16/03/2011 08:14 GMT+7

Hồ Ba Bể khó tránh khỏi "sức ép"

Thảo Giang ghi
Thảo Giang ghi

TT - Sau bài viết “Hồ Ba Bể kêu cứu” (Tuổi Trẻ ngày 15-3), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Ngọc Đường - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - về mối lo ngại cho hồ nước ngọt cần được bảo vệ này.

31MUR0n9.jpgPhóng to
Tại cửa suối lớn Nam Cường, các doi đất khổng lồ này cứ xông ra giữa hồ mỗi lúc một dài và rộng - Ảnh: Thanh Tâm

* Thưa ông, việc bồi lắng hồ Ba Bể do khai thác quặng, xây dựng bừa bãi, chặt phá rừng gây xói lở đã ở mức báo động. Vậy còn các dự án cứu di sản này?

- Chúng tôi đã đưa ra phương án lâm thủy, tức lâm nghiệp kết hợp với thủy lợi. Quan điểm của chúng tôi cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lúc lên đây là không còn cách nào hơn là phục hồi sinh thái đầu nguồn hồ Ba Bể, tức trồng rừng có khả năng chống xói mòn chứ không phải rừng sản xuất, tức là không phải trồng keo, trồng mỡ rồi chặt đi để trồng lại như chúng ta đang làm.

Hiện nay, dự án lâm thủy đang xây dựng để tạo ra các bậc thang trên dòng sông Nam Cường nhằm lắng bùn lại rồi hốt bùn ở chỗ đó đi, kè hai bờ sông để không xói lở tiếp. Cục Lâm nghiệp, Cục Thủy lợi và Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT cũng đồng ý với phương án đó.

* Ông nghĩ thế nào khi các chuyên gia đã tiêu tốn nhiều tỉ đồng nghiên cứu phương án nạo vét hồ Ba Bể?

- Một số ý kiến cho rằng việc nạo vét hồ rất khó thực hiện. Vì bây giờ chỗ hồ đã bị lấp rồi mà đưa máy ủi, máy xúc, máy múc vào thì có thể hốt được đất đó đi, nhưng liệu tiếng kêu ầm ầm của máy có làm đàn khỉ, đàn voọc của vườn quốc gia đi sạch cả? Vậy cái mất mát này còn lớn hơn cái được.

Vả lại, việc bồi lấp có nhiều quan điểm khá khác nhau. Viện Địa chất (nơi giúp Bắc Kạn xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận hồ Ba Bể là di sản thế giới) thì bảo: hàng ngàn năm nay trời đất đã có hồ Ba Bể này, dẫu có xói mòn đến đâu nó mãi mãi trường tồn. Còn nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng sẽ mất hồ trong mấy chục năm nữa. Đó chỉ là quan điểm khác nhau, cãi nhau thì lâu lắm. Nhưng rõ ràng phục hồi sinh thái cho hồ và khu vực lân cận là một giải pháp có tính khả thi.

S1bQxJRx.jpgPhóng to
Những cây nghiến cổ thụ bị phá ngay trong vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh chụp cuối năm 2010 tại thôn Bản Lồm thuộc xã Nam Cường, khu cột mốc số 48, 49 trong vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể - Ảnh: Thanh Tâm

* Ông có biết về những lá đơn của bà con kêu ca, kiến nghị về việc khai quặng tàn phá môi trường, gây bồi lắng trầm trọng cho hồ Ba Bể?

- Khai thác quặng ở đó (khu vực ven hồ Ba Bể) thì không có. Khu vực quanh hồ bán kính 5-10km cũng không có, chỉ có một mỏ sắt cách hồ khoảng 20km. Chúng tôi đã yêu cầu làm đánh giá tác động môi trường.

Nói rằng việc khai thác ở đó không tác động đến hồ Ba Bể thì không đúng, nhưng cách 20km mà việc khai thác tác động thẳng đến hồ Ba Bể thì... không có. Tuy nhiên, nói là việc khai thác quặng hiện nay không ảnh hưởng chút nào đến hồ Ba Bể là không đúng, vì nước sẽ chảy đi đâu (?) nếu như không phải xuống hồ Ba Bể! Bộ Tài nguyên - môi trường mới cấp phép cho họ khai thác cách đây một năm.

* Theo ông, những nguy cơ “xóa sổ” báu vật hồ Ba Bể có thật hay không?

Các công trình xây dựng ngày càng nhiều

“Theo tôi, tình trạng ở hồ đã đỡ bồi lắng hơn trước, lý do là việc khai thác làm nương rẫy bà con đã hạn chế nhiều, nhưng mối lo hiện nay là ở các vùng đầu nguồn của hồ người ta đang khai thác các mỏ quặng, làm bùn đất và nước ô nhiễm chảy về hồ.

Thứ nữa là các công trình xây dựng cơ bản ngày càng nhiều, quy mô hơn cũng là vấn đề, ảnh hưởng đến chất lượng nước của hồ Ba Bể”.

- Theo tôi, mỗi người một quan điểm. Nhưng chung nhất là chúng ta cùng nhau lên tiếng bảo vệ hồ Ba Bể. Còn giải pháp thế nào ta sẽ cùng nhau bàn. Tôi lưu ý một nguyên nhân gây bồi lấp hồ Ba Bể phải kể đến trận lũ lịch sử năm 1986, được gọi là đại hồng thủy của hồ Ba Bể.

Hồi đó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái (cũ) phải lên trực tiếp chỉ đạo. Lượng mưa quá lớn đã đưa toàn bộ rác rưởi, cây cối trên rừng đổ lấp xuống hồ Ba Bể, vì trước năm 1986 đồng bào toàn phát rẫy, làm nương, nếu không thì sẽ... đói kém.

Các chuyên gia Nhật vừa đến làm việc với chúng tôi rồi đi thực địa Ba Bể trong tuần trước, họ ngạc nhiên sao có một cái hồ trong xanh thế này, tại sao vẫn giữ được hồ trong xanh.

Sự thật là thuở xưa, xã ven hồ có dăm bảy chục người, nay đã tăng dân số tới hàng ngàn người rồi. Đô thị hóa, đông đúc thế này, hồ bị “sức ép” là khó tránh khỏi. Song, việc hiện nay ta vẫn giữ được hồ nước trong xanh như Ba Bể thì cũng đừng phủ nhận công lao những người đang làm việc bảo vệ, chăm sóc vườn di sản ASEAN ở đó.

* Ông có nghĩ tỉnh Bắc Kạn cần phối hợp kiểm tra lại sự ảnh hưởng của doanh nghiệp khai thác quặng sắt với an toàn sinh thái cho hồ Ba Bể?

- “Công trường” khai thác quặng sắt (như Tuổi Trẻ phản ánh) đang được kiểm tra, đánh giá tác động môi trường. Nếu nước thải ra, chảy dần vào hồ mà vẫn trong, làm gì được họ. Về mặt xử lý môi trường, kiểm tra không có nghĩa là không cho khai thác, nhưng khai thác thì phải bảo đảm yếu tố trong sạch và bền vững cho môi trường. Sẽ phải kiểm tra xem việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của họ nghiêm túc chưa, nếu chưa thì phải xử lý.

Thảo Giang ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên