17/09/2019 09:04 GMT+7

Hiểu nhầm về nhà kính?

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Đã đến lúc phải nhìn nhận nhà kính đúng với những hậu quả mà nó đã, đang và sẽ gây ra để thoát được 'vành khăn trắng' công xưởng dù nó mang lại lợi ích kinh tế trước mắt để cứu một Đà Lạt xinh đẹp, nên thơ.

Hiểu nhầm về nhà kính? - Ảnh 1.

Cần có những chính sách quản lý riêng với lối canh tác dùng nhà kính, trong đó không thể bỏ qua áp dụng thuế, phí thích đáng với những hậu quả do nó mang lại - Ảnh: TTO

Mới đây, một nông dân Đà Lạt đã tự tháo dỡ nhà kính dẫu mảnh vườn lớn phủ trắng màng nilông là nguồn thu nhập không hề nhỏ. Những năm gắn bó với ngành nông nghiệp xứ này cộng với những hiểu biết về sinh thái đã khiến anh xác định phải hành động.

Anh không ngần ngại bảo rằng bên trong khu nhà kính là lò thuốc độc. Anh chờ những người nông dân khác cùng hành động trước khi Đà Lạt có những thay đổi khó vãn hồi.

"Một vành khăn trắng đang bao lấy Đà Lạt". Đó là một ví von đau lòng về chuyện nhà kính phủ trắng từng mét đất Đà Lạt. Bên dưới lớp màng trắng là cái chết của cảnh quan, môi trường.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đã đánh giá nóng cục bộ, lũ quét, ngập lụt trong thời gian ngắn là những chỉ dấu quan trọng cho thấy hậu quả của việc xây dựng nhà kính ồ ạt.

Không chỉ ông, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo với cơ quan chức năng rằng nhà kính đã và đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và "sức khỏe" hệ sinh thái của Đà Lạt, dẫu cho phương pháp canh tác này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn nhờ năng suất cao.

Chính quyền Lâm Đồng đã lưu ý câu chuyện nhà kính, những ý tưởng giảm nhẹ hậu quả đã được đưa ra và có những tác động tích cực ban đầu.

Nhìn lại 15 năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt thấy rằng nông dân và cả nhiều nhà quản lý hiểu nhầm nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp… dùng nhà kính. Chính sự hiểu nhầm này đã khiến nông dân ồ ạt làm nhà kính.

Làm nông là nghĩ ngay đến nhà kính như một quán tính phù hợp với chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi kèm nhiều ưu đãi của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.

Có những đánh giá khác rằng nhà lồng, nhà kính như hiện nay không phải là nông nghiệp mà đó là những công xưởng nông sản. Những công xưởng chứa đựng những nguy hại không kém sản xuất công nghiệp.

Do đó, cần có những chính sách quản lý riêng với lối canh tác dùng nhà kính, trong đó không thể bỏ qua áp dụng thuế, phí thích đáng với những hậu quả do nó mang lại.

Như vậy cần xác lập lại, định nghĩa lại nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với xác định đúng khái niệm là quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các loại hình nông nghiệp khác. Chính sách thay đổi, lối sản xuất lệ thuộc nhà kính sẽ thay đổi.

Nông dân không phải ai cũng đủ dũng cảm dứt ruột dỡ bỏ nhà kính, nơi mang lại miếng cơm, tấm áo. Do vậy, khi đã có quy hoạch vùng nông nghiệp thì nông dân phải được hỗ trợ tương thích để chuyển đổi mô hình canh tác.

Kiến trúc sư Thierry Huau (người Pháp, kiến trúc sư trưởng xây dựng đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050") khi công bố quy hoạch đã khuyến nghị Đà Lạt tái tạo những thung lũng nhà kính thành những thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp xanh.

Để làm điều đó cần chấp nhận sản lượng nông sản sẽ thấp xuống nhưng chất lượng cao lên và đổi lại chúng ta sẽ có một Đà Lạt phát triển đúng tầm.

Nước Pháp xinh đẹp cũng từng mắc phải những sai lầm dùng nhà kính khi phát triển nông nghiệp và họ mất 40 năm để giải quyết hậu quả, lấy lại vùng du lịch canh nông thân thiện với môi trường.

Người Đà Lạt dỡ nhà kính để trồng vườn Người Đà Lạt dỡ nhà kính để trồng vườn 'truyền thống'

TTO - Tháo dỡ toàn bộ nhà kính kiên cố đang trồng dâu tây, anh Nguyễn Thanh Tân (42 tuổi, ngụ Đà Lạt) trở thành 'kẻ lập dị' giữa bạt ngàn nhà kính bao tứ phía.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên