04/04/2021 06:00 GMT+7

Học ngành nông nghiệp, ôtô: Không lo thiếu việc làm khi ra trường

MẬU TRƯỜNG - LÊ TRUNG
MẬU TRƯỜNG - LÊ TRUNG

TTO - Hai chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 của báo Tuổi Trẻ đã đến với học sinh Tiền Giang, Quảng Nam trong hôm qua 3-4. Nhiều câu hỏi, băn khoăn của học sinh được gửi đến ban tư vấn và đều được giải đáp cặn kẽ.

Học ngành nông nghiệp, ôtô: Không lo thiếu việc làm khi ra trường - Ảnh 1.

Học sinh dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại tỉnh Tiền Giang sáng 3-4 - Ảnh: TỰ TRUNG

Hôm nay 4-4, chương trình tiếp tục đến với học sinh vùng ĐBSCL với Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra từ 7h tại Trường ĐH Cần Thơ. Cùng thời điểm, chương trình cũng diễn ra tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Nông nghiệp bây giờ đã khác xưa

Hơn 3.000 học sinh THPT từ thành phố, các huyện thị ở tỉnh Tiền Giang đã tập trung về Trường ĐH Tiền Giang tham dự chương trình ngày 3-4.

Tại buổi tư vấn, hàng chục câu hỏi của học sinh được gửi đến ban tư vấn và đều được giải đáp cặn kẽ. Trương Văn Hùng Huy - học sinh Trường THPT Lê Văn Phẩm (tỉnh Tiền Giang) - thắc mắc để trở thành kỹ sư nông nghiệp, em có thể học ngành gì và khi ra trường cơ hội việc làm như thế nào. 

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - khẳng định ngành nông nghiệp hiện nay đã khác hẳn so với mười năm trước. Ngành nông nghiệp hiện nay là ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp thông minh.

"Nếu em muốn trở thành kỹ sư nông nghiệp, em có thể học ngành bảo vệ thực vật hoặc ngành nông học. Em có thể chọn chuyên sâu học về ngành bảo vệ thực vật, nghiên cứu về các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng. 

Riêng vùng ĐBSCL, một vùng đất trồng nhiều cây ăn quả và một trong những vùng chuyên canh lúa quan trọng của cả nước thì ngành bảo vệ thực vật, nông học khi ra trường sẽ có cơ hội kiếm việc làm rất tốt" - PGS.TS Hùng nói thêm.

Trong khi đó, sau câu trả lời của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bạn Thiện Hòa - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Tiền Giang - như vững tâm hơn vào lựa chọn của mình khi xếp ngành ôtô chất lượng cao lên hàng ưu tiên trong các ngành mình chọn. 

Trước đó, Thiện Hòa giơ tay đặt câu hỏi ngành ôtô chất lượng cao khác như thế nào với ngành ôtô đào tạo đại trà và cơ hội tìm kiếm việc làm khi ra trường?

Giải đáp thắc mắc, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định ngành ôtô hiện đang rất "hot". "Ngành học ôtô chất lượng cao và đại trà sẽ có những điểm khác nhau nhất định. Đầu tiên, ngành học ôtô chất lượng cao sẽ có học phí cao hơn khoảng 10 triệu đồng nên mỗi lớp sĩ số ít hơn. Số tiền học phí cao hơn đó chúng tôi sẽ thuê thêm giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho các em. 

Chuẩn tiếng Anh chất lượng cao khi ra trường cũng cao hơn nên các em có cơ hội làm cho các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chất lượng cao hai năm đầu dạy theo chương trình Mỹ nên sinh viên muốn liên thông với các chương trình đào tạo nước ngoài cũng rất dễ dàng" - ông Dũng giải thích.

Khu kinh tế mở Chu Lai cần nhân lực rất lớn

Tại Quảng Nam, hơn 2.000 học sinh đã có mặt tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ) tham dự chương trình. Nhiều bạn quan tâm học trường ĐH gần nhà cũng như các ngành nghề mũi nhọn, cần số lượng lớn để phục vụ các khu kinh tế, công nghiệp, dự án lớn của tỉnh.

Bà Lê Ngọc Anh - phó trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - thông tin hiện nay tỉnh Quảng Nam có tám trường cao đẳng, tám trường trung cấp nghề với ngành nghề đào tạo rất đa dạng. Trong đó ưu tiên tập trung đào tạo một số ngành nghề phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: công nghệ ôtô, điện tử, kỹ thuật máy lạnh, điều hòa không khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Một thông tin đáng mừng bà Ngọc Anh đưa ra là tỉ lệ học sinh, sinh viên học tại các trường này hầu như có việc làm và làm đúng ngành nghề đào tạo.

Về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở tỉnh trong thời gian đến (theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030), Quảng Nam sẽ tập trung các ngành nghề mũi nhọn như du lịch - dịch vụ, công nghiệp cơ khí, hỗ trợ, dịch vụ tài chính và nông nghiệp công nghệ cao...

Một số dự án tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển và chắc chắn nhu cầu nhân lực sẽ lớn như phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, định hướng đến năm 2030 sẽ là khu kinh tế động lực, trọng điểm của miền Trung và cả nước. Sẽ tiếp tục thu hút phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ, khí điện, hóa dầu, dịch vụ tài chính, hậu cần cảng và logistics gắn với sân bay Chu Lai. Bên cạnh đó là phát triển công nghiệp may và hỗ trợ ngành may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ.

PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam - cho biết năm qua có ba ngành của trường có số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường cơ bản 95% có việc làm. Đó là ngành CNTT, Việt Nam học và ngôn ngữ Anh. 

"Đặc biệt đối với ngành Việt Nam học, trường đào tạo chủ yếu là văn hóa du lịch. Hiện nay tỉnh thiếu 23.000 lực lượng lao động ở ngành du lịch. Năm nay các doanh nghiệp du lịch đến trường để tuyển dụng nhưng hiện nay vẫn không đủ số lượng" - PGS.TS Phương Anh nói.

Ngoài ra, bà Phương Anh nói thêm: "Hiện nay có một ngành nữa đang "hot" đó là ngành bảo vệ thực vật. Hiện nay Công ty sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (Thadi) - công ty con của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) - đã tuyển dụng nhiều lao động trong ngành này và các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao cũng đã tuyển ngành này...".

Nên đăng ký trực tiếp hay trực tuyến?

Thông tin khiến nhiều học sinh quan tâm là năm nay việc đăng ký xét tuyển có thêm phương thức trực tuyến. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết năm nay ngoài đăng ký xét tuyển trên giấy giống như năm 2020, thí sinh có thể đăng ký trực tuyến trên điện thoại, máy tính.

Em Võ Trần Gia Hân (Quảng Nam) đặt câu hỏi việc đăng ký trực tuyến và giấy thì bên nào lợi hơn? Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hai phương thức đều đảm bảo sự công bằng vì đây mới chỉ là bước 1 để đăng ký ban đầu. "Các em còn có thời điểm thứ hai nữa là điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT" - TS Hùng nói.

Rất cần lao động có kỹ thuật

Theo bà Lê Ngọc Anh, Khu công nghiệp Đông nam huyện Thăng Bình sẽ mở rộng để thu hút phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. Quảng Nam cũng đang thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thực phẩm, cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến. "Tỉnh rất cần lao động có kỹ thuật, tay nghề cao. Vì vậy các em cũng nên lựa chọn những ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu xã hội" - bà Ngọc Anh nói.

Học nữ công gia chánh tại sân trường

Sáng 3-4, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) tổ chức chương trình ngoại khóa giáo dục kỹ năng gia chánh và phát triển văn hóa ẩm thực Huế ngay tại sân trường. Hàng trăm học sinh của trường đã hào hứng tham gia học, tự nấu các món Huế như chè sen, chè đậu nành, bánh bèo... ngay tại trường.

3-4 khoi phuc mon ky nang gia chanh trong truong nu sinh o hue xua  (2) 1(read-only)

Học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng hào hứng tham gia học, thực hành môn kỹ năng gia chánh ngay tại sân trường - ẢNH: NHẬT LINH

Trước khi thực hành, học sinh được thầy cô, chuyên gia ẩm thực hướng dẫn sơ qua cách nấu các món ăn mà lớp mình đăng ký từ trước. Những chiếc bàn con được dựng ngay trước sân trường kê nào bếp cồn, gia vị, các nguyên liệu nấu món ăn... Sau khi được hướng dẫn, học sinh các lớp bắt tay vào công đoạn nấu món ăn. Nấu xong, các bạn được hướng dẫn trang trí, bày biện món ăn sao cho thật đẹp mắt.

Nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà - một cựu giảng viên môn nữ công gia chánh của Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng) - cùng các thầy cô trong trường đến từng lớp để chấm điểm món ăn do các bạn học sinh nấu.

Cùng ngày Trường THPT Hai Bà Trưng đã khai trương hai phòng học đặc biệt để dành riêng cho việc giảng dạy môn kỹ năng gia chánh. Hai phòng học, gồm một phòng học lý thuyết và một phòng học thực hành có đủ các dụng cụ, tài liệu phục vụ môn kỹ năng gia chánh sẽ được nhà trường đưa vào giảng dạy chính thức từ đầu năm học 2021 - 2022.

NHẬT LINH

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021: Ngành ôtô, nông nghiệp được quan tâm nhiều Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021: Ngành ôtô, nông nghiệp được quan tâm nhiều

TTO - Ngày 3-4, hơn 3.000 học sinh có mặt tại Trường đại học Tiền Giang tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021. Phần hỏi đáp, nhiều học sinh quan tâm đến ngành ôtô, nông nghiệp.

MẬU TRƯỜNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên