23/04/2021 06:17 GMT+7

Học sinh lớp 9 luyện thi 'ca đặc biệt' từ... tờ mờ 5h30 sáng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - "Ca đặc biệt dành cho những học sinh thân quen với cô giáo và một số cháu nhà gần nhà cô và gần trường. Lớp khoảng 14-15 cháu, nhưng vì giờ học quá sớm nên rụng dần còn 6-7 cháu. Để kịp vào học, cháu phải dậy từ 5h...

Học sinh lớp 9 luyện thi ca đặc biệt từ... tờ mờ 5h30 sáng - Ảnh 1.

Một lớp luyện thi môn toán lớp 10 tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TPHCM (18g45 ngày 22-4) - Ảnh: N.HÙNG

Một ngày luyện thi 4 ca, ca đầu tiên bắt đầu từ 5h30 sáng. Học sinh lớp 9 ở Hà Nội và TP.HCM đang quay cuồng chuẩn bị cho cuộc 'vượt vũ môn': kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022.

Còn không đến 2 tháng nữa tới kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là thời điểm căng thẳng nhất của học sinh lớp 9 ở 2 thành phố lớn nhất nước này.

Ca luyện thi đặc biệt: 5h30 - 7h

Năm nay là năm thứ 2 Hà Nội quay lại với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có 4 môn thi. Trong đợt ôn thi tăng tốc có những ngày nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội phải chia đều thời gian cho 4 ca học: ngoài các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ, khoảng 1 tháng trở lại đây học sinh phải ôn thi thêm môn lịch sử.

Chị Hà, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết đang cho con tham gia lớp ôn lịch sử của một tiến sĩ ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

"Lớp mở đầu tháng 4, ban đầu chỉ có hơn chục cháu nhưng bây giờ đã hơn 30 cháu. Phụ huynh lo lắng vì dù là "môn thứ 4" đề có thể nới lỏng nhưng vì dễ sẽ dễ chung, nếu không cố đạt điểm 9, 10 thì tổng điểm có thể sẽ tụt. Mà tổng điểm thi 4 môn thì hơn kém nhau 0,25 điểm cũng sẽ quyết định" - chị Hà giải thích.

Chị Hường, một phụ huynh khác có con học Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng cho biết trong tuần con học gần như kín các buổi tối để ôn tập văn, toán, tiếng Anh, chỉ còn ngày chủ nhật để nghỉ nhưng vì lo "môn thứ 4" nên lại cho con đi học. Các ca học thêm thường từ 18h đến 21h, chỉ ngày nghỉ thì học vào buổi sáng hoặc chiều.

Chị Hường tiết lộ chị đang cho con theo một ca ôn toán vào giờ rất đặc biệt là từ 5h30 đến 7h, trước giờ học sinh đến trường. Đây là lớp của một giáo viên có uy tín, trước đây cũng dạy buổi tối nhưng do khó sắp xếp ca quá nên chuyển một ca sang buổi sáng sớm.

"Ca đặc biệt dành cho những học sinh thân quen với cô giáo và một số cháu nhà gần nhà cô và gần trường. Tôi cũng xót con, định cho cháu nghỉ ca này, nhưng cháu lại nói có thể theo được. Lớp học khoảng 14-15 cháu, nhưng vì giờ học quá sớm nên rụng dần còn 6-7 cháu. Để kịp vào học, cháu phải dậy từ 5h, sau đó đi xe đạp đến nhà cô cách đó vài kilômet".

Học sinh lớp 9 luyện thi ca đặc biệt từ... tờ mờ 5h30 sáng - Ảnh 2.

Phụ huynh trò chuyện giết thời gian trong lúc chờ con đi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TPHCM (19h, ngày 22-4) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phí luyện thi lên tới 20 triệu

Sức nóng của kỳ ôn thi cấp tốc vào lớp 10 khiến nhiều học sinh không có thời gian di chuyển. Một số kíp ôn tập (đủ 4 môn) đã tổ chức thuê địa điểm để cho học sinh nghỉ và ăn nhẹ giữa các ca học ngay tại chỗ.

Để tạo điều kiện cho học sinh, người phụ trách đã đặt suất ăn theo đăng ký của học sinh. Nhiều học sinh từ trường về thẳng chỗ học thêm, hoặc từ lớp học thêm đến trường. Vì thế để tiết kiệm thời gian, phụ huynh đăng ký cho con ăn và nghỉ trưa tại lớp học thêm như thế này. Ngoài học phí, phụ huynh chỉ phải trả tiền suất ăn và chi phí nhỏ cho phục vụ bán trú.

Theo phụ huynh có con tham gia các lớp luyện thi cấp tốc thì kinh phí tính 1 lần cho 2 tháng ôn thi ở một "lò luyện" có thể lên tới gần 20 triệu đồng/học sinh, chưa kể việc tham gia các lớp ôn tập do trường tổ chức tại trường (cũng có thu học phí).

Cụ thể, một trung tâm luyện thi ở quận Ba Đình, Hà Nội thông báo công khai học phí. Trong đó, môn văn chi phí ôn luyện trong 2 tháng của 1 học sinh là trên 10 triệu đồng (học 3 buổi/tuần, có kèm theo tài liệu ôn tập), môn lịch sử trên 5 triệu đồng/2 buổi/tuần.

Trung tâm này tính mỗi buổi bằng 2 ca học, thời gian là 3 tiếng, chi phí trung bình cho 1 buổi học từ 350.000 - 500.000 đồng/học sinh tùy theo môn.

TP.HCM: muốn được luyện thi phải kiểm tra đầu vào

nh-luyen thi1 1(read-only)

Học sinh học thêm đang chờ tới giờ lên lớp học sau giờ học chính khóa tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TPHCM (chiều 22-4) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại TP.HCM, rất nhiều lớp luyện thi cấp tốc vào lớp 10 (dạy ở nhà riêng của giáo viên hoặc trung tâm) đã được khai giảng từ ngày 15-4.

Chị Mai, phụ huynh ở quận 3, cho biết: "Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi đã thông báo sau khi kiểm tra học kỳ 2, nhà trường có mở lớp ôn thi vào lớp 10 dành cho học sinh lớp 9, thời gian học từ 3 - 4 tuần. Tuy nhiên, tôi thấy như vậy vẫn chưa đủ.

Tôi vừa ghi danh cho con học luyện thi môn toán và ngữ văn tại nhà của 2 giáo viên nổi tiếng "mát tay" của thành phố. Cứ ghi danh vậy thôi chứ chưa biết cháu có được thầy nhận vào học hay không. Tất cả học sinh đều phải làm bài kiểm tra đầu vào theo đề thầy biên soạn, các cháu phải đạt từ 8 điểm trở lên mới được nhận vào học".

Hùng Anh, học sinh lớp 9 ở quận Tân Bình, cho biết em đã đi học thêm môn toán ngay từ đầu năm lớp 9: "Tuy nhiên, gần đây em xin đi học luyện thi cả môn văn và tiếng Anh vì thấy các bạn trong lớp đều học luyện thi cả 3 môn, trong khi mình chỉ luyện 1 môn, sợ sẽ "lép vế" trước các bạn".

Vì lý do trên lịch học của Hùng Anh dày đặc từ sáng đến tối, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

"Thường ngày em học 3 ca: sáng - chiều học chính khóa ở trường THCS, tối đi học thêm 1 môn nào đó. Nhưng thời gian gần đây, có ngày em phải học đến 4 ca vì buổi tối phải học thêm 2 môn: từ 17h30 - 19h học toán và ngay sau đó là tiếng Anh, từ 19h30 - 21h", Hùng Anh bộc bạch.

Nói về hệ lụy của luyện thi cấp tốc, thầy Nguyễn Đức Tấn - giáo viên chuyên luyện thi môn toán vào lớp 10 ở TP.HCM - nhận định: "Luyện thi cấp tốc là con dao 2 lưỡi. Nó sẽ hiệu quả với những học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản trong suốt năm học, giờ các em đi học luyện thi để rèn kỹ năng làm bài, nâng cao trình độ.

Nhưng luyện thi cấp tốc sẽ không hiệu quả, thậm chí là tác dụng ngược, khi học sinh đi học quá nhiều nơi, không có thời gian "thẩm thấu" bài học".

H.HƯƠNG

Không nhất thiết phải luyện thi bên ngoài quá nhiều

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Nhà trường có những tiết học tăng cường cho các môn thi và đã tổ chức các đợt khảo sát chất lượng, cho học sinh thi thử.

Thậm chí kiểm tra học kỳ 2 của học sinh lớp 9 với các môn toán, văn, tiếng Anh, lịch sử đều được tổ chức sắp xếp số báo danh theo phòng đúng như quy chế thi và làm đề chung do các tổ chuyên môn ra chung cho toàn khối để tập dượt, cho học sinh làm quen với kỳ thi sắp tới".

Theo bà, các trường THCS đều cố gắng làm tất cả để học sinh có kiến thức chắc chắn, có kỹ năng bước vào kỳ thi. Việc học sinh ôn thi bên ngoài là không cần thiết, chỉ xuất phát từ sự lo lắng quá của cha mẹ. Điều này vô hình trung gây áp lực cho học sinh.

Đề thi bám sát kiến thức cơ bản, chủ yếu ở lớp 9

Ông Phạm Quốc Toản, trưởng Phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết đề thi của cả 4 môn vẫn ra theo cấu trúc đề thi đã được công bố các năm trước.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội thì đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS hiện hành, chủ yếu ở lớp 9. Với yêu cầu của kỳ thi, học sinh lớp 9 chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và nắm được kỹ năng làm bài thi (tự luận, trắc nghiệm) thì có thể đạt điểm từ khá trở lên.

Theo một số giáo viên dạy lớp 9 ở Hà Nội thì đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây không có nhiều xáo trộn mà khá an toàn, giữ ổn định.

Đặc biệt, đáp án môn văn cũng chấm ý khá cụ thể, chi tiết. Vì thế những học sinh chăm chỉ, nắm kiến thức cơ bản tốt để có thể làm đầy đủ ý theo yêu cầu của từng câu hỏi trong đề thi thì khả năng đạt điểm 7 - 8 trong tầm tay.

Tương tự, các dạng bài trong đề toán của Hà Nội nhiều năm qua cũng không mới, những bài có yêu cầu căn bản chiếm từ 85 - 90% đề thi. Như vậy, chỉ cần nắm kiến thức cơ bản và làm chắc chắn các câu hỏi dạng cơ bản trong đề thi thì học sinh đã có thể đạt điểm 8 - 9.

Các đề thi lịch sử, ngoại ngữ của Hà Nội trong 2 năm gần đây được đánh giá rất căn bản, nên tỉ lệ điểm 9 - 10 rất cao.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Chỉ tiêu tăng nhưng không Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Chỉ tiêu tăng nhưng không 'dễ thở'

TTO - Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, 114 trường THPT công lập của thành phố sẽ tuyển 67.989 học sinh (tính cả chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp), tăng 301 chỉ tiêu so với năm trước.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên