20/11/2022 10:32 GMT+7

'Hộ chiếu văn hóa' Việt Nam: Chung tay vì 'sức khỏe' tiếng Việt

LAM ĐIỀN thực hiện
LAM ĐIỀN thực hiện

TTO - Tiếp theo câu chuyện tiếng Việt (Tuổi Trẻ 19-11) khi bàn thành tố tạo nên "tấm hộ chiếu văn hóa Việt Nam", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai nhà giáo, nhà ngôn ngữ có lòng với tiếng Việt, có kinh nghiệm trong nắm bắt xu hướng ngôn ngữ trẻ.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Chung tay vì sức khỏe tiếng Việt - Ảnh 1.

PGS.TS Đoàn Lê Giang

Ngôn ngữ là một hiện tượng động, biến đổi theo đời sống. Làm sao để phát triển tiếng Việt ngày càng giàu đẹp, hiện đại, người dùng tiếng Việt là một cộng đồng văn minh, tiến bộ, có văn hóa cao vẫn là ước muốn của các thế hệ quan tâm đến văn hóa nước nhà.

PGS ĐOÀN LÊ GIANG

PGS.TS Đoàn Lê Giang: Phải dùng đúng, hay tiếng Việt

* Dường như giới trẻ thường lúng túng trong diễn đạt, theo ông, nguyên nhân từ đâu?

- Năng lực ngôn ngữ được hình thành từ đâu? Từ sự quan sát, tiếp thu lời ăn tiếng nói trong đời sống, học tập trong nhà trường, đọc sách báo. Nếu sống trong một môi trường giao tiếp ngôn ngữ xô bồ, mà người nghe không có khả năng chọn lọc thì rất dễ học theo loại ngôn ngữ ấy.

Nếu học hành trong nhà trường không nghiêm túc, việc dạy việc học có vấn đề thì năng lực ngôn ngữ của học sinh cũng bị hạn chế. Nếu không đọc sách báo tốt, không đọc được những tác phẩm văn chương hay thì khó có khả năng biết dùng tiếng Việt đúng và hay.

* Nếu phải nói ngắn gọn với một bạn trẻ đang học cuối cấp III về việc nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ông sẽ nói thế nào?

- Đối với lứa tuổi học sinh cấp III, các em đang bước vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người: lứa tuổi sinh viên đại học, lứa tuổi tiếp thu kiến thức có hệ thống cho hành trang vào đời. Bất luận các bạn học đại học nào, làm nghề gì thì dùng cho đúng, cho hay tiếng Việt là kỹ năng không thể thiếu.

Người kỹ sư, bác sĩ, giáo viên không thể thành công trong công việc cũng như trong cơ quan công ty nếu nói tiếng Việt ấp úng, nói cộc cằn, đơn điệu. Nói vậy sẽ không thuyết phục được ai, thậm chí còn bị đánh giá thấp về chuyên môn, hay quá trình đào tạo.

Đối với các bạn học về các ngành khoa học xã hội, nhân văn, truyền thông, quan hệ công chúng thì việc rèn giũa khả năng tiếng Việt là yêu cầu bắt buộc. Làm thế nào có thể nâng cao được năng lực ấy?

Ngoài việc học nghiêm túc trong nhà trường thì đọc sách là việc không thể thiếu. Sách hay chứa đựng "túi khôn" của nhân loại, sách hay dạy người ta nguồn từ vựng phong phú, cách dùng tiếng Việt sao cho chính xác, tinh tế.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama, một vị tổng thống nổi tiếng hùng biện, từng kể hồi thanh niên ông đã mượn và đọc hết tất cả các tủ sách tư nhân trong vùng. Đó là một kinh nghiệm rất đáng suy nghĩ.

Có trách nhiệm của truyền thông

Trong giáo dục, người ta mong chờ những sản phẩm giáo dục tốt nhất. Về phương diện ngôn ngữ, người ta mong chờ đào tạo ra những học sinh có thể sử dụng đúng, sử dụng tốt, sử dụng có hiệu quả tiếng Việt, gần thì thể hiện là con người tử tế có học, xa thì các bạn ấy có thể thành công trong công việc và trong xã hội.

Về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết phải ở các phương tiện truyền thông bởi vì các phương tiện này có sức ảnh hưởng rất lớn.

Các phương tiện ấy dùng sai có thể là do dễ dãi trong khâu tuyển dụng, mà nói theo kiểu dân gian là tuyển những người "chưa sạch nước cản" vào làm việc, hay dễ dãi trong khâu biên tập, dễ dãi khi tiếp nhận quảng cáo mà không dám từ chối những quảng cáo dùng sai tiếng Việt. Ðã từ lâu các tờ báo đã thôi mục "Dọn vườn" về ngôn ngữ để chỉ ra lỗi sai trong việc sử dụng tiếng Việt. Việc này rất cần khôi phục.

PGS ĐOÀN LÊ GIANG

PGS.TS Hoàng Dũng: Nguy cơ tổn thương tiếng Việt ngày một lớn

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Chung tay vì sức khỏe tiếng Việt - Ảnh 4.

PGS.TS Hoàng Dũng - Ảnh: L.ĐIỀN

* Theo ông, một ngôn ngữ quốc gia có thể bị tổn thương trong các trường hợp nào? Xét từ đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, ông thấy có xu hướng/ hiện tượng nào có nguy cơ làm tổn thương tiếng Việt không?

- Có hẳn một quan điểm thu hút sự chú ý của nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng cần phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ trước nguy cơ bị vẩn đục cả do những nhân tố ngoại lai - như lạm dụng từ mượn hay cách diễn đạt của tiếng nước ngoài - lẫn do những nhân tố bên trong - như dùng từ sai nghĩa, viết câu què quặt, đầy lỗi chính tả…

Cả hai trường hợp đều đáng báo động trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt hiện nay.

Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, nguy cơ tổn thương tiếng Việt ngày một lớn hơn. Đáng lưu ý là lỗi tiếng Việt không hiếm trên truyền hình, trên báo chí, cả báo mạng lẫn báo in.

Cho nên để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vai trò hàng đầu thuộc về những cơ quan này: tiếng Việt trên truyền hình, trên báo chí trước tiên phải "sạch" lỗi.

Vai trò của nhà trường cố nhiên là quan trọng. Nhưng nhà trường có thể làm tốt nhiệm vụ không khi hằng ngày hằng giờ trên phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nhan nhản lỗi tiếng Việt?

* Trong giới trẻ thường có những xu hướng dùng tiếng lóng, hoặc các cách nói, viết khác với quy chuẩn thông thường nhưng được thỏa thuận hiểu trong một không gian/đối tượng riêng. Những xu hướng ấy có ảnh hưởng như thế nào đến "sức khỏe" của ngôn ngữ quốc gia?

- Phải thừa nhận việc dùng tiếng lóng, cách viết "lạ" khác với quy chuẩn thông thường đang rất phổ biến, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người thấy đây là một xu hướng đáng lo vì cho rằng sẽ làm cho tiếng Việt bị méo mó.

Thật ra, đấy là xu hướng toàn cầu! Ở nước nào cũng thấy người ta kêu chuyện này và chưa thấy nước nào giải quyết được cả. Giới trẻ vừa muốn khẳng định mình vừa muốn có một dấu hiệu riêng cho mình. Ðó là thứ ngôn ngữ giới trẻ trò chuyện riêng với nhau.

Chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chỉ đặt ra đối với những người không ý thức được tính chất "tếu táo" của cách nói/viết trên, đưa nó vào những lĩnh vực khác, tình huống khác như nói/viết với người lạ, người trên, trong giấy tờ hành chính, đơn xin việc…

Và lúc đó, phản ứng lành mạnh của xã hội làm cho họ hiểu ngay vấn đề: bị mắng, bị bác đơn…

Truyền hình Việt "ngập" tiếng nước ngoài

Bên cạnh những game show giúp khán giả có thêm hiểu biết về tiếng Việt như Vua tiếng Việt và Thử thách bất ngờ, hay trước đây có Trúc xanh…, những năm gần đây nhiều chương trình truyền hình vô tình hay cố ý làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt bởi lạm dụng việc dùng tiếng nước ngoài.

Vietnam's Next Top Model, The Hero, The Face Vietnam, The Remix… đều có tên tiếng Việt, nhưng phần lớn người dẫn chương trình đều đọc tên gốc tiếng Anh và càng về sau các MC ngày càng chêm tiếng Anh vào chương trình càng nhiều.

Ví dụ như trong mùa 1 Thần tượng đối thần tượng, MC và nghệ sĩ tham gia thường xuyên gọi tên tiếng Anh của chương trình là The Heroes, rồi đưa từ master (bậc thầy), producer (nhà sản xuất), team (đội) vào lời thoại. Các đội cũng được đặt tên bằng tiếng Anh, người xem phân biệt tên các đội cũng rối não.

Thậm chí trong chương trình giải trí như Người ấy là ai?, Ca sĩ mặt nạ…, một thành viên trong ban cố vấn là nghệ sĩ hài cứ liên tục chêm tiếng Anh vào lời nhận xét của mình. Đỉnh điểm trong tập 9 của Ca sĩ mặt nạ, khi nhận xét về tiết mục biểu diễn của Phượng Hoàng Lửa, anh bắn loạt từ tiếng Anh như fantastic (thần kỳ), wonderful (tuyệt vời), significant! (ý nghĩa), magnificent! (tráng lệ), outstanding (nổi bật), Class of Titans... rồi nói thêm "Đây là world class, thưa quý vị"…

Một số người xem chương trình viết nhận xét trên YouTube: "MC quốc dân nhưng vốn tiếng Việt không đủ nên phải dùng tiếng Anh nhận xét hay sao?", "Xem chương trình Việt Nam toàn thấy xổ tiếng Anh…". Có người nhận xét: "Làm màu".

Mà MC ấy "làm màu" thật, khi anh ấy chêm thường xuyên từ "class" tiếng Anh đầy khó hiểu vào câu hỏi của mình. Trong khi đó, chỉ cần nói từ tiếng Việt "đẳng cấp" vừa nghe dễ hiểu vừa dễ chịu hơn rất nhiều.

"Chúng tôi là người trẻ, được học được biết tiếng Anh còn phải suy nghĩ, thử hỏi những người lớn tuổi, những khán giả ở vùng quê xem truyền hình, đâu phải ai cũng hiểu những từ này. Mà cũng thật lạ lùng khi chương trình do người Việt sản xuất dành cho người Việt lại phải có phụ đề tiếng Việt giải nghĩa những từ ấy" - khán giả Lan Anh ở quận Tân Bình (TP.HCM) ta thán.

Chêm nhiều tiếng Anh trong các chương trình truyền hình không chỉ khiến khán giả cao tuổi, những khán giả nông thôn - đây là đối tượng xem truyền hình nhiều nhất - bị căng thẳng thần kinh, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu thông tin mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của nghệ sĩ, của những người thực hiện chương trình đối với khán giả và nhất là không tôn trọng tiếng mẹ đẻ của mình. Điều này làm mất sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. (HOÀNG LÊ)

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tiếng Việt trong giới trẻ có nghèo? Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tiếng Việt trong giới trẻ có nghèo?

TTO - Tiếng Việt giàu đẹp vốn là tấm hộ chiếu văn hóa của Việt Nam trong mắt thế giới. Thế nhưng ngày nay, những câu nói chệch âm, những từ ngữ pha trộn mang theo tinh thần hài hước đang trở thành một phần trong giao tiếp của nhiều bạn trẻ.

LAM ĐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên