04/08/2021 14:47 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hiệu quả bảo vệ đến đâu?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Không có vắc xin ngừa COVID-19 nào đạt hiệu quả 100%, vẫn có tỉ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm vắc xin có thể mắc bệnh. Tuy nhiên nếu mắc thì các triệu chứng thường nhẹ, ít chuyển nặng, giảm các biến chứng và tử vong.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hiệu quả bảo vệ đến đâu? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân sinh sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Vào tháng 6 vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phát hiện một nhân viên phòng công nghệ thông tin dương tính COVID-19 qua sàng lọc khai báo y tế khi có triệu chứng nghi ngờ.

Hai ngày sau, kết quả xét nghiệm tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện thì phát hiện thêm 53 trường hợp dương tính COVID-19. Hầu hết các trường hợp này hoàn toàn không có triệu chứng và đều đã được tiêm vắc xin COVID-19 đủ 2 liều.

Trao đổi Tuổi Trẻ Online ngày 4-8, bác sĩ Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kiêm giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (TP.HCM) - cho hay trong thời gian cách ly, những trường hợp này đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Hiện tất cả đã xuất viện, đi làm trở lại. Trong đó, trường hợp đầu tiên được xuất viện sau 2 tuần cách ly tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (theo quy định điều trị, cách ly trước đây).

Theo bác sĩ Hùng, không có vắc xin nào đạt hiệu quả tuyệt đối nhưng là biện pháp bảo vệ hữu hiệu để phòng bệnh, đặc biệt nếu có mắc COVID-19 thì bệnh ít trở nặng hơn.

Hiện TP.HCM đang tiêm vắc xin tại cộng đồng, bác sĩ Hùng cho rằng trước mắt chưa thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng hạn chế được bệnh chuyển nặng, giảm gánh nặng cho ngành y tế và sau đó dần đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tương tự, PGS.TS Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiểm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.

Tuy nhiên không có vắc xin nào có hiệu lực 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỉ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp chủ động quan trọng nhất. Tuy nhiên, người tiêm vắc xin COVID-19 cần ý thức về tầm quan trọng về việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, trong đó có 5K.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ra sao? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin COVID-19 ra sao?

TTO - Bộ Y tế khuyến cáo người dân tự theo dõi tại nhà sau khi tiêm vắc xin trong 28 ngày, đặc biệt chú ý 7 ngày đầu tiên.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên