02/08/2018 15:25 GMT+7

Hơn 200 di tích, 0 tuyến du lịch

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng nhưng lại chưa tạo ra nổi một tuyến du lịch để khai thác giá trị các di tích ấy. Chưa kể, thực trạng di tích ở đây đang đối mặt với nhiều nỗi lo...

Hơn 200 di tích, 0 tuyến du lịch - Ảnh 1.

Đền Văn Thánh - một trong nhiều di tích tại Quảng Ngãi xuống cấp, không được trùng tu - Ảnh: T.M.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng: Không chỉ yếu trong quản lý, kiểm định, sửa chữa tôn tạo, mà hầu hết các di tích chưa phát huy hiệu quả, chưa xây dựng tuyến du lịch gắn với di tích lịch sử, nguồn thu từ khai thác du lịch ở các di tích không đáng kể. Sở VH-TT&DL cần xem lại vấn đề này.

"Di tích lịch sử muốn thu hút du khách tạo nguồn thu thì đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng, tạo ra được một di tích có sức hút mới tăng lên được. Hiện các di tích dù có giá trị cao nhưng độ hấp dẫn chưa đủ. Trách nhiệm dĩ nhiên thuộc về ngành văn hóa" - ông Nguyễn Minh Trí, giám đốc Sở VH-TT&DL, thừa nhận.

Nhưng khoan nói đến sự hấp dẫn, một thực trạng buồn về di tích ở Quảng Ngãi cần phải chỉ ra là: quản lý yếu kém, các tổ chức, cá nhân xâm phạm di tích, nhiều di tích không được đầu tư tôn tạo có nguy cơ thành phế tích.

Hàng loạt di tích xuống cấp

Hàng loạt di tích văn hóa, lịch sử ở tỉnh Quảng Ngãi đang xuống cấp, hư hỏng và bị xâm hại nghiêm trọng. Điển hình là một phần khuôn viên di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Diệu Giác; di tích nhà lao Quảng Ngãi; di tích thành cổ Châu Sa… bị lấn chiếm, chiếm dụng để buôn bán, xây dựng trái phép... Đây đều là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Không chỉ vậy, 12 di tích được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định bảo vệ nhưng hiện bị xâm phạm nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi và phát huy giá trị như: di tích Chiến thắng Trà Nô; di tích Chiến thắng Giá Vựt; di tích vụ thảm sát Thanh Sơn; địa đạo núi Chà Phun; địa đạo Lộ Bàn; di tích thành Bàn Cờ; 

Thắng cảnh chùa Bà Chú; di tích tháp An Tập; di tích chùa Tịnh Nghiêm Ni Viện; thắng cảnh La Hà Thạch Trận; di tích căn cứ Hòn Ngang, suối Huy Măng. 

Tương tự, đền Văn Thánh (huyện Mộ Đức) không được tôn tạo nằm giữa ruộng đồng chẳng khác nào ốc đảo và mỗi ngày lại xuống cấp.

Không quản lý chặt, nhiều di tích có ý nghĩa quốc tế cũng bị xâm phạm như vùng trầm tích núi lửa Gành Yến (huyện Bình Sơn), đây là một phần quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu. 

Tỉnh Quảng Ngãi từng có văn bản yêu cầu không tác động di sản. Thế nhưng một đơn vị tư nhân lấy mẫu đá ở Gành Yến mà dùng cả xe cẩu xúc đá, khi hỏi thì doanh nghiệp này đưa giấy tờ do Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cấp.

Phát huy di sản, bằng cách nào?

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi (TP Quảng Ngãi) vấp phải sự phản ứng từ dư luận, bởi chẳng phát huy giá trị gì ngoài giao đất cho doanh nghiệp làm quán cà phê.

Theo tìm hiểu, năm 2015 tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương xã hội hóa Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và giao lại cho Sở VH-TT&DL nghiên cứu doanh nghiệp đầu tư để phát huy giá trị văn hóa, thu hút du khách. Công ty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương xin xã hội hóa. 

Sau đó làm văn bản xin lập khu nhà rường làm trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm các hoạt động triển lãm di sản văn hóa, hiện vật trong khu vực thuộc khuôn viên bảo tàng. 

Tuy vậy, thực tế cho đến nay khu nhà rường là quán cà phê Nhà Cổ. Theo ông Ngô Văn Trọng - giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Ngãi, khu nhà rường này được xây dựng trước khi có chủ trương đầu tư và không có dịch vụ kinh doanh. Vì vậy sở đã đề nghị UBND tỉnh chấm dứt hoạt động kinh doanh cà phê tại đây.

Tiếp đó, tháng 9-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định cắt 4.933m2 đất thuộc khuôn viên bảo tàng cho Công ty Đoàn Ánh Dương thuê với thời hạn 49 năm để xây dựng trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1). 

Ngay sau đó, một quán cà phê có kiến trúc hiện đại mọc lên. Điều này khiến dư luận hoài nghi về mục đích đầu tư các công trình của chủ đầu tư dự án.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng xã hội hóa là tốt nhưng xã hội hóa cái gì, xã hội hóa ở đâu? Không thể nói thu hút khách du lịch là giao đất cho doanh nghiệp mở quán cà phê, tụ điểm vui chơi, quan điểm đó là không đúng. Thu hút là người dân đến đó có lợi về tìm hiểu văn hóa lịch sử.

Khuôn viên khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (huyện Mộ Đức) cũng từng được “xã hội hóa” lén lút khi một cá nhân đã xin mở tổ hợp quán cà phê, bàn bida, khu vui chơi trẻ em và sân bóng ngay trong khuôn viên khu lưu niệm.

Người dân khu vực phản ứng vì cho rằng đây là nơi tôn nghiêm, không phải để vui chơi giải trí mà xây dựng những công trình này.

Sau đó, các cơ quan báo chí phát hiện, viết bài phản ánh, Sở VH-TT&DL đã làm việc và yêu cầu tháo dỡ.

Đìu hiu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản Đìu hiu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản

TTO - Ở Ba Tri, Bến Tre có hai khu di tích xếp hạng quốc gia là khu di tích Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản, nơi thờ hai danh nhân tiêu biểu cho đạo học Nam Bộ, nhưng cả hai đều vắng vẻ, sơ sài, thiếu nội dung học thuật.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên