21/07/2021 14:20 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Ra đường lấy lương thực từ quê gửi lên bị phạt, đúng hay sai?

MINH HÒA - ÁI NHÂN
MINH HÒA - ÁI NHÂN

TTO - TP.HCM đang áp dụng chỉ thị 16 hạn chế người dân ra đường. Người dân không thể thiếu lương thực khi ở nhà thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi ra đường nhận ‘tiếp tế’ từ quê gửi lên bị phạt, đúng hay sai?

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Ra đường lấy lương thực từ quê gửi lên bị phạt, đúng hay sai? - Ảnh 1.

Tin nhắn của nhà xe Phương Trang gửi cho anh Phúc chứng minh rằng anh đi lấy lương thực từ quê gửi lên - Ảnh: Anh Phúc cung cấp

Anh Tạ Minh Phúc - 30 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang, tạm trú Q.12, TP.HCM - cho biết anh từ Q.12 đi quốc lộ 13 để đến nhà xe Phương Trang trên đường Lê Hồng Phong (Q.5) lấy lương thực từ quê gửi lên.

Trước khi đến chỗ nhận, anh Phúc đi qua 3 chốt kiểm dịch trong nội thành TP.HCM. Những chiến sĩ tại chốt yêu cầu anh Phúc xuất trình giấy tờ khi ra đường, anh trình bày đang trên đường đến chỗ lấy lương thực từ quê gửi lên nên không có giấy xác nhận.

"Tôi không có giấy xác nhận nhưng khi tôi đưa tin nhắn nhà xe Phương Trang nhắn cho tôi đến nhận hàng thì các anh công an ở chốt đều đồng ý và cho đi" - anh Phúc nhớ lại.

Tuy nhiên, khi anh Phúc đang đi trên đường Võ Thị Sáu (Q.3) thì bị CSGT Đội Bàn Cờ thuộc Phòng PC08 dừng xe kiểm tra. Anh Phúc đã xuất trình đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái xe cho CSGT.

"CSGT hỏi tôi ra đường giờ này làm gì, tôi nói đi lấy lương thực từ quê gửi lên và chuẩn bị lấy tin nhắn của Phương Trang nhắn cho tôi để các anh xem nhưng các anh không chịu. Mấy ảnh nói không cần thiết, không có xem. CSGT nói lý do như vậy ai cũng ra đường hết sao được" - anh kể.

Theo anh Phúc, CSGT hỏi anh có shipper sao không đặt mà phải ra đường: "Tôi nói Phương Trang nhắn là phải chính chủ có mang theo giấy CMND với số điện thoại trùng trên thùng hàng mới cho nhận. Từ xưa giờ Phương Trang bắt vậy nên tôi phải tự đi lấy và phải ra đường".

Sau đó, CSGT lập biên bản anh Phúc với hành vi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế" và tạm giữ bằng lái xe.

Anh Phúc ghi vào phần ý kiến của người vi phạm: "Tôi ra Phương Trang 249B Lê Hồng Phong, P.4, Q.5, TP.HCM để nhận thực phẩm tiếp tế dưới quê Kiên Giang gửi lên".

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Ra đường lấy lương thực từ quê gửi lên bị phạt, đúng hay sai? - Ảnh 2.

Lương thực anh Phúc nhận được từ quê gửi lên - Ảnh: Anh Phúc cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Nguyễn Hữu Tài, đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ, cho biết hiện tại rất khó để xác định chính xác trường hợp nào ra đường đúng, trường hợp nào sai. Rất khó để giải thích, phải đi sâu vào từng tình huống cụ thể mới biết được.

"Chỉ thị 16 không có từng chi tiết cụ thể cho mình áp dụng. Cho nên không thể nói đi lấy lương thực cần thiết hay không cần thiết. Lương thực tất nhiên là cần thiết rồi, quá cần thiết. Nhưng quan trọng cách ra đường làm sao. Cũng có thể đặt giao hàng hay sao đó, còn tùy vào từng trường hợp. Nếu bắt buộc đích thân người đó ra nhận thì sẽ xem xét" - ông Tài nói.

Theo  trung tá Tài, trong quá trình xử lý phải linh hoạt, hỏi cho rõ, xem xét cụ thể từng trường hợp mới có cách giải quyết thấu đáo. Lúc ở ngoài đường phải chứng minh được ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết, không thì về đơn vị chứng minh tiếp.

Nếu lập biên bản rồi thì có thể hôm sau lên đơn vị chứng minh được giấy tờ, thông tin bắt buộc người dân phải đến nhận lương thực thì có thể xem xét lại, xử lý linh động.

Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Huy Việt, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… là rất cần thiết đối với mỗi người dân ở TP.HCM trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên không phải đồ dùng nào cũng là thiết yếu, trường hợp nào ra đường cũng là cần thiết.

Ví dụ: đi lấy một bộ đồ đặt may, đôi giày tập thể dục, chở con gửi nhà nội, ngoại… là không thiết yếu, không chính đáng.

Trong hoàn cảnh chống dịch bệnh lây lan căng thẳng và nguy hiểm thì mỗi người dân cần chấp hành nghiêm chỉ thị 16, hạn chế tối đa việc ra đường. Nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nào có thể đặt qua mạng thì nên sử dụng.

Tự mỗi người phải đánh giá, cân nhắc sự cần thiết phải ra đường so với nguy cơ dịch bệnh cho bản thân và gia đình, không lơ là, lạm dụng việc ra đường rồi tranh cãi, đối phó với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát, chống dịch.

Đối với lực lượng kiểm soát, tuần tra cần rà soát chặt chẽ trường hợp ra đường không chính đáng, đối phó, "chày cối"… để bảo đảm mục tiêu chống dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần xem xét linh động đối với các trường hợp ra đường cần thiết như với trường hợp anh Phúc. Bởi lẽ quy định của chỉ thị 16 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của TP không thể bao quát được hết các trường hợp thực tiễn, nên cần vận dụng pháp luật hợp lý, hợp tình của lực lượng thi hành.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.

Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai? Đi ra ATM rút tiền mua đồ ăn bị phạt 1 triệu, đúng hay sai?

TTO - Chỉ thị 16 tại TP.HCM yêu cầu người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thuốc men, cấp cứu… Vậy người dân có được đi ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn?

MINH HÒA - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên