24/05/2016 09:36 GMT+7

Học hành, thi cử và thăng bằng cuộc sống

THÁI HOÀNG
THÁI HOÀNG

TTO - Sau bài viết “Áp lực “nhìn con nhà người ta...”, Tuổi Trẻ nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Nhịp sống trẻ giới thiệu hai trong số các phản hồi.

Học hành, thi cử gây áp lực nặng nề sẽ dẫn đến tình trạng mất thăng bằng trong cuộc sống của học sinh. Thi cử không đậu đạt sẽ gây áp lực rất lớn đối với những người trong cuộc. Áp lực ấy trở nên nặng nề hơn khi các bậc phụ huynh không những không chia sẻ cùng con mà còn nói những lời nặng nhẹ với con khiến cho con càng tổn thương và sự thăng bằng trong cuộc sống bị đảo lộn.

Tôi nhớ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1997, một chị gần nhà tôi thi rớt, đó là nỗi buồn lớn của chị và cũng là nỗi lo cho những đứa em như chúng tôi đang chuẩn bị bước vào lớp 12. Tấm vé tốt nghiệp những năm ấy đã làm cho biết bao học sinh phải “lao đao”, buồn tủi và đôi lúc cảm thấy “nhục nhã” nữa.

Năm sau, điều khiến cả trường tôi ngỡ ngàng nhất là Đ., học sinh giỏi nhất trường, rớt tốt nghiệp. Thầy cô, bạn bè cho rằng có thể Đ. rớt tốt nghiệp do học nhiều quá, căng thẳng quá. Và chính vì học nhiều khiến cho cậu ấy “mất thăng bằng” khi bước vào phòng thi. Không chỉ rớt tốt nghiệp năm ấy, sau đó cuộc đời của cậu đã kết thúc không có hậu. Đau. Đau lắm chứ.

Chuyện áp lực của việc học hành, thi cử đã đem đến nỗi đau cho không ít cô cậu học trò, nhất là những năm gần đây.

Những năm qua, áp lực học hành, thi cử lại đè lên đầu học sinh. Cái bệnh sĩ của nhiều phụ huynh đã làm cho con cái khủng hoảng tinh thần và thậm chí gây hậu quả rất lớn. Con cái trầm cảm, con cái bị thần kinh, thậm chí dẫn đến cái chết thương tâm cũng vì học hành, thi cử.

Dẫu biết rằng thời đại này kinh tế phát triển, gia đình có điều kiện để con cái học thành tài nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ép con phải học sáng, chiều, tối; không đồng nghĩa với việc ép con học “theo ý nguyện - sở thích” của cha mẹ; không đồng nghĩa với việc con mình phải có bằng đại học, phải làm “thầy” chứ không làm “thợ”. 4 tuổi đã bắt con “chạy sô” đi học.

Học sinh giỏi kiến thức sách vở nhưng thiếu kỹ năng sống. Không thể trách con trẻ được, bởi đó là “kết quả” từ người lớn. Học nhiều quá sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Học giỏi cũng có thể rớt tốt nghiệp, rớt đại học bởi mất thăng bằng trong cuộc sống.

Rèn kỹ năng sống dịp hè

Sau thời gian học tập căng thẳng, mùa hè là quãng thời gian được khá nhiều học sinh chờ đợi để dành thời gian nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho một năm học mới. Thế nhưng, vừa tổng kết năm học, đa số các em lại bước vào thời gian học hè. Nội dung và chương trình học chủ yếu là học trước chương trình năm học tới, khi khai giảng sẽ học lại chương trình đã học thêm dẫn đến sự nhàm chán vì lặp đi lặp lại nhiều lần, sinh ra tâm lý chủ quan, tạo nên sức ì của các em.

Nhiều phụ huynh quên rằng đối với học sinh không chỉ học kiến thức mà còn học cả kỹ năng sống, giao tiếp, nhận thức đúng sai nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, cũng như các kỹ năng sinh tồn như tập bơi lội để phòng tránh đuối nước, hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông để không xảy ra tai nạn giao thông hay có khả năng phòng chống các tệ nạn xã hội khác.

Nhiều em học sinh học rất giỏi nhưng kỹ năng sống rất kém, khả năng hiểu biết các vấn đề của xã hội rất hạn chế. Do vậy, khi tiếp xúc với những nguy hiểm hoặc các tệ nạn xã hội không có khả năng phòng tránh, dễ sa ngã, nhiều trường hợp các em sa ngã, không thể đứng lên được.

Nhiều gia đình vào dịp hè là tổ chức cho các em học các kỹ năng sống như đưa con về thôn quê chơi với ông bà hoặc cho các em tham gia các môn thể thao như bóng đá, bơi lội. Có gia đình tập cho các em kinh doanh, buôn bán hay theo cha mẹ để được học nghề.

Nhờ đó mà nhiều em đã phát huy được tố chất của mình, có thể định hướng, xác định rõ ngành nghề yêu thích hoặc cha mẹ cũng tạo cho các em lao động phụ giúp gia đình tạo thu nhập hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của các em và trang trải chi phí cho việc học tập, đồng thời chuẩn bị tâm lý và các điều kiện cần thiết để vững tin bước vào năm học mới.

Việc học là điều kiện cần nhưng chưa đủ đối với sự thành đạt của một con người. Nhiều em học rất giỏi nhưng không có nghĩa là các em sẽ thành đạt trong tương lai và ngược lại, những em học không giỏi lại trở thành người thành đạt. Một người thành đạt là một người tích cực học tập không chỉ trên ghế nhà trường mà học tập ngoài xã hội, học tập kinh nghiệm của những người đi trước và vận dụng một cách hợp lý để trở nên thành đạt.

ĐỖ VĂN NHÂN (Kon Tum)

THÁI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên