo kịp thời" - ông Thọ nói.

Không gây khó cho nhu cầu đi lại, giao thương

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình huống tại Huế, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế), cho biết tại Hà Nội, bệnh nhân gần nhất phát hiện được hôm 16-2, nhưng bệnh nhân đã được cách ly từ trước đó, theo quy định thì sau 14 ngày kể từ khi bệnh nhân được cách ly là phải gỡ phong tỏa tại những địa điểm liên quan đến bệnh nhân.

Như vậy ngay tại Hà Nội hiện không còn khu vực nào bị phong tỏa và hiện không có ổ dịch. Việc người từ Hà Nội đến Huế bị cản trở đi lại khi tại Hà Nội không có ổ dịch là không phù hợp và không đúng quy định. Việc Huế đưa đoàn khách Hà Nội đi xét nghiệm, theo tôi là thẩm quyền của Huế, nhưng thực tế là không cần thiết do hiện nay ở Hà Nội không có ổ dịch nào.

Hiện một số địa phương có quy định riêng về xét nghiệm, có nơi xét nghiệm người từ địa phương khác đến qua đường hàng không, nhưng chỉ xét nghiệm ngẫu nhiên; có nơi quy định riêng đối với người từ các khu vực từng có dịch trong đợt dịch này.

"Tuy nhiên phải xem xét kỹ về "khu vực có dịch", vì tại Hà Nội khi có bệnh nhân chỉ phong tỏa quy mô nhỏ là tòa nhà hay chỉ phong tỏa 1 tầng, nếu các địa phương có quy định riêng đối với 1 phường/1 quận tính là khu vực có dịch là sai, đặc biệt hiện nay Hà Nội không còn khu vực nào đang phong tỏa" - ông Phu cho biết.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ngày 9-3 đã tiếp tục tiêm ngừa vắcxin phòng COVID-19 tại Hà Nội và Gia Lai cho gần 100 nhân viên y tế, cho đến nay chưa phát hiện bất thường nào đáng kể. Trong 377 người được tiêm ngừa ngày 8-3 có một số người có sốt rất nhẹ và đã hết sốt ngay sáng 9-3, tất cả đều đi làm bình thường sau tiêm.

Mỗi địa phương có chính sách phòng, chống dịch khác nhau

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết với hành khách đi máy bay hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và đề nghị của các địa phương.

Theo đó, hành khách được kiểm soát thân nhiệt tại các sân bay, trước khi lên máy bay; phải đeo khẩu trang tại sân bay và trong suốt chuyến bay; thực hiện khai báo y tế.

Đối với hành khách làm thủ tục chuyến bay trực tuyến hoặc làm thủ tục bằng kiốt chưa thực hiện khai báo y tế điện tử, bộ phận an ninh soi chiếu tại các sân bay từ chối việc soi chiếu an ninh và hướng dẫn hành khách liên hệ với nhân viên phục vụ mặt đất để hoàn thành việc khai báo y tế theo quy định, đảm bảo 100% hành khách khai báo y tế điện tử qua điểm kiểm tra soi chiếu an ninh tại các sân bay.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi địa phương có chính sách phòng, chống dịch với khách đến sân bay theo quy định của từng địa phương. Như Đà Nẵng có chốt kiểm tra khai báo y tế tại sân bay để kiểm tra, sàng lọc hành khách nhưng có địa phương không thực hiện.

TUẤN PHÙNG

Dịch bao vây hai phía, Huế phòng chống COVID-19 ra sao? Dịch bao vây hai phía, Huế phòng chống COVID-19 ra sao?

TTO - Dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát suốt hơn một tháng qua ở Đà Nẵng, Quảng Nam và tiếp đó là Quảng Trị. Thừa Thiên Huế nằm giữa hai vùng dịch nhưng không xuất hiện ca dương tính nào trong cộng đồng. Vì sao?

NHẬT LINH - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên