01/08/2021 14:31 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Người trên 65 tuổi, có bệnh nền cần chuẩn bị gì khi tiêm chủng?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Hiện nay nhiều bệnh viện trong TP.HCM đang tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mãn tính. Những người này cần lưu ý gì trước khi tiêm chủng?

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Người trên 65 tuổi, có bệnh nền cần chuẩn bị gì khi tiêm chủng? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin Moderna cho người dân trên 65 tuổi tại Viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM chiều 28-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bác sĩ Đỗ Anh, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trả lời:

Người lớn tuổi trước khi đi tiêm ngừa cần ăn uống đầy đủ chất, tránh nhịn đói trước khi đi tiêm vì dễ bị hạ đường huyết.

Khi người nhà đưa người mắc bệnh mãn tính, lớn tuổi đi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cần mang theo giấy tờ như CMND, thẻ BHYT để bệnh viện đối chiếu trước khi tiêm ngừa.

Ngoài ra, người nhà cần mang theo toa thuốc ngoại trú hoặc những loại thuốc đang uống để bác sĩ có thể xem và xử trí chính xác các tình huống có thể xảy ra khi chích ngừa.

Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp thì nên uống thuốc hạ huyết áp đầy đủ theo toa như thường lệ, nhằm đảm bảo huyết áp ổn định để có thể tiêm chích được.

Nhiều người bệnh lo sợ trước lúc tiêm bị tăng huyết áp nên đã tự ý tăng liều hoặc uống thêm thuốc hạ áp mà không biết rằng như vậy có thể gây tụt huyết áp bất thường, có hại cho sức khỏe.

Một số bệnh nhân có tiền căn bệnh lý mạch vành, có đặt stent, đang uống thuốc chống kết tập tiểu cầu liều kép hoặc aspirin đơn thuần thì vẫn tiếp tục uống các thuốc này.

Đừng quá lo lắng nguy cơ xuất huyết vì thủ thuật tiêm chích vắc xin có nguy cơ xuất huyết chỗ chích rất thấp, nhưng nếu ngừng thuốc chống kết tập tiểu cầu thì có thể gây nguy cơ huyết khối trong stent, nguy hiểm cho tính mạng.

Bệnh nhân đã thay van tim hoặc mắc các bệnh lý khác phải dùng thuốc kháng đông đường uống thì cần thận trọng, hãy liên hệ với bác sĩ của mình để được tư vấn chi tiết.

Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu và có thể phải tạm ngừng thuốc kháng đông một vài ngày trước chích. Khi đi chích ngừa, bệnh nhân cần thông báo về thuốc đang uống này cho nhân viên y tế để thực hiện thủ thuật tiêm chích sao cho an toàn nhất.

Một số người không mắc bệnh lý tăng huyết áp, tuy nhiên khi đến chích ngừa, vì tâm trạng lo lắng, hồi hộp làm huyết áp tăng vọt tạm thời... Khi đó, nhân viên y tế sẽ trấn an, cho nghỉ ngơi tạm để huyết áp nhanh chóng trở về bình thường và tiến hành chích ngừa như thông thường.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong bệnh viện: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong bệnh viện: 'Món quà đặc biệt'

TTO - Một số bệnh viện đa khoa trong TP.HCM đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người bệnh trên 65 tuổi, mắc bệnh mãn tính. Đây là những đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin trong đợt 5 này.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên