13/04/2021 14:24 GMT+7

Hiểm họa 'nuốt lưỡi' do va chạm trong bóng đá: Sơ cứu đúng có thể cứu được nạn nhân

QUỐC THẮNG
QUỐC THẮNG

TTO - Hiện tượng 'nuốt lưỡi' thường xảy ra với các trường hợp va chạm mạnh (thường thấy nhất là va chạm trong bóng đá), người bị động kinh hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ... và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Kinh hoàng khoảnh khắc cầu thủ 21 tuổi Morocco "nuốt lưỡi" và qua đời trên sân bóng - Nguồn: le360sport

Mới đây, trong trận đấu giữa Shabab Casablanca với Hassania Benslimane ngày 12-4 ở giải vô địch quốc gia nghiệp dư Morocco, sau pha va chạm với cầu thủ đối phương, hậu vệ 21 tuổi Rida Saqi đã đổ gục và bị 'nuốt lưỡi', qua đời ngay trên sân bóng.

Theo giải thích của y khoa, "nuốt lưỡi" là cách gọi của dân gian cho hiện tượng "tụt lưỡi hoặc tụt khối cơ lưỡi". Hiện tượng này xảy ra khi một người bất tỉnh, cơ lưỡi giãn ra và có thể gây tắc nghẽn đường thở, khó thở, nhất là khi nạn nhân ở tư tế nằm ngửa. 

Khi bị nghẹt đường thở, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Tình trạng này thường xảy ra với các trường hợp va chạm mạnh (thường thấy nhất là va chạm trong các môn thể thao như bóng đá), chấn thương vùng đầu, bất tỉnh, cũng như ở những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, hôn mê, ngủ sâu do dùng thuốc ngủ, gây mê hoặc người bị động kinh.

Ở bệnh viện, tụt lưỡi thường gặp ở các trường hợp hôn mê sâu, sau phẫu thuật gây mê, bệnh nhân phải được xử trí phòng tụt lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng.

Hiểm họa nuốt lưỡi do va chạm trong bóng đá: Sơ cứu đúng có thể cứu được nạn nhân - Ảnh 2.

Cháu bé bị ngất xỉu, có dấu hiệu "nuốt lưỡi" được hai cảnh sát cơ động đưa xuống sân để cấp cứu ở trận Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai ngày 4-8-2019 - Ảnh: tư liệu

Ở Việt Nam cũng đã xảy ra trường hợp cầu thủ và người hâm mộ "nuốt lưỡi" nhưng được cứu chữa kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể ở trận Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai ngày 4-8-2019, hai chiến sĩ cơ động từng gây xúc động mạnh khi cứu một cậu bé chừng 4-5 tuổi co giật, ngất xỉu, có dấu hiệu "nuốt lưỡi".

Thời điểm đó, khi phát hiện cậu bé bị co giật, một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã bế cậu bé xuống sát đường piste và chuyển cho lực lượng cảnh sát cơ động túc trực phía dưới. Trong giây phút nguy kịch, một chiến sĩ cảnh sát cơ động đã kịp thời lấy ngón tay đưa vào miệng cậu bé để tránh tình trạng "nuốt lưỡi". Bị cắn đau, chiến sĩ lộ rõ gương mặt đau đớn nhưng vẫn không buông.

Trước đó, vào tháng 5-2019, cầu thủ Nguyễn Hoàng Thiện Đức của Bình Dương cũng có dấu hiệu co giật và "nuốt lưỡi" sau pha va chạm mạnh với cầu thủ Pape Omar (CLB Hà Nội) ở vòng 8 V-League 2019. Khi đó trọng tài Ngô Duy Lân đã kịp thời sơ cứu giúp Thiện Đức vượt qua được tình trạng nguy hiểm.

Hiểm họa nuốt lưỡi do va chạm trong bóng đá: Sơ cứu đúng có thể cứu được nạn nhân - Ảnh 3.

Khoảnh khắc nhanh trí sơ cứu Thiện Đức của trọng tài Ngô Duy Lân ở vòng 8 V-League 2019 trên sân Gò Đậu - Ảnh: HỒNG LINH

Theo các bác sĩ, "nuốt lưỡi" khá nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể khắc phục nếu được cứu chữa kịp thời và đúng cách. Do đó cái chết của cầu thủ 21 tuổi Rida Saqi trong trận bóng ngày 12-4 khiến nhiều người xót thương và bức xúc.

Bạn bè và người thân của Rida Saqi đã lên tiếng chỉ trích sự chậm trễ của bộ phận y tế dẫn đến cái chết thương tâm của ngôi sao trẻ này. Người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá nghiệp dư Morocco Jamal Al-Senussi cũng khẳng định sẽ mở cuộc điều tra.

Ông Jamal Al-Senussi nói với báo điện tử Ả Rập 24saa.ma: "Chúng tôi sẽ dựa vào khám nghiệm y tế, cũng như báo cáo của trọng tài cùng những người trực tiếp chứng kiến để làm rõ nguyên nhân tử vong của Rida Saqi".

Cần làm gì khi một người bị co giật, nguy cơ "nuốt lưỡi"?

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng khuyên mọi người bình tĩnh và thực hiện nhanh chóng các bước sau:

1- Chừa một không gian đủ lớn cho người co giật, giữ khoảng cách giữa mọi người xung quanh và người đang co giật.

2- Bảo đảm môi trường an toàn cho người co giật được co giật trong an toàn. Tránh xa vùng có nước, điện, thủy tinh, vật sắc nhọn, đồ dùng có thể ngã đổ gây chấn thương.

3- Kê vật mềm dưới đầu người co giật để tránh chấn thương đầu trong lúc co giật.

4- Nới lỏng quần áo quanh cổ, nữ trang, cravat nếu cần để không bị quấn chặt cổ gây nghẹt thở.

5- Không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng, không có tác dụng gì nhưng có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc, nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổ, suy hô hấp.

6- Ghi lại thời gian co giật nếu có thể.

7- Khi bệnh nhân đã ngưng co giật, nhẹ nhàng xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng, tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình.

8- Không đè chặt bệnh nhân, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật.

9- Sau khi người co giật tỉnh lại, đừng để họ một mình mà phải theo dõi cho tới khi chắc chắn đã hồi phục.

XUÂN MAI

Cầu thủ Morocco Cầu thủ Morocco 'nuốt lưỡi' qua đời trên sân sau va chạm với đối thủ

TTO - Sau pha va chạm với cầu thủ đối phương, hậu vệ 21 tuổi Rida Saqi đã đổ gục và bị "nuốt lưỡi", qua đời ngay trên sân bóng trong trận đấu giữa Shabab Casablanca với Hassania Benslimane ngày 12-4 ở giải vô địch quốc gia nghiệp dư Morocco.

QUỐC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên