15/10/2023 08:36 GMT+7

Học sinh trường công cũng giỏi tranh biện

Vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã trôi qua một tuần nhưng nhiều người vẫn bàn tán về hai lần tranh biện của nam sinh Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).

Bốn thí sinh tham dự trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh: HÀ QUÂN

Bốn thí sinh tham dự trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia - Ảnh: HÀ QUÂN

Trong phần gay cấn nhất của cuộc thi - được sóng quốc gia truyền hình trực tiếp với cả triệu khán giả theo dõi, Trọng Thành đã rất tự tin và lễ phép trình bày quan điểm ngược lại với ban tổ chức.

Ở câu hỏi về hóa học và văn học, không đồng ý với kết luận của MC nên Thành đã giơ tay tranh biện tại chỗ.

Ở phần tranh biện đầu tiên của Trọng Thành, khi ban cố vấn cuộc thi còn chưa kết luận đúng - sai, một giáo viên trung học trên địa bàn quận 3 (TP.HCM) cùng xem với các đồng nghiệp đã vỗ tay liên tục: "Hoan hô tinh thần tranh biện từ thí sinh. Học sinh trường công lập đấy nhé!". Một cảm xúc cũng... lạ!

Chả là lâu nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng học sinh Việt Nam nhút nhát, thường sợ mình nói sai, thường không tự tin nên ngại tranh biện. Nhất là học sinh trường phổ thông công lập.

Cách dạy học theo kiểu hàn lâm, truyền thụ một chiều khiến cho nhiều học sinh học tập một cách thụ động, thầy nói sao thì trò nghe vậy. Thậm chí biết thầy nói sai các em cũng không dám cãi.

Cách đây vài năm, khi bàn về giáo dục, có chuyên gia còn đưa ra lời khuyên rằng muốn con tự tin, hoạt bát, giỏi tranh biện thì phụ huynh phải cho con học trường quốc tế...

Lời khuyên này có thể phiến diện, vì không hẳn trường công nào cũng thế, nhưng là điều đáng phải suy ngẫm. Nhưng với tinh thần tranh biện của nam sinh Trọng Thành, nhiều nhà giáo đã nhận định đây chính là một tín hiệu tích cực của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Từ việc đổi mới này, nhà trường phổ thông đã chuyển đổi việc dạy học theo lối truyền thụ kiến thức sang dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tín hiệu này chắc chắn sẽ trở thành xu hướng và đó là điều tích cực.

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh không nhằm mục đích xem các em đã tiếp thu được bao nhiêu kiến thức.

Thay vào đó, học sinh được hướng dẫn cách học theo hướng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Những học sinh được đào tạo theo cách này thường không sợ mình nói sai. Các em đã được rèn luyện nên thoải mái đưa ra lý lẽ, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Dĩ nhiên cho đến thời điểm này, tinh thần đổi mới vẫn chưa thể thực hiện đồng bộ, triệt để tại tất cả các trường phổ thông, đối với tất cả tiết dạy của giáo viên trên toàn quốc.

Tùy vào điều kiện, năng lực đội ngũ của mỗi nhà trường, việc đổi mới đã và đang được triển khai ở nhiều mức độ khác nhau. Điều này đồng nghĩa với hiệu quả giáo dục học sinh cũng sẽ khác nhau.

Tuy vậy từ tinh thần tranh biện của nam sinh người Hải Phòng, người ta có quyền tin tưởng và hy vọng trường công lập của Việt Nam có thể dạy kỹ năng mềm không thua gì trường quốc tế; học sinh Việt Nam sẽ năng động, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề không thua gì học sinh nước ngoài...

Chúng ta cũng hy vọng, bên cạnh ngành giáo dục, phụ huynh, người thân, trong từng gia đình cũng tạo cho các em một môi trường để biết vận dụng kiến thức, những gì đã học... để tự tin hình thành quan điểm, lối sống của mình.

Còn nhiều việc phải làm nhưng chúng ta có thể tin tưởng và hy vọng tranh biện sớm là một kỹ năng của tất cả con em chúng ta.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia: Đáng khen ngợi tinh thần tranh biện của thí sinhChung kết Đường lên đỉnh Olympia: Đáng khen ngợi tinh thần tranh biện của thí sinh

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23 đã kết thúc. Cả 4 thí sinh đều rất thông minh, sắc sảo. Đặc biệt đáng khen ngợi là các bạn đã mạnh dạn tranh biện tại chỗ. Sẽ tuyệt vời hơn nếu không để lại vài hạt sạn tiếng Việt từ câu hỏi và các cố vấn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên