11/08/2021 08:58 GMT+7

Hiệu ứng ngược của chính sách

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTO - Tạo thêm gánh nặng cho dân là chuyện vạn bất đắc dĩ và phải được cân nhắc rất kỹ càng trước khi ban hành bất cứ chính sách nào.

Hà Nội đã nhanh chóng sửa đổi công văn ban hành tối 8-8 về việc người đi đường phải xuất trình căn cước công dân/chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, giấy đi đường... 

Hà Nội sửa đổi công văn sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và các chuyên gia. Mặc dù vẫn còn không ít băn khoăn về một số quy định trong văn bản thay thế, song đã thấy có sự cầu thị của chính quyền Hà Nội.

Công bằng mà nói tăng cường các biện pháp để bảo đảm giãn cách xã hội trong tình hình phòng chống dịch cấp bách hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, thiếu phân tích tác động của chính sách, nhiều giải pháp đề ra chưa chắc đã mang lại kết quả mong muốn. 

Đó là chưa nói tới việc chúng còn có thể gây ra hiệu ứng ngược.

Về nguyên tắc, giãn cách xã hội là để phòng tránh việc lây nhiễm do tiếp xúc đông người, những giải pháp chính sách tạo ra sự tiếp xúc đông người sẽ đi ngược với mục tiêu này. Đòi hỏi phải xuất trình nhiều loại giấy tờ là một trong những giải pháp như vậy, tạo ra sự tiếp xúc đông người ở ít nhất hai nơi: nơi xin cấp giấy tờ và nơi kiểm tra các loại giấy tờ. 

Phép phân tích tác động của chính sách đơn giản về thời gian để xác nhận giấy đi đường ở UBND phường, cũng như thời gian để kiểm tra 4-5 loại giấy tờ ở chốt kiểm dịch cho chúng ta thấy rất rõ điều này.

Đòi hỏi xuất trình nhiều loại giấy tờ để hạn chế người dân ra khỏi nhà chỉ thật sự phát huy hiệu quả, khi chính quyền Hà Nội có thể áp dụng các công nghệ của thời đại 4.0 cho công việc này. 

Cách làm thủ công như hiện nay tiềm ẩn rủi ro gây lây lan dịch bệnh rất lớn. Nhiều nơi ở TP.HCM đã từng phải trả giá rất đắt cho những giải pháp chống dịch tạo ra sự tụ tập đông người. Sẽ rất đáng tiếc nếu kinh nghiệm của TP.HCM không giúp ích được gì cho Hà Nội.

Khi đề ra các giải pháp chống dịch cũng cần quan tâm đến khả năng tuân thủ của người dân. Có điều kiện để tuân thủ mới có thể tuân thủ. 

Văn bản ban hành của Hà Nội vào tối chủ nhật 8-8, người dân phải tuân thủ vào sáng thứ hai 9-8 thì quả thực khó ai có thời gian để lo cho đủ các loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình. Đó là chưa nói tới chuyện các cơ quan chức năng cũng sẽ vô cùng vất vả, cập rập trong việc triển khai các giải pháp mới được đề ra.

Ngoài ra, chi phí tuân thủ và chi phí áp đặt sự tuân thủ cũng là yếu tố mà việc đánh giá tác động của chính sách không thể bỏ qua. Việc đòi hỏi phải xuất trình quá nhiều các loại giấy tờ chắc chắn làm phát sinh chi phí cả về công sức, thời gian và tiền bạc cho người dân và cho các doanh nghiệp. 

Để phòng chống dịch, những chi phí này nhiều khi là cần thiết. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cũng như các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. 

Tạo thêm gánh nặng cho dân là chuyện vạn bất đắc dĩ và phải được cân nhắc rất kỹ càng trước khi ban hành bất cứ chính sách nào.

Người dân thở phào khi Hà Nội điều chỉnh công văn siết chặt giấy đi đường Người dân thở phào khi Hà Nội điều chỉnh công văn siết chặt giấy đi đường

TTO - Sau khi Hà Nội có thông báo điều chỉnh công văn siết chặt giấy đi đường, nhiều người dân và doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, họ cảm thấy nhẹ nhàng và đỡ áp lực hơn so với quy định cũ.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên