15/08/2021 10:14 GMT+7

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Có nên mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở dự trữ cho gia đình?

L.ANH - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN
L.ANH - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN

TTO - Nhiều người lo xa trước diễn biến của dịch COVID-19 nên đã tìm mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở về nhà để sử dụng khi cần. Như vậy có đúng không?

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Có nên mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở dự trữ cho gia đình? - Ảnh 1.

Máy thở oxy dùng trong bệnh viện

3 lý do không nên tự mua máy tạo oxy

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho hay không nên mua máy tạo oxy dự trữ cho gia đình vì một số lý do:

- Bệnh nhân COVID-19 nếu có chuyển nặng thì cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, không thể để bệnh nhân ở nhà vì khi đó tình huống bệnh đã chuyển nặng.

- Nếu người chưa có nhu cầu nhưng đã mua để tích trữ sẽ gây tình trạng khan hiếm, khi bệnh viện và người có nhu cầu cần thì sẽ khó khăn.

- Nhu cầu oxy khi điều trị bệnh nhân COVID-19 đã biến chứng khó thở cần nhiều oxy, thiết bị tạo oxy chỉ có thể sử dụng cho trường hợp nhẹ, vì chỉ có thể tạo dưới 10 lít oxy/phút, trong khi thiết bị HFNC (oxy dòng cao) đang sử dụng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 biến chứng tạo được tới 60 lít/phút.

Dùng không đúng coi chừng nguy hiểm tính mạng

Không chỉ máy tạo oxy, bình oxy và máy thở cũng là những sản phẩm đang được đông đảo người dân tìm mua đem về nhà sử dụng. TS.BS Bùi Đại Lịch, khoa hô hấp, nội tổng quát Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết việc sử dụng máy thở và oxy hiện nay phải có chỉ định của bác sĩ, phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. 

Theo đó, việc thiết lập, vận hành và sử dụng hệ thống máy thở có yêu cầu cao, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị, cần có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo đúng chuyên môn.

Đồng thời, quá trình sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.

Theo bác sĩ Lịch, sử dụng các máy thở không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế có thể dẫn đến tử vong. "Khi người dân sử dụng sai sẽ dẫn đến tình trạng chống máy thở, sẽ có tác dụng ngược, oxy sẽ không vào các phế nang của phổi khiến bệnh nhân thiếu oxy, càng khó thở thêm.

Đối với bình oxy, khi mở van oxy nếu quá tay sẽ khiến bệnh nhân tràn khí màng phổi, rơi vào thế nguy kịch. Ngoài ra, nếu không cấp ẩm cho bình oxy có thể dẫn đến bệnh nhân mất nước. Hơn nữa, nếu không cất trữ cẩn thận oxy rất dễ bắt lửa dẫn đến cháy nổ", bác sĩ Lịch cảnh báo.

Trước đó, Bộ Y tế cũng có khuyến cáo người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc COVID-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Có nên mua máy tạo oxy, bình oxy và máy thở dự trữ cho gia đình? - Ảnh 2.

Người dân mua bình oxy tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Duy Dương, Q.10, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tương tự, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cũng cảnh báo nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở.

Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.

Hơn nữa, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy. 

Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần thứ 4 có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập...

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Hướng dẫn viên du lịch đã nhận trợ cấp thất nghiệp, có được hỗ trợ? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Hướng dẫn viên du lịch đã nhận trợ cấp thất nghiệp, có được hỗ trợ?

TTO - 'Hướng dẫn viên du lịch được hưởng trợ cấp thất nghiệp do có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì có được hưởng chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên theo nghị quyết 68 và quyết định 23?' là một trong nhiều câu hỏi phổ biến...

L.ANH - ĐỨC THIỆN - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên