27/08/2019 10:55 GMT+7

Hoa đăng và rác

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Ba vạn đóa hoa đăng đã thả xuống vịnh Lan Hạ trong đêm hội hoa đăng mừng đại lễ Vu lan của huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Hoa đăng và rác - Ảnh 1.

Hoa đăng trên vịnh Lan Hạ trong đêm đại lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày 10-8 - Ảnh: THÀNH TRUNG

Những hình ảnh xác hoa đăng phập phềnh trên mặt biển đã khiến dư luận bất bình, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực ngăn chặn rác nhựa hủy hoại các đại dương.

Thượng tọa Thích Tục Khang - vị sư chủ trì lễ hội này - xác nhận đúng là có ba vạn hoa đăng được thả trên vịnh Lan Hạ, nhưng sau khi kết thúc đêm hội, ban tổ chức đã thu gom lại hết.

Ông Nguyễn Công Hòa - giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà - cũng khẳng định ngay trong ngày hôm sau

(11-8) tất cả hoa đăng thả xuống biển đã được thu gom, thậm chí còn lập cả hệ thống phao quây để ngăn hoa đăng trôi ra biển.

Liệu có thể tin được không, 30.000 đóa hoa đăng thả xuống biển, trong suốt một đêm, giữa sóng gió mà có thể thu gom được hết?

Liệu có thể thuyết phục được với cộng đồng quốc tế rằng 30.000 đóa hoa đăng ấy không lọt ra ngoài biển khơi, không liên quan gì đến 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm, mà Việt Nam là một trong năm quốc gia phải chịu trách nhiệm?

Thượng tọa Thích Tục Khang cho biết ý nghĩa của đóa hoa đăng trong lễ Vu lan là lời nguyện cầu báo hiếu của con cái với cha mẹ. Đó cũng là hào quang của Đức Phật A Di Đà, là ánh sáng của trí huệ để giáo hóa chúng sanh, thoát khỏi vô minh tăm tối. Ngoài ra, việc thả hoa đăng còn nhằm mục đích cầu nguyện quốc thái dân an, siêu thoát cho người đã khuất...

Thế nhưng, nhìn hình ảnh những đám xác hoa đăng trôi nổi dập dềnh trên mặt biển, dạt vào bờ vịnh ngổn ngang bên cạnh các thứ rác nhựa, nilông... thật khó mà an tâm để nghĩ về những điều tốt lành của hoa đăng và ý nghĩa cao siêu của nghi lễ ấy.

Đó là hình ảnh mà gần đây du khách thường bắt gặp nhiều hơn trên sông Hương - dòng sông thường cử hành những nghi lễ hoa đăng. Hoa đăng từ chỗ làm bằng giấy thắp ngọn nến nhỏ, giờ đã được thay bằng nhựa, cao su, xốp, nhôm, kẽm... 

Toàn là những thứ vật liệu phải tốn hàng trăm năm mới tiêu hủy và kim loại nặng rất độc hại cho môi trường. Đã vậy, ngày trước mỗi người chỉ thả một đóa đăng nhỏ, nhiều người thả chung một đóa đăng tượng trưng, còn bây giờ người ta phóng một lúc cả mấy vạn hoa đăng, cháy rực cả dòng sông, mặt biển...

Tất nhiên, không thể dẹp bỏ hoa đăng cũng như không nên đả phá bằng những lời lẽ cay nghiệt. Hoa đăng và những nghi thức phóng đăng, lễ hội hoa đăng cần được điều chỉnh và giám sát, như cách mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm từ tháng 10-2018. 

Cần cấm hẳn các loại hoa đăng biến tướng làm bằng nhựa và kim loại, chỉ cho phép sử dụng loại hoa đăng làm bằng vật liệu không ô nhiễm môi trường và phải tổ chức thu gom xác hoa đăng ngay sau đêm hội. 

Xử phạt nghiêm khắc những hành vi phá hoại môi trường, không tuân thủ các quy định trên. Đồng thời, cơ quan văn hóa và giáo hội Phật giáo cần hướng dẫn cho người dân về ý nghĩa cao đẹp của hoa đăng, rằng tốt lành tại tâm chứ không phải tại mình thả được nhiều hoa đăng xuống sông, xuống biển.

Nếu chưa làm được việc đó thì mọi lời lẽ tốt đẹp về hoa đăng cũng như những lời khẳng định không gây hại môi trường khó mà thuyết phục được công chúng. Và đóa hoa đăng với vẻ đẹp lung linh siêu thoát đã vô tình trở thành một thứ rác gây hại cho sự sống của muôn loài.

Xôn xao quanh chuyện Xôn xao quanh chuyện '30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm'

TTO - Trước ý kiến cho rằng thả hoa đăng xuống biển gây ô nhiễm môi trường và làm mất giá trị Phật giáo, thượng tọa Thích Tục Khang - trưởng ban tổ chức đại lễ Vu Lan tại Cát Bà - cho rằng những ý kiến đó chưa phản ánh hết sự việc diễn ra.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hoa đăng Lễ Vu Lan