17/12/2020 09:13 GMT+7

Hơn 1,1 triệu người rời ĐBSCL: Lo ngại nhưng không hoảng sợ

TS TRẦN HỮU HIỆP
TS TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020, do VCCI và Trường Chính sách công và quản lý Fulbright công bố, cho thấy một thực trạng đáng lo ngại.

Trong một thập niên qua đã có hơn 1,1 triệu người ĐBSCL, cao hơn số dân của một vài tỉnh, đã di cư khỏi vùng này đi tìm sinh kế mới.

Nếu nhìn lại lịch sử phát triển đồng bằng, vùng đất được mệnh danh "đất lành, chim đậu, vựa lúa quốc gia, chén cơm châu Á" này luôn tiếp nhận dòng người đến lập nghiệp nhiều hơn là sự ra đi. Nhưng xét trên bình diện chung thì di dân tự do trước các tác động tiêu cực không phải đến bây giờ mới xảy ra và không chỉ xảy ra ở vùng ĐBSCL. Sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là một sự tất yếu.

Vì vậy, thực trạng này cần được nhìn nhận trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Cũng phải thừa nhận mặt tích cực của sự dịch chuyển lao động nông thôn ra thành thị. Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động tập trung, khan hiếm ở các đô thị, nó còn giúp nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch vụ nông thôn.

Tuy nhiên, việc di cư tự do, tự phát cũng làm nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư và tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, lối sống không lành mạnh...

Không phải đến khi có báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 mới ngộ ra tình trạng xuất cư cao của người đồng bằng, mà các nghiên cứu những năm qua đã chỉ ra, đặc biệt là kết quả tổng điều tra dân số, nhà ở toàn quốc năm 2019 đã cảnh báo thực trạng này. 

Không thể thờ ơ, phó mặc nhưng cũng không nên hoảng sợ trước tình hình thực tế. Nên xem đây là một chỉ dấu quan trọng để rà soát chính sách và thực thi chính sách hơn là can thiệp thô bạo bằng các biện pháp hành chính để chặn dòng di cư vốn theo lẽ tự nhiên "nước chảy về chỗ trũng" hay "đất lành chim đậu".

Thực trạng di cư cùng các hệ lụy tiêu cực cảnh báo và thực sự đã cho thấy sự tụt hậu rõ ràng về hạ tầng giao thông, mặt bằng dân trí, điểm nghẽn phát triển vùng đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ. Không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể, phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn.

Vì vậy, rất cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.

Mô hình phát triển ĐBSCL lấy con người làm trung tâm, chú trọng chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và ngày càng cực đoan. Mô hình đó đòi hỏi bước chuyển căn bản về chất nguồn nhân lực ĐBSCL, trở thành động lực cơ bản và xuyên suốt trong phát triển vùng.

'1,3 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long di cư là vấn đề rất buồn'

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ trăn trở trước thực trạng của ĐBSCL, trong đó có số liệu về di cư mà ông cho rằng “là vấn đề rất buồn”.

TS TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên