02/12/2022 16:08 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Những người trẻ 'sửa sai' với truyền thống

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 'Hộ chiếu văn hóa' để đất nước bước vào một tương lai xán lạn mà vẫn giàu bản sắc, hẳn không thể thiếu tình yêu đặc biệt của những người trẻ với văn hóa truyền thống, cùng nỗ lực 'sửa sai' để làm sống dậy những xưa cũ tinh tế của cha ông.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Những người trẻ sửa sai với truyền thống - Ảnh 1.

Nguyễn Minh Đời (trái) bên ba mẫu áo ngũ thân tay chẽn được trao giải ba Cuộc thi và triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2022 - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Xuân Lam (Hà Nội) vẽ lại tranh dân gian theo cái nhìn đương đại của một 9X để đưa chúng sống lại cùng thế hệ trẻ hôm nay. Thu Trang (Hà Nội) đeo đuổi việc giữ những "họa sắc Việt" của cha ông. 

Minh Đời (Cà Mau) bỏ nghề luật để theo đuổi chiếc áo dài nam ngũ thân truyền thống và sáng tạo nó để phù hợp hơn với cuộc sống đương đại. Tải Thị Mai (Hà Giang) may lại chiếc áo truyền thống của người dân tộc Pà Thẻn của mình... 

Đây là những câu chuyện đẹp của người trẻ làm giàu thêm truyền thống trong đời sống hôm nay.

Sống lại trăm, ngàn năm áo mũ

Gần chục năm trước, nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức đã làm được một điều đẹp đẽ với truyền thống "ngàn năm áo mũ" của cha ông mình khi dành ba năm của tuổi trẻ đầy năng lượng để viết cuốn sách khảo cứu về trang phục của người Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn. 

Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức được nhà nghiên cứu kỳ cựu Trịnh Bách đánh giá có lẽ là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất cho tới nay ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế. 

Sau Trần Quang Đức, rất nhiều bạn trẻ mê mải với việc phục dựng trang phục truyền thống của cha ông, đưa nó sống lại trong đời sống hôm nay.

Vài năm qua, người ta thấy trong nhiều sự kiện văn hóa ở Hà Nội một nhóm nam nữ, chủ yếu là nam, rất trẻ, diện áo dài ngũ thân đội khăn xếp. Họ hãnh diện khoác trên mình trang phục truyền thống xuất hiện ở nhiều nơi, ngoài đường phố. 

Tất cả họ đều một lòng yêu và tự hào với khăn áo mình mang và muốn lan tỏa tình yêu đó trong cộng đồng. Họ thuộc Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống của CLB Đình làng Việt, do họa sĩ Nguyễn Đức Bình làm chủ nhiệm. 

CLB tập hợp nhiều người thuộc nhiều thế hệ trên cả nước nhưng chủ yếu là những người trẻ, với mục đích quảng bá áo ngũ thân truyền thống, đặc biệt là áo nam vì lâu nay áo dài nam khá bị "kỳ thị"...

Trong công cuộc nuôi giữ trang phục truyền thống, các bạn trẻ dân tộc thiểu số cũng đang nhập cuộc khá mạnh mẽ. 

Chị Tải Thị Mai (sinh năm 1986 ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) đã mở một hợp tác xã thổ cẩm để may trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn và các sản phẩm thời trang đương đại ứng dụng các hoa văn trang trí truyền thống.

Mai và mẹ Mai từng không có bộ quần áo truyền thống nào, không biết cách mặc hay làm trang phục này. Nhưng đau đáu với truyền thống, Mai đã quyết tâm tìm gặp lại các cụ già trong thôn để học làm trang phục truyền thống, lập nhóm các phụ nữ may thêu và sau đó là hợp tác xã dệt thổ cẩm. 

Cô chủ của xưởng dệt này ngày nay tất nhiên rất hãnh diện được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình bất cứ khi nào thuận tiện.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Những người trẻ sửa sai với truyền thống - Ảnh 2.

Xuân Lam bên những chiếc đèn lồng in tranh của Lam vẽ lại tranh dân gian, đang được trưng bày tại 22 Hàng Buồm - Ảnh: Facebook Xuân Lam

Người trẻ vẽ lại tranh dân gian

Tại Hà Nội, nếu tham quan khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại ở hầm Nhà Quốc hội, hay dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm), người xem sẽ bắt gặp các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ 9X Xuân Lam được nghệ sĩ sáng tác trong cảm hứng chung của dự án Vẽ lại tranh dân gian.

Trước đó, Xuân Lam trình làng triển lãm Vẽ lại tranh dân gian tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, gây tiếng vang trong giới yêu mỹ thuật. 

Trong mấy năm sự nghiệp đầu đời, Xuân Lam tập trung vẽ lại một loạt tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và cả tranh dân gian của tỉnh Nghệ An theo phong cách đương đại và đưa chúng vào các tác phẩm khác, hoặc đưa lên các sản phẩm thời trang, được các bạn trẻ rất yêu thích.

Ý tưởng dẫn Xuân Lam tới con đường nghệ thuật riêng biệt này là do một lần vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tìm tư liệu để làm bài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Lam đã xót xa khi thấy khu trưng bày tranh dân gian vốn đìu hiu so với khu vực bày tranh của các danh họa. 

Người trẻ ngày nay ít quan tâm, biết tới cái đẹp tranh dân gian quá. Nghĩ thế và Lam nung nấu ý muốn đưa tranh dân gian tới gần với người thời nay.

Những tận hiến của Lam với tranh dân gian đã được trả công xứng đáng. Lam tạo được con đường riêng, sớm ghi được dấu ấn trong giới và mới đây bạn đã nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hoa Kỳ để theo học thạc sĩ mỹ thuật tại Đại học Fulbright. 

Lam tri ân văn hóa truyền thống để rồi chính văn hóa truyền thống chắp thêm cánh cho bạn bước ra thế giới.

Còn Thu Trang thì kiên trì gần chục năm với dự án Họa sắc Việt cùng nhóm S.River vì tự đặt cho mình sứ mệnh gìn giữ những vốn quý của cha ông sau khi một duyên lành đưa cô đến với tranh Hàng Trống. 

Kết quả, Trang đã xuất bản cuốn sách Họa sắc Việt dành cho dân thiết kế, mỹ thuật và người yêu mến, muốn tìm hiểu về mỹ thuật dân gian. Sách cung cấp kho tư liệu các họa tiết tranh Hàng Trống được làm lại trẻ trung, hiện đại hơn.

"Nói giới trẻ quay lưng với truyền thống là một định kiến sai lầm. Những người trẻ ngày nay bước ra với thế giới nên họ có nhu cầu rất lớn được tìm về với truyền thống của mình để có thể vững tin đối thoại được với bạn bè năm châu. 

Người trẻ cũng có cái thuận lợi khi đến với văn hóa truyền thống, đó là họ không bị mang cái gánh nặng của một thời coi truyền thống là những thứ hủ lậu cần bài trừ nên họ làm rất tốt", họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Những người trẻ sửa sai với truyền thống - Ảnh 3.

Tải Thị Mai trong trang phục truyền thống Pà Thẻn - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong CLB Đình làng Việt có Nguyễn Minh Đời, sinh năm 1998 ở Cà Mau, đang lập nghiệp tại Cần Thơ. Minh Đời sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, vì quá mê say với chiếc áo dài truyền thống đã tiếp nối nghề may thêu của bà nội.

Bộ ba mẫu áo dài ngũ thân tay chẽn cho cả nam và nữ của Minh Đời vài tháng trước đã được trao giải ba trong Cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức.

Các bạn trẻ của CLB không chỉ yêu, giữ trang phục truyền thống mà còn rất giỏi các môn nghệ thuật truyền thống khác, trong đó có Hoàng Hữu Hùng, Lê Xuân Khoa rất am hiểu các thể loại âm nhạc truyền thống như xẩm, chèo, ca trù, nghệ thuật thư pháp.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Nhiều di sản được cứu nhờ cộng đồng Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Nhiều di sản được cứu nhờ cộng đồng

TTO - "Hộ chiếu văn hóa" để đất nước bước vào thịnh vượng bền vững không thể thiếu những di sản văn hóa, những chứng tích của thời gian cho con người cảm giác vững tâm khi được kết nối với tổ tiên và cho thành phố vẻ quyến rũ "ra tiền".

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên