13/08/2020 11:30 GMT+7

Hong Kong khó vì nhãn 'made in China'

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Theo thông báo mới nhất của Cơ quan Đăng kiểm liên bang Mỹ, hàng hóa sản xuất tại Hong Kong xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải đăng ký nguồn gốc từ Trung Quốc, tức 'made in China'. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25-9.

Hong Kong khó vì nhãn made in China - Ảnh 1.

Người dân Hong Kong đeo khẩu trang do dịch bệnh vẫn lây lan hôm 11-8 - Ảnh: Reuters

Mỹ đã xác định "Hong Kong không còn đủ tính tự trị để nhận được cách đối xử khác biệt so với Trung Quốc". Các mặt hàng vi phạm quy định mới sẽ chịu mức thuế trừng phạt 10% khi cập cảng vào Mỹ.

Hong Kong dọa kiện lên WTO

Chính quyền Hong Kong chiều 11-8 tuyên bố đang xem xét đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cáo buộc Mỹ gieo rắc "sự nhầm lẫn và gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả chính Mỹ".

Một số chuyên gia nhận định tác động thật sự của những quy định mới đối với hoạt động thương mại và kinh tế Hong Kong sẽ chỉ ở mức giới hạn. Hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ nơi này tới Mỹ thực tế rất ít. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác vẫn lo ngại những tác động của quy định mới đối với Hong Kong.

Hiệp hội Các nhà sản xuất Trung Quốc tại Hong Kong (CMA) cho rằng động thái mới của Mỹ có thể gây ra khoản chi phát sinh và bất tiện cho các nhà xuất khẩu của Hong Kong, điển hình như chi phí thay đổi bao bì và các loại chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. 

"Một loạt các trừng phạt đối với Hong Kong từ Mỹ là vô lý và đã phớt lờ nguyên tắc cơ bản của thương mại và kinh tế quốc tế", trích tuyên bố của CMA.

Ngoài ra, các nhà phân tích lo ngại việc Mỹ ngày càng có nhiều biện pháp giới hạn về thương mại đối với Hong Kong trong những tuần gần đây. Cụ thể, việc kiểm soát xuất khẩu sẽ ngăn cản các nhà nhập khẩu của Mỹ tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ. 

Điều này có thể giới hạn hoạt động nghiên cứu của các trường đại học, ngay cả đối với các công nghệ trong lĩnh vực tiêu dùng, theo báo South China Morning Post.

Nhà đầu tư lo lắng

Khi Mỹ cảnh báo áp quy định xuất khẩu mới đối với Hong Kong, giới đầu tư tại đây lo lắng về tình hình sắp tới của trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. 

"Bất cứ nhà đầu tư nào cân nhắc mua tài sản ở thành phố này, dù là cổ phiếu hay bất động sản, đều sẽ muốn có mức ưu đãi cao hơn trong bối cảnh bất ổn chính trị", ông Kenny Wen, chiến lược gia quản lý tài sản của Everbright Sun Hung Kai, nói với Hãng tin Reuters.

Các diễn biến gần đây từ Luật an ninh quốc gia mới cho đến một loạt trừng phạt áp lên giới quan chức Hong Kong, bao gồm cả Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), đang trở thành tín hiệu cho các hệ quả xấu đối với nhiều doanh nghiệp và ngành nghề tại đây.

Dựa trên quy định nội địa, cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng của Hong Kong vẫn tuyên bố các nhà băng địa phương không có nghĩa vụ tuân theo trừng phạt các quan chức Hong Kong của Mỹ. 

Dù vậy, nhiều tổ chức tài chính lo lắng họ sẽ bị mắc kẹt giữa cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc, vì có nguy cơ chọc giận một bên nếu xuôi theo bên còn lại.

Ông Cliff Zhao, trưởng phòng chiến lược của CCB International Securities, ngược lại cho rằng các nhà đầu tư không có lý do để hoảng sợ. 

"Đối với nhiều nhà đầu tư ngoại muốn dự phần vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng cầu nối Hong Kong", ông nhấn mạnh.

Trùm truyền thông Jimmy Lai được tại ngoại

Tối 11-8, ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai cùng hai con trai đã được cho tại ngoại sau khi nộp 500.000 đôla Hong Kong bảo lãnh. Agnes Chow (Châu Đình), một trong những lãnh đạo của phong trào Demosisto, cũng được tại ngoại.

Ba cha con ông Lai và Châu Đình cùng 7 người bị bắt hôm 10-8, với cáo buộc vi phạm Luật an ninh quốc gia.

Sáng qua 12-8, ông Jimmy Lai đã đi làm trở lại trong sự chào đón của nhân viên báo Apple Daily. Ông nói rất xúc động trước sự ủng hộ của mọi người và tuyên bố "cuộc chiến vẫn tiếp tục".

Nhật báo Apple Daily do ông làm chủ đã in 550.000 bản ngày hôm sau ngày ông bị bắt trong khi thường nhật chỉ in 60.000, cổ phiếu của Next Digital - công ty chủ của Apple Daily - cũng tăng vọt.

Mỹ buộc hàng nhập khẩu từ Hong Kong dán nhãn ‘Made in China’ Mỹ buộc hàng nhập khẩu từ Hong Kong dán nhãn ‘Made in China’

TTO - Mỹ sẽ buộc hàng hóa nhập khẩu từ Hong Kong phải dán nhãn ‘Made in China’ (Sản xuất tại Trung Quốc) sau ngày 25-9 năm nay, theo dự thảo thông cáo mới của chính phủ Mỹ vừa công bố.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên